Với mong muốn giải hòa mâu thuẫn, một phụ xe đã nghe lời người gọi điện (tự xưng là người nhà của chủ xe) đưa mình đến gặp phía bên kia hòa giải. Nhưng sau đó đã xảy ra xô xát giữa người gọi điện với phía bên kia dẫn đến một người bị trọng thương. Và người phụ xe bỗng “biến” thành bị cáo với mức án 13 năm tù vì có hành vi “chỉ mặt” bị hại. Vụ việc hy hữu này đã và đang gây ra nhiều bức xúc và tranh cãi…
Bị cáo Bùi Quyết Chính bên vợ và con tại Tòa
Mâu thuẫn hai bên và bản án 13 năm tù
Ngày 30/3/2013, do có mâu thuẫn tranh giành khách nên Bùi Quyết Chính - phụ xe hãng Mai Luy - bị nhóm phụ xe của hãng Thanh Ly truy đánh. Hai bên đã diễn ra xô xát và vụ việc sau đó lắng xuống. Những tưởng không có vấn đề gì nảy sinh. Thế nhưng, chiều ngày 3/4/2013, Bùi Quyết Chính nhận được điện thoại của một nam thanh niên (được giới thiệu là bạn bè với chủ nhà xe Mai Luy) hẹn ra cổng bến xe Mỹ Đình để đưa vào gặp người nhà xe Thanh Ly hôm trước đánh Chính để nói chuyện hòa giải nhằm ổn thỏa việc làm ăn giữa hai nhà xe. Chính ra dẫn người này vào thì gặp anh Bế Ích Hữu (là phụ xe Thanh Ly), Chính chỉ anh Hữu cho nam thanh niên để nói chuyện. Nói chuyện với anh Hữu được vài phút thì nam thanh niên bất ngờ rút con dao giấu trong người ra đâm anh Hữu một nhát rồi bỏ chạy. Anh Hữu được mọi người đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Vụ việc sau đó đã được công an huyện Từ Liêm khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội cố ý gây thương tích đối với Chính? Nhưng sau đó đình chỉ vụ án do bị hại từ chối giám định thương tật. Điều đáng nói là trong suốt quá trình lấy lời khai thì Chính luôn khẳng định là mình không biết về diễn biến sự việc, chỉ mong muốn hòa giải chỉ dẫn nam thanh niên vào gặp Hữu để nói chuyện giải hòa việc đánh nhau trước đó, không biết thanh niên đó mang theo dao và đâm Hữu nhưng Chính vẫn bị Cơ quan điều tra (CQĐT) thay đổi quyết định khởi tố và sau đó bị Viện kiểm sát (VKS) truy tố về tội giết người theo điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS.
Ngày 21/8/2013, TAND TP.Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt Chính 13 năm tù về tội giết người.
Bức xúc và tranh cãi xoay quanh bản án dành cho bị cáo
Tại phiên tòa, đại diện VKS giữ nguyên quan điểm truy tố, cho rằng: Chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ mà Chính đã chỉ mặt anh Hữu cho nam thanh niên dùng dao đâm anh Hữu. Việc anh Hữu không chết là do anh Hữu chạy thoát và được cấp cứu kịp thời. Chính nhận thức được việc dùng dao đâm vào vùng trọng yếu trên cơ thể nạn nhân là hết sức nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, Chính là đồng phạm tội giết người.
Là người bào chữa cho bị cáo Chính tại phiên tòa, luật sư Nguyễn Quang Anh – Cty Luật Sao Việt, Đoàn luật sư TP. Hà Nội không đồng tình. Luật sư Quang Anh cho rằng: Hành vi đâm anh Hữu của nam thanh niên chỉ có thể cấu thành tội cố ý gây thương tích chứ không phải giết người. Chỉ có thể xác định hành vi là cố ý giết người khi người thực hiện hành vi thấy rõ hành vi của mình có khả năng làm chết người. Còn nếu người phạm tội thấy rõ được hành vi của mình chỉ có khả năng gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân thì chỉ là tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Điều này đã được hướng dẫn cụ thể tại chương V Nghị quyết số 01-HĐTP/ NQ ngày 19/4/1989 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn Điều 109 BLHS 1985 – Điều 104 BLHS hiện hành. Theo hướng dẫn này thì kể cả trường hợp gây thương tích nguy hiểm cho tính mạng và trường hợp gây thương tích dẫn đến chết người đi chăng nữa cũng có thể chỉ phạm tội cố ý gây thương tích nếu người phạm tội chỉ có ý định gây thương tích cho phía bị hại.
Tuy nhiên, việc xem xét ý định của người phạm tội rất khó (vì tâm lý tội phạm thường là chối tội). Bởi vậy, khi xem xét ý định của người phạm tội phải thông qua các hành vi khách quan và các tình tiết khác của vụ án như: Tính chất quyết liệt của hành vi, hoàn cảnh, địa điểm, thời gian phạm tội, nguyên nhân dẫn tới hành vi…Trường hợp đã xem xét tất cả các vấn đề trên mà không xác định được mục đích của người thực hiện hành vi là cố ý gây thương tích hay cố ý giết người thì phải áp dụng nguyên tắc trách nhiệm chứng minh tội phạm (Điều 10 BLTTHS), nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo và căn cứ vào hậu quả bị hại không chết để xử lý tội cố ý gây thương tích trong trường hợp này.
Mặt khác, Chính không phải là đồng phạm với nam thanh niên trong việc đâm Hữu. Theo Điều 20 BLHS thì “đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. Xuyên suốt quá trình giải quyết vụ án, Chính luôn khẳng định chỉ muốn dàn xếp để tiếp tục làm ăn: Bị cáo dẫn người thanh niên vào để nói chuyện chứ hoàn toàn không biết và bất ngờ trước việc người thanh niên đó mang theo dao và đâm Hữu. Nếu biết trước người thanh niên kia mang dao theo người để vào gặp người nhà xe Thanh Ly thì bị cáo đã không dẫn anh ta vào, nếu có thể ngăn chặn được hành vi đâm Hữu của người thanh niên thì Chính sẽ ngăn chặn ngay. Những lời khai này hoàn toàn phù hợp với hàng loạt các tình tiết khách quan khác của vụ án như: Mức độ mâu thuẫn trước đó rất nhỏ; trước đó, Chính và người thanh niên chưa hề gặp nhau, không bàn bạc gì với nhau; hành vi rút dao giấu trong người và đâm anh Hữu của người thanh niên diễn ra quá nhanh khiến bản thân Chính rất bất ngờ nên không kịp can ngăn… Như vậy, Chính không đồng phạm với hành vi dùng hung khí đâm anh Hữu của người thanh niên trên.
Bản án sai do năng lực hay đạo đức nghề nghiệp của Thẩm phán?
Sau phiên tòa, trao đổi với Phóng viên, luật sư Quang Anh cho biết: “Bản án mà TAND TP.Hà Nội ban hành sau phiên tòa cũng không đúng so với bản án mà thẩm phán chủ tọa Ngô Tiến Phong đã tuyên công khai sau phần nghị án. Đặc biệt, tại phần “Xét thấy” của bản án mà ông Phong đọc có nhận định: “Mặc dù bị cáo không nhận thức được hành vi giết người của đồng phạm giết người, nhưng với hành vi bị cáo chỉ mặt anh Hữu để đối tượng lạ mặt đâm anh Hữu vào vùng xung yếu của cơ thể con người”. Nhưng nội dung này sau đó đã “biến mất” tại bản án tòa án ban hành sau phiên tòa. Đây là nội dung quan trọng bởi nó thể hiện việc chính HĐXX cũng đánh giá rằng Chính không đồng phạm giết người với người thanh niên. Vậy có điều gì uẩn khuất mà buộc thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải làm sai lệch hồ sơ để ra bằng được một bản án oan sai như thế?"
Luật sư Quang Anh cho biết: “Trong phiên toàn tôi đã xuất trình rất nhiều các chứng cứ chứng minh Chính không có tội nhưng không được HĐXX xem xét và đánh giá… Trong khi đó bản án lại “tùy tiện” cho rằng Chính không thành khẩn vì bị cáo khai nhằm che giấu cho các đồng phạm. Đây là nhận định không có căn cứ chứng minh”.
Có mặt tại phiên tòa xét xử bị cáo Chính, nhiều người không cầm được nước mắt trước cảnh vợ anh thất thần bế hai con nhỏ (một cháu hơn 2 tuổi, 1 cháu chưa tròn năm) bật khóc nức nở. Chị vừa lau nước mắt vừa kể: “Chồng em không giết người. Gia đình em vất vả nên chồng em đi làm nuôi cả nhà. Con em hai đứa còn nhỏ dại, giờ anh ấy bị oan sai, phải đi tù thế này em biết làm gì để nuôi các con bây giờ”. Tiếng nấc nghẹn của người phụ nữ đáng thương này khiến không ít người dự tòa chạnh lòng và suy nghĩ.
Vụ án này từ khi xảy ra đã có rất nhiều người chứng kiến và cũng thu hút không ít sự quan tâm của nhiều cơ quan báo chí. Bởi vậy, dư luận mong rằng tòa án cấp phúc thẩm sẽ xem xét lại vụ án trên một cách thấu tình đạt lý để không gây oan sai cho người vô tội.
Cơ quan báo chí đăng tải: Nhà báo & Công luận
Số, trang, thời gian đăng tải: Số 42 (919) ;Trang 12; từ 17 đến 23/10/2014
Người thực hiện: Nhóm PVPL