Thời gian qua, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, đã lan rộng và bùng phát tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới, ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu và các nước, các đối tác lớn của nước ta. Ở nước ta, dịch bệnh bắt đầu xuất hiện từ cuối tháng 01/2020 nhưng đến 01/04/2020 thì những ảnh hưởng của dịch bệnh mới thật sự tác động sâu đến kinh tế - xã hội. Chỉ thị 16/CT-TTG ngày 31/03/2020 thực hiện lệnh phong tỏa trên toàn quốc từ 0h ngày 01/04/2020 và chỉ cho phép một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết yếu được phép hoạt động. Đến ngày 15/04/2020 tiếp tục áp dụng phong tỏa đối với 12 tỉnh/thành phố có nguy cơ cao lây nhiễm dịch Covid. Những chính sách trên, một mặt ngăn chặn kịp thời, cấp bách việc bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng, mặt khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội và đại bộ phận người dân lao động trên phạm vi toàn quốc.

Nhằm chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn, đảm bảo đời sống của bộ phận dân cư, người lao động cả nước, góp phần ổn định xã hội, Chính phủ đã ký Nghị quyết thực hiện gói cứu trợ xã hội, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid bao gồm 7 đối tượng: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; Doanh nghiệp; Hộ kinh doanh; Người lao động tự do; Người đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội; Người có công với cách mạng; Hộ nghèo, cận nghèo… Chính sách này giúp an dân, giải quyết được những vấn đề trước mắt trong đời sống xã hội của nước ta hiện nay, tuy nhiên việc thực hiện cần phải kịp thời, đúng đối tượng. Vì vậy, trong phạm vi bài viết này, Luật Sao Việt chỉ đề cập đến nhóm đối tượng người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo điểm 1, điểm 4 Mục 2 Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09/04/2020.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Internet.

Người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 bao gồm những đối tượng nào?

Nghị quyết 42/2020/NQ-CP ngày 09/04/2020 phân chia đối tượng người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 thành 02 nhóm đối tượng là nhóm người lao động có giao kết hợp đồng lao động và nhóm người lao động mất việc làm nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động. Theo đó, những điều kiện để được hưởng trợ cấp được quy định cụ thể như sau:

Nhóm thứ nhất: Đối với người lao động có giao kết hợp đồng lao động;

Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1.800.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 và không quá 3 tháng.

 - Đối với trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động được áp dụng theo Điều 32, Điều 33 Bộ luật lao động năm 2012 được quy định cụ thể như sau: Tạm hoãn hợp đồng lao động được áp dụng với các trường hợp: Người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự; người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự; người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc; lao động nữ mang thai theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật này; các trường hợp khác do hai bên thoả thuận. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc đồng thời người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc.

Như vậy, do ảnh hưởng bởi dịch Covid người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động trong một thời hạn nhất định. Việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động phải được lập thành văn bản ghi rõ các nội dung mà các bên thỏa thuận. Trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động các bên không phải tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Theo đó, nhận sự phụ trách mảng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp thực hiện báo giảm lao động theo thời hạn trong văn bản tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Sau khi hết thời hạn tạm hoãn, doanh nghiệp có trách nhiệm nhận lại người lao động và báo tăng lao động tham gia bảo hiểm xã hội đúng theo quy định của pháp luật.

- Đối với trường hợp nghỉ không lương từ 01 tháng trở lên được áp dụng theo Khoản 2, Khoản 3 Điều 116 Bộ luật lao động năm 2012 thì người lao động được nghỉ không hưởng lương 1 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn. Ngoài trường hợp trên, người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương. Như vậy, trong trường hợp nghỉ không lương từ 01 tháng trở lên, người lao động và người sử dụng lao động phải có văn bản thỏa thuận, theo đó, nhân sự mảng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp phải thực hiện việc báo giảm nghỉ không lương cho những lao động này. Trong thời gian nghỉ không lương các bên không phải đóng bảo hiểm xã hội đồng thời, doanh nghiệp phải báo tăng lao động trở lại sau khi hết thời gian nghỉ không hưởng lương.

Từ quy định trên, Chính phủ đã xác định rõ điều kiện để các đối tượng được nhận trợ cấp do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid, tuy nhiên, việc quy định như trên không bao quát hết các đối tượng, các trường hợp thực sự bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Điều này làm cho chính sách an dân chưa thực sự đi sâu vào các tầng lớp xã hội. Hơn nữa, đến nay đã là gần 02 tuần sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 42/2020/NQ-CP ngày 09/04/2020 nhưng chưa có bất kỳ văn bản nào của các cơ quan có thẩm quyền về việc hướng dẫn thực hiện chi tiết về hồ sơ, thủ tục, đối tượng hưởng. Vì vậy, nghị quyết chưa thực sự kịp thời và đúng – đầy đủ đối tượng, cụ thể:

Thứ nhất, đối với người lao động có giao kết hợp đồng lao động nhưng không được công ty đóng bảo hiểm xã hội. Vậy khi tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương thì doanh nghiệp phải thực hiện khai báo để người lao động hưởng trơ cấp theo Nghị quyết 42/2020/NQ-CP. Tuy nhiên một vấn đề phát sinh là: nếu khai báo theo mẫu tình hình mất việc làm, tạm ngừng hoạt động do dịch covid thì sẽ bị cơ quan quản lý lao động phát hiện và truy thu bảo hiểm xã hội cho những đối tượng như thế này? Vậy trường hợp doanh nghiệp không thực hiện việc khai báo cho người lao động để hưởng chế độ thì trường hợp này cần giải quyết như thế nào? Bởi bản chất những người lao động trong trường hợp này thực sự bị ảnh hưởng do đại dịch Covid nhưng lại bị vướng mắc trong quá trình làm hồ sơ tại doanh nghiệp.

Thứ hai, theo nội dung khoản 1 Mục II Nghị quyết 42/2020/NQ-CP thì chỉ những người lao động có giao kết hợp đồng lao động phải nghỉ không lương trên 01 tháng hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động sẽ được hỗ trợ 1.8 triệu. Vậy những đối tượng làm việc theo hợp đồng thử việc, hợp đồng học việc, hợp đồng cộng tác viên… có được hưởng lương từ doanh nghiệp nhưng phải nghỉ do ảnh hưởng bởi dịch Covid sẽ được hỗ trợ như thế nào? Bởi theo Khoản 1 Điều 3 Bộ luật lao động năm 2012 quy định: Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động. Do đó, những đối tượng giao kết hợp đồng thử việc, hợp đồng học việc… sẽ không được gọi là người lao động.

Thứ ba, về đối tượng làm việc theo hợp đồng lao động nhưng nghỉ không lương dưới 01 tháng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid thì sẽ được hỗ trợ như thế nào? Trên thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp thực hiện chính sách cắt giảm lao động, cắt giảm chi phí lương bằng việc: cho người lao động nghỉ không lương luân phiên hoặc thực hiện 01 tháng nghỉ việc trên 14 ngày công để không phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động như tại Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/04/2017. Doanh nghiệp nào có tiềm lực thì trong những ngày nghỉ không lương ấy có thể hỗ trợ cho người lao động là 70% lương còn không thì sẽ không được trả lương trong những ngày này. Rõ ràng, dù không thực hiện việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động có thời hạn hoặc nghỉ việc không hưởng lương trên 01 tháng nhưng thu nhập thực tế của người lao động trong trường hợp này có bị giảm sút nghiêm trọng do làm việc không đủ công, không có thưởng và trợ cấp. Vậy, những đối tượng này cần được hỗ trợ như thế nào?

Nhóm thứ hai: Người lao động không giao kết hợp đồng lao động, người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020.

- Đối tượng bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được hỗ trợ là 1 triệu/người/tháng. Về bản chất, nếu người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì sẽ không thuộc trường hợp được hỗ trợ mà phải do ảnh hưởng từ dịch dẫn đến doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất nên phải chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động. Tuy nhiên, khi chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp ít nhất là 03 tháng theo Luật việc làm năm 2013, do đó nếu bị chấm dứt hợp đồng lao động và hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo Điều 49 Luật việc làm năm 2013 thì mới được hỗ trợ, điều này là hợp lý theo quy định pháp luật và thực tế xã hội.

Trên thực tế, những đối tượng nêu trên khi nghỉ việc, họ phải kê khai nhận trợ cấp của Chính phủ tại địa phương. Tuy nhiên, việc kê khai sẽ gặp nhưng khó khăn như: chứng minh việc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo Điều 49 Luật việc làm năm 2013 thì cần có Hợp đồng lao động, quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, sổ bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, để có đầy đủ những giấy tờ nêu trên thì chỉ số ít người lao động có được bởi: hợp đồng lao động có thể người lao động đã đánh mất hoặc doanh nghiệp không trả, quyết định chấm dứt hợp đồng thì nhiều doanh nghiệp không cung cấp cho người lao động hoặc sổ bảo hiểm xã hội (để chứng minh quá trình đóng bảo hiểm xã hội không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp) có thể bị mất, hỏng hoặc là doanh nghiệp chưa trả do chưa chốt được hoặc gặp trục trặc trong quá trình chốt sổ. Vậy, phương án giải quyết cho những đối tượng này là gì?

- Đối với đối tượng người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hiểu như thế nào? Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể của nhà cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì thực tế, những đối tượng người lao động không có giao kết hợp đồng lao động rất nhiều và quy định này có thể hiểu là nhóm đối tượng lao động tự do hay không? Vậy nếu là nhóm lao động tự do thì những đối tượng cụ thể cần được hỗ trợ là đối tượng nào. Vấn đề này chính quyền từng địa phương cần căn cứ vào tình hình thực tế để có hướng dẫn chi tiết để tránh bỏ sót đối tượng đồng thời cần lưu ý những vấn đề sau:

Thứ nhất, cần sàng lọc kỹ tất cả những đối tượng là lao động tự do bị ảnh hưởng sâu sắc từ dịch bệnh Covid – 19 đồng thời phân nhóm khu vực để khoanh vùng đối tượng. Ví dụ, đối với 12 tỉnh/thành phố năm trong vùng có nguy cơ lây nhiễm dịch cao hoặc những địa bàn bị phong tỏa “nội bất xuất, ngoại bất nhập” thì cần có chính sách hỗ trợ đồng bộ bao gồm: những lao động làm công việc thời vụ không có giao kết hợp đồng lao động tại các tổ chức, đơn vị, hộ gia đình, hợp tác xã, cá nhân sử dụng lao động; hoặc những lao động làm công việc kinh doanh nhỏ lẻ như: bán hàng rong, bán hàng tại chợ dân sinh, chợ tự phát, lao đông bán vé số, đánh giầy, lượm ve chai…; những lao động thuần nông bị ảnh hưởng do không xuất khẩu được nông sản… Đặc biệt đối với những người lao động kiếm sống qua ngày, các cơ quan ban ngành cần hỗ trợ kịp thời vì họ là những đối tượng không có tích lũy xã hội nên sẽ không “trụ” được nếu như không có sự cứu tế của những tổ chức xã hội. Do vậy, nếu không kịp giải quyết vấn đề này có thể làm phát sinh hàng loạt các tệ nạn xã hội.

Trong thời gian qua, ở các tỉnh/thành phố, các địa phương đã triển khai việc hỗ trợ trực tiếp đến các người dân bằng những việc như: đặt máy phát gạo tự động, chia những suất lương thực cho mỗi hộ gia đình trong vùng dịch hoặc kịp thời hỗ trợ tiền đến những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để giải quyết khó khăn trước mắt trước khi Nhà nước triển khai gói hỗ trợ chính thức. Việc làm trên đã được các công dân trong và ngoài nước đánh giá rất cao chính sách an sinh tại Việt Nam.

Thứ hai, đối với những tỉnh/thành phố thuộc nhóm có nguy cơ và nguy cơ thấp thì cần rà soát kỹ những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid nhằm tránh tình trạng lợi dụng tình trạng dịch bệnh để trục lợi.

Như vậy, bằng những phân tích nêu trên chúng ta không thể phủ nhận việc toàn đảng, toàn dân đoàn kết một lòng đẩy lùi dịch, đồng thời chính phủ cũng ban hành những chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với nhưng tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Việc làm trên được giới truyền thông trong và ngoài nước đánh giá rất cao không những về việc phòng chống dịch mà còn là những chính sách an dân của Nhà nước ta. Do đó, để hoàn thiện hơn nữa, Chính phủ cần sát sao trong việc triển khai những chính sách hỗ trợ đến mọi tầng lớp xã hội, cần thực hiện đúng theo nguyên tắc “kịp thời, bo đm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách” như trong Nghị quyết 42/2020/NQ-CP đã nêu.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer