Báo NB&CL đã từng phản ánh về việc công an tỉnh Phú Thọ (PC46) tạm giữ chiếc xe ôtô (tài sản tranh chấp giữa ông Nguyễn Thành Đô và Cty Nam Tiến). Vụ việc đáng ra chỉ là giao dịch dân sự nhưng đã bị cơ quan điều tra (CQĐT) hình sự hóa để đẩy vấn đề sang một hướng khác…

Hình ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Internet
 

Sau khi ông Đô gửi đơn khiếu nại văn bản số 207/PC46 và văn bản số 251/Đ5/ PC46 của công an tỉnh Phú Thọ vì cho rằng việc tạm giữ chiếc xe ô tô của ông là “hình sự hóa quan hệ dân sự” thì ngày 12/11/2014, CQĐT Công an tỉnh Phú Thọ đã ban hành QĐ giải quyết khiếu nại số 01. QĐ 01 khẳng định: Toàn bộ các chứng từ có liên quan đến việc mua xe, đăng ký xe… đều xác định chủ sở hữu là Cty Nam Tiến; hợp đồng hợp tác số 05 là ngụy tạo vì ngày ký hợp đồng là 26/2/2010 nhưng ông Đô lại dùng CMND được cấp năm 2011... Từ đó, CQĐT xác định xe ôtô thuộc quyền sở hữu của Cty Nam Tiến.
 
QĐ tạm giữ xe của Phó trưởng PC46 là căn cứ theo Điều 10 Thông tư liên tịch số 6/2013/TTLT-BCABQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC hướng dẫn Bộ luật Tố tụng Hình sự (Thông tư 06/2013). Theo CQĐT tỉnh Phú Thọ thì chỉ cần có thông tin tố giác tội phạm từ một phía, Phó Thủ trưởng CQĐT có quyền “thu giữ, tạm giữ vật chứng”.
 
Ông Đô rất thất vọng sau khi nhận được QĐ 01, ông trình bày:

“ Tôi và Cty Nam Tiến hợp tác từ năm 2005. Ngay từ khi hợp tác, các bên đã thỏa thuận tôi phải tự mình lo liệu vốn, tài chính và các mối quan hệ khác để tìm kiếm, thực hiện hợp đồng, mua sắm phương tiện, vật tư cũng như thuê nhân công, máy móc… (Hợp đồng hợp tác số 05/HĐHT). Xuất phát từ thỏa thuận này, tôi lấy tư cách Cty Nam Tiến ký hợp đồng mua bán xe ô tô. Do thiếu tiền mua xe nên tôi đã thế chấp chiếc xe để vay ngân hàng thêm 400 triệu đồng. Hàng tháng tôi phải dùng tiền của cá nhân để trả lãi cho ngân hàng. Sau này, tôi đã vay 326 triệu đồng Cty Nam Tiến để trả nốt cho ngân hàng. Số tiền nói trên, Cty Nam Tiến ghi nhận tôi nợ họ và bắt tôi trả cả gốc lẫn lãi của số tiền này. Nếu đây là xe mà Cty Nam Tiến mua thì tại sao họ lại bắt tôi phải nhận nợ số tiền mà họ thanh toán để mua xe ô tô? Trong Hợp đồng ghi rõ ngày cấp CMND của tôi thời điểm ký là 30/7/2007. Tôi đã cung cấp bản phô tô cho CQĐT và vẫn đang giữ bản gốc. Không hiểu CQĐT dựa vào đâu mà cho rằng Hợp đồng này sai ngày cấp CMND của tôi. Tôi yêu cầu CQĐT và Cty Nam Tiến phải cung cấp bản gốc của bản hợp đồng mà do họ bịa ra. Trong sự việc trên, tôi cho rằng không phải ông Thủ trưởng CQĐT công an tỉnh Phú Thọ non kém về nghiệp vụ nên nhầm lẫn mà có lẽ, vì sợ trách nhiệm nên ông này mới tìm mọi cách để bao che cho sai phạm của cấp dưới ?”.
 
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Quang Anh – Giám đốc Cty luật TNHH Sao Việt (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết:

“Khi đưa ra bất cứ kết luận gì trong quá trình giải quyết tố giác (như việc cho rằng Hợp đồng 05 là ngụy tạo), CQĐT đều phải có các thông tin, tài liệu xác thực để chứng minh, nếu không sẽ là phiến diện, trái pháp luật. Căn cứ pháp lý của việc tạm giữ xe mà QĐ 01 viện dẫn là không đúng, bởi Điều 10 Thông tư 06/2013 cho phép Phó thủ trưởng CQĐT có một số quyền hạn nhưng chỉ nhằm kiểm tra, xác minh nguồn tin, chứ không bao gồm thu giữ, tạm giữ vật chứng – những quyền hạn mà CQĐT, chỉ được áp dụng khi điều tra vụ án (theo điểm c khoản 2 Điều 34 và các Điều 35, 64, 75, 81, 82, 145 BLTTHS); và giả sử có việc tạm giữ vật chứng thì sau khi không khởi tố vụ án thì CQĐT phải trả lại tài sản cho người mà họ đã tạm giữ”.
 

Ngày 11/11/2014, VKSND tỉnh Phú Thọ đã có Công văn số 339/CVVKS (CV số 339) cho rằng việc giải quyết của PC46 Công an tỉnh Phú Thọ “được tiến hành theo thủ tục hành chính, kinh tế chứ không phải theo thủ tục tố tụng hình sự". Cũng tại CV số 339 của VKSND tỉnh Phú Thọ cho rằng: “Cả hai văn bản của PC46 Công an tỉnh Phú Thọ đều được đóng dấu là Công an tỉnh Phú Thọ không phải là dấu của Cơ quan Cảnh sát điều tra và người ký vào hai văn bản này là do Phó trưởng phòng PC46 thực hiện chứ không phải ký với tư cách Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT”. Với những lý do trên VKSND tỉnh Phú Thọ cho rằng mình được quyền“đứng ra ngoài cuộc”, vì vụ việc “không phải đối tượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra của VKSND tỉnh Phú Thọ”.
 
Về vấn đề này, luật sư Quang Anh cho biết:

“Thứ nhất, bằng CV số 339 thì VKSND tỉnh Phú Thọ đã gián tiếp thừa nhận việc CQĐT Công an tỉnh Phú Thọ đã hình sự hóa vụ việc khi thu giữ chiếc xe ô tô của ông Đô; và việc ký vào các văn bản giải quyết khiếu nại của PC46 Công an tỉnh Phú Thọ là trái thẩm quyền. Thứ hai,việc VKSND tỉnh Phú Thọ cho rằng vụ việc không thuộc thẩm quyền của mình là thiếu trách nhiệm và trái pháp luật, vì: Mặc dù nhận định vụ việc là hành chính, kinh tế nhưng khi thấy CQĐT tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự (điều này được khẳng định tại QĐ 01 của chính CQCSĐT công an tỉnh Phú Thọ) để giải quyết vụ việc thì VKSND tỉnh Phú Thọ có trách nhiệm phải thực hiện quyền kiểm sát điều tra của mình. Bên cạnh đó, Điều 8 Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự quy định: Trường hợp phát hiện có hành vi trái pháp luật trong hoạt động điều tra thì cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử,… có quyền yêu cầu, kiến nghị CQĐT xem xét, giải quyết và thông báo lại kết quả cho các cơ quan này”.
 

Luật quy định như vậy, nhưng thời gian qua nổi lên rất nhiều vụ việc tranh chấp dân sự bị hình sự hóa gây oan sai nghiêm trọng, làm mất lòng tin của người dân. Đáng buồn là các Cơ quan tiến hành tố tụng thường “né” để tránh làm “tổn thương”nhau. Dư luận rất mong các cơ quan chức năng, đặc biệt là VKSND tỉnh Phú Thọ cần nhanh chóng vào cuộc, xem kỹ bản chất, giải quyết dứt điểm vụ việc trên, tránh bức xúc trong nhân dân.

Cơ quan báo chí: Nhà báo và công luận
Thời gian và số đăng tải: Số 52(930)  từ ngày 26/12/2014 – 1/1/2015
Tác giả: Nhóm PV

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer