Thời gian gần đây, có nhiều vụ án oan được phát hiện khi dư luận bức xúc và hoài nghi vào sự công minh, chính trực của các cơ quan tiến hành tố tụng. Từ việc một người phải ngồi tù oan trong suốt 10 năm chỉ vì người đó có vết chân "gần giống" vết chân của hung thủ giết người, đến việc 7 thanh niên bị khởi tố, bắt giam về một tội ác mà họ không hề gây ra... Mỗi vụ án như vậy đều khiến chúng ta thêm một lần phải suy nghĩ.
Khi thẩm phán cố tình “ép xử”…
Báo Nhà báo và công luận từng phản ánh về vụ việc việc Bùi Quyết Chính (làm phụ nhà xe Mai Luy) nhận được điện thoại của một thanh niên hẹn ra cổng bến xe Mỹ Đình để đưa vào gặp người nhà xe Thanh Ly giải quyết mâu thuẫn (trước đó, giữa hai nhà xe này có xảy ra tranh giành khách). Khi cả hai vào gặp ông Bế Ích Hữu (phụ xe Thanh Ly) thì bất ngờ nam thanh niên rút dao giấu trong người đâm ông Hữu rồi bỏ chạy. Sau đó, anh Hữu được đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Tình tiết vụ việc là như vậy nhưng công an huyện Từ Liêm lại khởi tố Chính về tội cố ý gây thương tích. Và ngay sau đó thì đình chỉ điều tra do bị hại từ chối giám định thương tật. Tuy nhiên, Chính vẫn bị TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt 13 năm tù về tội giết người có tính côn đồ.
Sau phiên tòa sơ thẩm, chúng tôi nhận được đơn tố cáo của bà Nguyễn Thị Hương - vợ bị cáo Chính. Theo đó, bà Hương cho rằng thẩm phán Ngô Tiến Phong - chủ tọa phiên tòa - đã có nhiều hành vi trái pháp luật, để cố tình ra bản án oan sai cho chồng bà. Bà Hương bức xúc: “Vị chủ tọa làm sai lệch nhiều nội dung trong bản án, không đề cập, xem xét gì đến các tài liệu mới do luật sư bào chữa cho bị cáo Chính cung cấp tại phiên tòa dù các tài liệu đó chứng minh Chính không phạm tội. Do vắng mặt người bị hại và nhân chứng nên luật sư đã đề nghị hoãn phiên tòa và chỉ ra trong hồ sơ vụ án có nhiều lời khai của bị hại, nhân chứng không đúng với thực tế, nhưng chủ tọa vẫn “ép xử”. Ngoài ra, luật sư bào chữa cho Chính còn nhiều lần bị vị chủ tọa ngắt lời khi đề cập tới các nội dung gỡ tội cho bị cáo, không được phép dẫn chiếu, phân tích quy định của pháp luật. Trong phần Nhận định của bản án mà ông Phong đọc công khai tại phiên tòa có đoạn thể hiện việc HĐXX đánh giá Chính không đồng phạm giết người, nhưng bản án mà Tòa án ban hành sau phiên tòa lại không thấy có nội dung này”.
…Đến ẩn ức đằng sau mức án 13 năm tù
Mới đây, phát biểu công khai trước báo giới, nguyên Phó Chánh án thường trực TAND Tối cao – Tiến sĩ Đặng Quang Phương cho rằng: “Đã đến lúc các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải tự mình thoát ra khỏi tư duy cấp trên bảo vệ cấp dưới, cơ quan này bảo vệ cơ quan kia trong giải quyết án. Điều đó đòi hỏi Tòa án xét xử phải độc lập, công minh”
Ở nước ta, việc Tòa tuyên bị cáo vô tội là điều khá hiếm hoi. Trên thực tế, vẫn còn tồn tại thực trạng là bất chấp kết quả tranh tụng công khai cho thấy bị cáo không phạm tội, Tòa vẫn tuyên có tội nhưng tuyên tội khác nhẹ hơn, hoặc áp dụng khung hình phạt thật nhẹ, vừa đúng với thời gian bị tạm giam… để bị cáo “đỡ thiệt thòi”. Nguyên nhân chủ yếu có lẽ nằm ở chỗ, khi vụ án được đưa ra xét xử thì đã qua nhiều giai đoạn tố tụng như điều tra, truy tố, chuẩn bị xét xử… và những người trực tiếp thụ lý đều đã “trót” cho rằng bị cáo có tội, cho nên nếu Tòa tuyên vô tội thì rất nhiều cơ quan (trong đó có chính Tòa án) sẽ không tránh khỏi trách nhiệm, mất uy tín. Đó là chưa nói đến việc có tiêu cực nên cố tình làm oan, sai.
Nguồn cơ quan đăng tải: Nhà báo & Công luận
Ngày đăng tải: 22/01/2015
Người thực hiện: Đào Bình
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Quang Anh – Giám đốc Công ty Luật TNHH Sao Việt (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết: “Tôi đã tham gia không ít vụ án mà việc buộc tội bị cáo rất thiếu cơ sở. Đối với vụ án nói trên, tôi hết sức băn khoăn với việc kết tội bị cáo Chính, bởi xuyên suốt vụ án, Chính luôn khẳng định mình chỉ dẫn người thanh niên đó vào để nói chuyện dàn xếp cho Chính tiếp tục làm việc. Chính hoàn toàn bất ngờ trước việc người thanh niên đó mang theo dao và đâm anh Hữu. Những lời khai này hoàn toàn phù hợp với hàng loạt các tình tiết khách quan khác đã được làm rõ tại phiên tòa như: Đây là mâu thuẫn hàng ngày, mức độ mâu thuẫn rất nhỏ. Trước đó, Chính và người thanh niên chưa hề gặp nhau và không có bàn bạc gì; hành vi rút dao giấu trong người và đâm Hữu của người thanh niên diễn ra quá nhanh khiến bản thân Chính rất bất ngờ… Mặt khác, bị hại sau một thời gian điều trị đã bình phục hoàn toàn và đề nghị không xử lý hình sự với Chính. Vì vậy, tôi cho rằng, việc đình chỉ vụ án là rất đạt lý, thấu tình”.
Chúng tôi cũng đã có buổi tiếp xúc trực tiếp với người viết đơn tố cáo thẩm phán Phong. Hình ảnh người phụ nữ trẻ tay bồng bế hai con nhỏ, mắt ầng ậc nước khiến người đối diện không khỏi xót xa: “Chồng em từ nhỏ đã mồ côi cha mẹ, đến khi trưởng thành thì phải đi làm thuê để nuôi vợ con. Anh ấy chưa đủ khổ hay sao mà người ta lại làm oan sai cho anh ấy như vậy? Vì lý do gì mà ông Phong lại bất chấp luật pháp, bất chấp lương tâm để đẩy bằng được chồng em đi tù với mức án quá nặng như thế!”.
Thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm minh những cá nhân sai phạm đồng thời khắc phục hậu quả. Không được vì một vài cá nhân mà phó mặc oan sai, khiến người dân mất niềm tin vào chính quyền và pháp luật.
Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua:
Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc 0243 636 7896
E-mail: congtyluatsaoviet@gmail.com