Vụ án cướp 3 tỷ đồng tại Hải Phòng để mua xe phân khối lớn vừa có thêm tình tiết mới khi công an vừa bắt tạm giam bạn gái của nghi can cướp ngân hàng để điều tra hành vi che giấu tội phạm. Tuy nhiên, từ thông tin mà báo chí đưa tin về các tình tiết của vụ án, Luật Sao Việt nhận thấy bạn gái của nghi can cướp ngân hàng có dấu hiệu của tội “Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” hơn là tội “Che giấu tội phạm”.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trong phạm vi bài viết sau đây, chúng tôi sẽ phân tích 2 tội danh này để làm rõ vấn đề trên:

1. Tóm tắt vụ việc

Qua điều tra, cơ quan Công an TP Hải Phòng đã làm rõ việc sau khi cướp được số tiền hơn 3 tỉ đồng tại phòng giao dịch Ngân hàng Vietcombank vào chiều 7-1, Nam đã cho Thủy hơn 1,3 tỉ đồng.

Với số tiền bạn trai cho, Thủy đã vào nội thành Hải Phòng mua một điện thoại iPhone 13 Pro max với giá 30,9 triệu đồng, 1 máy tính Macbook Air với giá 20,5 triệu đồng, mua 1 vòng đeo tay bằng vàng trắng, 1 nhẫn vàng trắng đính kim cương hết 28 triệu đồng và gửi vào tài khoản cá nhân 20 triệu đồng. Còn hơn 1,2 tỉ đồng; Thủy đem gửi cho bạn mình là Bùi Minh Anh. Ngày 9/1, Nam bị bắt. Theo nhà chức trách, sau khi biết Nam gây ra vụ cướp ngân hàng, Thủy không trình báo và không nộp lại số tiền trên.

2. Phân tích 2 tội danh Che giấu tội phạm và “Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Tội danh

Che giấu tội phạm 

Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

Quy định của pháp luật

Điều 18. Che giấu tội phạm

1. Người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, giấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Che giấu tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định.

2. Người Che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.

Điều 323. Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

d) Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 10 năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Dấu hiệu của hành vi

Biểu hiện của hành vi:

+ Che giấu người phạm tội: Cho người phạm tội trốn trong nhà mình hoặc nơi khác hoặc biết người phạm tội đang ở đâu nhưng không khai báo và tìm mọi cách che giấu người phạm tội.

+ Che giấu: Giấu vết, tang vật của tội phạm.

+ Hành vi cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm: Thể hiện ở các hành vi như cố tình cung cấp các thông tin sai sự thật, xóa bỏ giấu vết của tội phạm, tiêu hủy các công cụ, phương tiện tội phạm…

Tội phạm được thể hiện ở hành vi không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản mà biết rõ là do người khác phạm tội mà có.

+ Hành vi chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có: Là do người khác để nhờ, cất giấu tài sản do phạm tội mà có ở nhà mình hoặc nơi mình ở,…

+ Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là: Chuyển đổi những tài sản đó, mua bán, trao đổi bằng hiện vật những tài sản đó.

Ở tội danh này, người phạm tội không tham gia vào hoạt động phạm tội mà chỉ chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và người chứa chấp, tiêu thụ biết rõ tài sản này do người khác phạm tội mà có.

Nhìn nhận sơ qua về hành vi Thủy “che giấu” 1,3 tỷ tiền mà tên  Nam cướp được từ Ngân hàng có vẻ như có “bóng dáng” của Tội che giấu tội phạm. Tuy nhiên, phân tích kỹ hơn tội Che giấu tội phạm thì hành vi này phải có mục đích là nhằm cản trở việc điều tra, xử lý người phạm tội; để giúp người phạm tội trốn tránh việc bị truy cứu TNHS. Trong vụ việc này, hành vi của Thủy không chỉ là che giấu một phần số tiền Nam cướp được mà còn tiêu thụ số tiền đó để mua các thiết bị điện tử, trang sức cho mình. Mục đích Thủy che giấu số tiền là để tiêu xài cá nhân, để chiếm đoạt số tiền bất chính cho mình chứ không chỉ nhằm che giấu tội phạm của Nam, bởi thời điểm đó Nam đã bị bắt, và tổng số tiền Nam cướp được đã được Ngân hàng làm rõ ngay từ đầu. 

Trong khi đó, Thủy biết rõ 1,3 tỷ Nam mang về cho là tiền cướp được từ ngân hàng nhưng không giao nộp mà vẫn giữ lại để mua sắm các vật dụng cho mình, như vậy, hành vi này phù hợp với tội “ Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” chứ không phải tội “Che giấu tội phạm”. 

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer