Tôi được biết Bộ Y tế mới ra thông báo xử phạt người dùng smartphone không cài phần mềm bluezone. Vậy Công ty cho tôi hỏi mức xử phạt như thế nào và cơ quan nào có quyền xử phạt? Tôi xin cảm ơn.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Vấn đề bạn đang thắc mắc cũng chính là vấn đề “nóng” gần đây mà rất nhiều người dân quan tâm, đặc biệt là sau khi các phương tiện thông tin đại chúng trong nước những ngày qua liên tục đưa tin về việc Bộ Y tế ban hành hướng dẫn sử dụng các ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, thực hư thông tin này như thế nào thì chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:
Việc yêu cầu xử phạt các trường hợp có điện thoại thông minh nhưng không thực hiện cài đặt, sử dụng ứng dụng khai báo y tế được nêu trong Quyết định 2666/QĐ-BYT được ban hành ngày 29/5/2021. Theo đó, hướng dẫn này chỉ áp dụng đối với người dân và các địa điểm kinh doanh, làm việc, giải trí, nơi tập trung đông người. Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố xử phạt các trường hợp có điện thoại thông minh nhưng không thực hiện cài đặt, sử dụng ứng dụng theo quy định trên cơ sở tình hình dịch COVID-19 và điều kiện thực tế tại địa phương. Đồng thời, Sở Y tế và các Sở, ban, ngành liên quan, chính quyền địa phương trong lĩnh vực được giao quản lý kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên địa bàn quản lý.
Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi thì văn bản này của Bộ Y tế mang tính khuyến khích người dân sử dụng hơn là đặt nặng vấn đề “phạt” và thực tế thì việc xử phạt cũng khó áp dụng trong cuộc sống.
Thứ nhất, pháp luật hiện nay chưa có quy định rõ ràng để xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp này. Có ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng có thể căn cứ vào điểm a khoản 1 điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế để phạt tiền từ một triệu đồng đến 3 triệu đồng với hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Tuy nhiên, các biện pháp bảo vệ cá nhân theo quy định của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định:
“1. Người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch phải thực hiện một hoặc một số biện pháp bảo vệ cá nhân sau đây:
a) Trang bị bảo vệ cá nhân;
b) Sử dụng thuốc phòng bệnh;
c) Sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế để phòng bệnh;
d) Sử dụng hoá chất diệt khuẩn, hoá chất phòng trung gian truyền bệnh.”
Như vậy, cài đặt ứng dụng Bluezone khó được coi là trang bị bảo vệ cá nhân, vì trang bị bảo vệ cá nhân thường được hiểu là trang bị những thiết bị, đồ dùng bảo vệ như khẩu trang, kính chống giọt bắn, quần áo phòng dịch,... chứ không phải là cài đặt ứng dụng truy vết.
Thứ hai, khả năng áp dụng xử phạt trên thực tế rất thấp. Nếu muốn xử phạt, các cơ quan chức năng phải đưa ra được quy trình, thẩm quyền thực hiện. Để chứng minh vi phạm của người dân, cơ quan chức năng sẽ phải tiến hành khám xét người hoặc khám phương tiện vận tải theo quy định tại Điều 128 Luật XLVPHC và phải ban hành quyết định về việc này rất mất thời gian. Chưa kể, làm thế nào để xác định người đó có dấu hiệu vi phạm (tức là chưa cài đặt ứng dụng) để tiến hành khám xét? Do đó, việc xây dựng được quy trình xử phạt hợp lý là rất khó khăn.
Thứ ba, việc xử phạt cá nhân không cài Bluezone có thể vi phạm đến các quy định khác lớn hơn ví dụ như quyền đảm bảo an toàn và bí mật thư tín,các quyền tự do cơ bản khác của công dân.
Thứ tư, một quy phạm pháp luật cần phải được xây dựng để có thể áp dụng cho tất cả mọi người, không nên có sự phân biệt, thiếu công bằng khi áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, quy định của Bộ Y tế đưa ra chỉ xử phạt đối với người dùng smartphone không cài đặt các ứng dụng như Ncovi, Bluezone,.. là không công bằng; chưa tính đến những trường hợp người già sử dụng điện thoại thông minh nhưng không biết cài hoặc không biết sử dụng. Chắc chắn, nếu việc xử phạt được thực hiện trên thực tế thì sẽ có rất nhiều người bị xử phạt mà hoàn toàn không biết đến quy định này.
Do đó, thông báo xử phạt người dùng smartphone không cài phần mềm bluezone của Bộ Y tế thực chất khó áp dụng được vào trong cuộc sống, cho nên không thể xác định mức xử phạt và cơ quan nào có thẩm quyền xử phạt. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh đang căng thẳng như hiện nay, bạn vẫn nên chủ động cài đặt các ứng dụng theo yêu cầu của Bộ Y tế, không phải để tránh bị xử phạt mà là để bảo đảm an toàn cho chính bạn và những người thân trong gia đình.
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com