Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Tội “ Lừa dối khách hàng”:

Nguồn ảnh : Internet.

Theo quy định tại Điều 198 Bộ luật hình sự 2015:

“1.  Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

2.  Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

3.  Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”

  1. Khái niệm:
  • Lừa dối khách hàng được hiểu là hành vi mua bán mà cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác đối với khách hàng để thu lợi bất chính.

Các yếu tố cấu thành:

–   Khách thể

Hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng (khách hàng).

–   Mặt chủ quan

Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý (mục đích là nhằm để thu lợi bất chính).

–   Chủ thể

Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.

–  Mặt khách quan

Mặt khách quan của tội lừa dối khách hàng có các dấu hiệu sau:

+ Về hành vi

Có hành vi cân, đong, đong đếm, tính gian, đánh tráo hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác trong việc mua bán.

Cân, đong, đo, đếm, tính gian, được hiểu là cân đong đo đếm tính toán khôrg chính xác, không đúng (ít thì tính nhiều hoặc ngược lại) vối số lượng, trọng lượng, khối lượng, kích thước thực tế của từng loại hàng trong việc mua bán làm thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng.

Đánh tráo hàng, được hiểu là việc khi giao hàng đã thực hiện không đúng về chất lượng, chủng loại theo thỏa thuận (ví dụ: đổi mặt hàng này lấy mặt hàng tương tự khác nhưng kém chất lượng hơn, giá thấp hơn so với loại hàng đã thỏa thuận) làm thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng.

Thủ đoạn gian dối khác trong việc mua bán, được hiểu là những thủ đoạn làm cho khách hàng bị nhầm lẫn tưởng là mình đã nhận đúng, mua đúng loại hàng với chất lượng như thỏa thuận ban đầu (như giả vờ ghi sai số lượng, giá cả, chủng loại hàng trong hợp đồng nếu bị phát hiện thì cho là do sơ xuất…)

+ Dấu hiệu khác

Các hành vi nêu trên phải gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi lừa dối khách hàng hoặc đã bị kết án về tội lừa dối khách hàng nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm (tức lại có hành vi lừa dối khách hàng) thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là các dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.

  1. Thực tiễn khi xác định tội danh:

- Xét về mặt lý luận, theo những quy định của Bộ luật hình sự 2015 và cụ thể là Điều 198, các hành vi khách quan của loại tội danh này xảy ra rất phổ biến, rất dễ bắt gặp, điển hình như các hành vi cân, đo, đong, đếm gian dối đối với khách hàng. Hành vi đó có thể khẳng định được rằng không khó để có thể bắt gặp.

- Tuy nhiên, trong thực tế để có thể khởi tố về tội danh này thì rất hiếm khi khởi tố. Các hành vi khách quan cũng như chủ thể thực hiện hành vi đó của loại tội danh này mặc dù đã thỏa mãn nhưng trên phương diện thực tiễn thì rất hiếm khi tiến hành khởi tố về tội danh này.

- Theo số liệu thống kê của một số thành phố, cả những thành phố lớn về khởi tố vụ án, gần như không có trường hợp nào khởi tố về tội danh đó.

- Số lượng khởi tố vụ án về tội danh rất ít và gần như là không có nhưng hành vi xảy ra trong thực tiễn thì lại rất phổ biến. Kinh tế -xã hội phát triển, các giao dịch mua bán đã trở nên ngày càng phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân nên quyền lợi chính đáng của khách hàng không phải lúc nào cũng được bảo đảm,  thậm chí, trong một số trường hợp, quyền lợi của khách hàng còn xâm hại nghiêm trọng với tính chất phức tạp, nguy hiểm. Hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng không chỉ xảy ra ở một lĩnh vực mà còn diễn ra trên nhiều lĩnh vực  với nhiều hình thức khác nhau.

- Một số người chỉ mới biết và nhớ đến có tội danh này trong quy định của Bộ Luật hình sự sau trường hợp hiếm xuất hiện đó là vụ án khởi tố ông Lê Thanh Thản vào đầu tháng 7 năm 2019 vừa qua về tội danh “Lừa dối khách hàng”. Trong thực tế vẫn còn nhiều những đối tượng như vậy, thực hiện tội phạm đó nhiều năm trời nhưng không thể khởi tố cũng khó có thể phát hiện để xử lí được.

  1. Nguyên nhân của thực tiễn xác định tội danh:

-  Tội lừa dối khách hàng có hành vi khách quan và các điệu kiện định tội khác gần giống với một số tội danh như : Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản……đều có hành vi khách quan là dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền hoặc tài sản của người khác. Tuy nhiên, sự khác biệt trong hành vi khách quan của tội lừa dối khách hàng đối với các tội danh khác đó là về hành vi cân, đo, đong, đếm và phạm vi của nó chỉ trong giao dịch đối với khách hàng của mình.

+ Phân biệt tội lừa dối khách hàng Điều 198 với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản Điều 174 BLHS, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản Điều 175 BLHS có thể tahasy các tội danh đều giống nhau về thủ đoạn gian dối trong quá trình thực hiện tội phạm.Tuy nhiên trong tội lừa dối khách hàng thủ đoạn gian dối chỉ diễn ra trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ.

Còn trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thủ đoạn gian dối được thực hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: lĩnh vực tài chính ngân hàng, xin việc, bán hàng đa cấp…

Trong tội làm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản người phạm tội có được tài sản thông qua những giao dịch hợp pháp, sau khi có tài sản đã dùng một trong những thru đoạn trong đó có thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đó. Tội phạm này thường diễn ra trong các hoạt động giao dịch vay mượn, cầm cố, thế chấp…

- Bên cạnh đó, một phần nguyên nhân thuộc về khách hàng, chính là những người trực tiếp bị loại tội phạm này xâm phạm do đa số hành vi thực hiện chỉ tác động đến giá trị tài sản nhỏ chưa đến mức quy định của điều luật để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về loại tội danh này, nếu phát hiện ra mình bị lừa dối thì đa số những người đó sẽ chọn hướng giải quyết theo dân sự hoặc giá trị nhỏ hơn thì sẽ cho qua.

+ Điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh này:

Có hành vi mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đo, đong, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

+ Ngoài lý do về điều kiện truy cứu với giá trị thu lợi bất chính, việc dẫn đến thái độ “ngại” tố giác tội phạm của chủ thể bị xâm phạm là vì thủ tục để yêu cầu khởi tố và thường thì những đối tượng thực hiện loại tội phạm này dùng những thủ đoạn rất tinh vi: thực hiện tội phạm nhiều lần nhưng chiếm đoạt khoảng giá trị tài sản nhỏ hơn mức có thể bị truy tố. Ví dụ như những trường hợp buôn bán ngoài chợ, họ thực hiện hành vi cân, đong sai đối với mỗi khách hàng của mình, mỗi vị khách là một giá trị tài sản khác nhau.

- Tử nguyên nhân khách quan cho đến nguyên nhân từ phía người bị xâm phạm quyền lợi hợp pháp tạo ra một rào cản lớn để có thể đi đến xác định tội danh “Lừa dối khách hàng” này.

  1. Giải pháp thực tiễn có thể áp dụng:

- Để nâng cao được hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho tất cả mọi người, có thể giá trị xâm hại nhỏ nhưng nhiều lần như vậy sẽ là giá trị rất lớn, mỗi người không có ý thức tố giác thì sẽ làm cho những người sau phải chịu thiệt hại từ những đối tượng thực hiện tội phạm này vì vậy chúng ta cần:

+ Nâng cao ý thức đấu tranh tội phạm, tố giác những hành vi sai trái khi mình phát hiện ra.

+ Cần có sự hiểu biết về pháp luật để có thể biết quyền lợi của mình được bảo vệ như thế nào và khi những quyền và lợi ích đó bị xâm phạm thì cần được xử lí thế nào.

+ Cần phải điều chỉnh lại nội dung của quy định về tội danh này, tạo ra ranh giới rõ ràng tránh nhầm lẫn với những tội danh khác đã được quy định.

+ Chủ động hơn nữa trong việc phát hiện và xử lí các loại tội phạm.

- Chúng ta không nên quá “tội phạm hóa” nhiều vấn đề, tuy nhiên có những tội danh cần được xử lí dù là tội danh nhỏ tránh trường hợp chỉ xử lí những tội quá nghiêm trọng, quá phổ biến mà bỏ qua những tội ít nghiêm trọng nhưng độ phổ biến của nó thì quá lớn.

 

 

 

 

 

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer