Trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 đang trở thành mối lo ngại trên khắp cả nước, một số đối tượng xấu đã lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện tội phạm, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.  Mới đây, công an thành phố Rạch Giá đã thông tin cảnh báo người dân về thủ đoạn phát khẩu trang miễn phí có tẩm thuốc mê cho người dân sau đó chiếm đoạt tài sản rồi tẩu thoát.

Ảnh minh họa: Internet

Xoay quanh vụ việc nêu trên, có nhiều ý kiến cho rằng thủ đoạn phát khẩu trang miễn phí có tẩm thuốc mê là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tuy nhiên theo quan điểm của Luật Sao Việt, đây được coi là một tình tiết tăng nặng TNHS (cụ thể là tình tiết lợi dụng dịch bệnh để phạm tội) của tội cướp tài sản.

*Về tội cướp tài sản:

Trong cấu thành tội cướp tài sản quy định tại Điều 168 BLHS 2015, hành vi khách quan được đề cập đến bao gồm 3 dạng hành vi: dùng vũ lực; đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc; hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản.

Có lẽ khi nghe đến thủ đoạn phát khẩu trang miễn phí có tẩm thuốc mê nhằm chiếm đoạt tài sản, nhiều người cho rằng đây là hành vi lừa đảo chiếm  đoạt tài sản. Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân, đây là dạng hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được trong cấu thành tội cướp tài sản nói trên. Hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được hiểu là tổng hợp những hành vi khiến cho nạn nhân mặc dù nhận thức và biết được sự việc đang xảy ra nhưng không có cách nào chống cự được (như bị trói, bị nhét giẻ vào mồm không kêu cứu được, bị nhốt vào buồng kín không thể chạy đi cầu cứu…), hoặc tuy không bị nguy hại đến tính mạng , sức khỏe nhưng không thể nhận thức được sự việc đang xảy ra.

Hơn thế, đặc trưng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là dùng thủ đoạn gian dối như lời nói hoặc giấy tờ giả, giả mạo người khác, lợi dụng lòng trắc ẩn, sự nhẹ dạ cả tin của nạn nhân …nhằm đánh lừa người quản lý tài sản, chủ sở hữu khiến họ giao tài sản cho mình. Đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong mọi trường hợp, nạn nhân đều tự nguyện giao tài sản cho người phạm tội trong tâm thế biết và nhận thức được. Như vậy một điểm khác biệt giữa lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cướp tài sản cần lưu ý đó chính là hành vi khách quan và khả năng nhận thức của nạn nhân khi giao tài sản cho người phạm tội.

Từ những phân tích trên đây, có thể thấy bản chất của việc tẩm thuốc mê vào khẩu trang là một dạng hành vi khác trong cấu thành Tội cướp tài sản– một thủ đoạn tấn công làm cho nạn nhân tê liệt nhận thức, không nhận thức được sự việc xảy ra nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong vụ việc này mặc dù có yếu tố gian dối “giả làm cán bộ, công chức” nhưng chỉ được xem xét dưới dạng một yếu tố phụ họa, không có mối quan hệ nhân quả trực tiếp với hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội.

*Về tình tiết tăng nặng “Lợi dụng tình hình dịch bệnh”:

Lợi dụng tình hình dịch bệnh để phạm tội là một trong những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy đinh tại điểm l khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó có thể hiểu lợi dụng dịch bệnh để phạm tội là việc cá nhân, tổ chức vin vào những điều kiện thuận lợi cho mình để trục lợi - những điều kiện đó phải nảy sinh trực tiếp từ hoàn cảnh dịch bệnh.

Để áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự lợi dụng dịch bệnh phạm tội, trong vụ việc cần phải thỏa mãn hai điều kiện cần và đủ. Điều kiện cần : người phạm tội nhận thức được tình hình dịch bệnh xảy ra trên thực tế. Điều kiện đủ : người phạm tội có hành vi khai thác dịch bệnh, tận dụng được những điểm yếu, sự thiếu thốn, khó khăn của xã hội để trục lợi cho bản thân.

Đối chiếu với quy định về tình tiết tăng nặng TNHS, nhận thấy trong vụ việc chiếm đoạt tài sản bằng phương thức tẩm thuốc mê vào khẩu trang phát miễn phí cho người dân thỏa mãn các yếu tố áp dụng tình tiết tăng nặng TNHS. Cụ thể:

Người phạm tội nhận thức được tình hình dịch bệnh đang diễn ra và lợi dụng điều đó để trục lợi cho bản thân. Thời điểm tháng 6/2021 là thời điểm dịch Covid 19 đang bùng phát trong cả nước, với số lượng ca lây nhiễm ngày càng tăng. Thông tin về dịch bệnh được cập nhật thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Do đó, việc nhận thức được tình hình và những khó khăn hiện tại là điều đương nhiên và tất yếu. Tuy nhiên đứng trước những khó khăn đó, thay vì việc cùng chung tay góp sức để giảm thiểu hậu quả từ dịch Covid 19, một số đối tượng lại tranh thủ cơ hội để làm giàu cho bản  thân. Nhận biết được đặc tính của loại Covid 19 là lây lan qua đường hô hấp, việc sử dụng khẩu trang là điều bắt buộc và hết sức cần thiết, nên nhóm đối tượng này đã sử dụng khẩu trang làm cái bẫy lừa những con mồi rồi chiếm đoạt tài sản của họ. Hơn thế với tâm lý chung của phần đông người dân Việt Nam nhất là ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, những thứ miễn phí, giá rẻ luôn có sức thu hút khá cao, là sự ưu tiên hàng đầu trong lựa chọn của họ, nhất là khẩu trang – chiếc phao cứu sinh trong dịch Covid 19. Như vậy, yếu tố tận dụng khó khăn của dịch bệnh để trục lợi được thể hiện rõ nét qua việc lợi dụng sự thiếu thốn và cần thiết về nhu cầu sử dụng nhu yếu phẩm, dụng cụ phòng chống dịch của người dân.

Vì vậy, đối với những cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn phát khẩu trang miễn phí có tẩm thuốc mê sẽ bị truy cứu TNHS về tội Cướp tài sản theo quy định tại  Điều 168 BLHS 2015 với tình tiết tăng nặng TNHS lợi dụng dịch bệnh để phạm tội.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer