(THPL) - Ngày 26/4/2021, Toà án Nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng (TANDCC – ĐN) mở phiên toà xét xử phúc thẩm vụ án bị cáo Đặng Đức Châu bị Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng (VKSNDCC – ĐN) truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 3 Điều 165 Bộ luật tố tụng hình sự 1999 sửa đổi năm 2009.
Hình ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Lần xét xử phúc thẩm thứ 2 này đánh dấu gần 10 năm trời kể từ khi bị cáo Châu và các bị cáo trong vụ án vướng vào vòng lao lý, trải qua 2 lần xét xử sơ thẩm, 2 lần xét xử phúc thẩm, 1 lần xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm và hàng loạt đơn khiếu nại, cứu xét được gửi đi hàng loạt cơ quan có thẩm quyền. Đây là một vụ án điển hình cho thấy sự bất cập của Điều 165 BLHS năm 1999.
Trong bài viết dưới đây, tác giả sẽ phân tích 3 vấn đề pháp lý hay gặp phải trong quá trình giải quyết vụ án hình sự về tội danh này từ thực tế vụ án hình sự kéo dài gần 10 năm này.
1. Chủ thể của tội phạm và tác động của nó đến quá trình định tội danh
Thực tiễn một số vụ án hình sự vẫn đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử về Điều 165 BLHS năm 1999 về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng cho thấy nhiều trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT), người tham gia tố tụng (NTGTT) chưa xác định chính xác các yếu tố trong cấu thành tội phạm của tội danh này. Điều này dẫn đến việc các bên trong quá trình tiến hành, tham gia tố tụng xác định không đúng dạng trách nhiệm pháp lý mà người vi phạm phải chịu.
Điều 165 BLHS năm 1999 quy định, “người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại…”, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Điều 165 BLHS năm 1999 quy định “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn”. “Lợi dụng” là hành vi dựa vào điều kiện thuận lợi nào đó để mưu lợi riêng, không chính đáng[2]. Điều đó cũng có nghĩa, trong tội danh này, khi người phạm tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn” để “cố ý làm trái” thì “chức vụ quyền hạn” không chỉ mang ý nghĩa khoanh vùng đối tượng chủ thể của tội phạm. Ở đây, “chức vụ, quyền hạn” đóng vai trò như một “công cụ”, “phương tiện”, là đòn bẩy và là điều kiện mà người phạm tội sử dụng để thực hiện hành vi “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước...”.
Việc sử dụng “chức vụ, quyền hạn” trong trường hợp này là hành vi có chủ đích, gắn liền với động cơ hoặc/và mục đích không chính đáng. Đây cũng chính là điểm phân biệt giữa giữa tội danh được quy định tại Điều 165 và Điều 285 BLHS 1999 (giữa Điều 360 và các tội được tách ra từ Điều 165 BLHS 1999 trong BLHS 2015). Do đó, mặc dù mặt chủ quan của tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng không đặt ra vấn đề động cơ, mục đích là dấu hiệu bắt buộc, song nếu không làm sáng tỏ mục đích mà việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn hướng đến, việc nhầm giữa 2 khái niệm: “Người có chức vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật” và “Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm pháp luật”, hay nói một cách khả năng nhầm lẫn giữa tội cố ý làm trái với tội thiếu trách nhiệm nói trên.
Thực tế, quá trình điều tra vụ án Đặng Đức Châu (nguyên là Phó Giám đốc sở ý tế tỉnh Gia lai) trong vụ án liên quan đến những sai phạm trong hoạt động đấu thầu thuốc của Sở y Tế tỉnh Gia Lai các năm 2008, 2009, 2010. Tại vụ án này, Châu và các thành viên của tổ chuyên gia trong thời gian 3 năm xét thầu đã có hành vi vi phạm quy định thực hiện hoạt động đấu thầu, gây thiệt hại cho Ngân sách nhà nước, với số tiền hơn 6 tỷ đồng. CQTHTT xác định bị cáo có hành vi sai phạm nhưng lại không có “động cơ, mục đích”. Trên phương diện khách quan, thiết nghĩ, với sai phạm trong hoạt động xét thầu trong vụ án này xuất phát từ “thiếu trách nhiệm của các bị cáo” khi xét thầu không kỹ, không cẩn thận. Việc các cơ quan tiến hành tố tụng truy cứu TNHS bị cáo với tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại nghiêm trọng có phần khiên cưỡng, làm quá trình xét xử của vụ án kéo dài.
2. Sự ảnh hưởng của việc xác định khách thể của tội phạm đến TNHS của bị can, bị cáo
Việc xác định khách thể của tội phạm không chính xác cũng dẫn đến việc xác định loại trách nhiệm pháp lý đối với các hành vi do dấu hiệu tương tự, gần giống với tội danh tại Điều 165 BLHS năm 1999. Khách thể trực tiếp mà tội phạm này xâm phạm đến là các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế bao gồm tất cả các lĩnh vực như cạnh tranh, đấu giá, đấu thầu, vấn đề sử dụng vốn nhà nước, kế toán, xây dựng, tái định cư…Như vậy, nội hàm khách thể của Điều 165 rất rộng. Tuy nhiên, cần lưu ý, khách thể mà luật đề cập đến là “các quy định của Nhà nước”. Ở đây, nhóm các khách thể này được hiểu là các đạo luật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan (Gồm Nghị định, thông tư hướng dẫn) do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo đúng quy định. Chính vì vậy, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, sau khi xác định có hành vi vi phạm, phải xem xét các vi phạm đó có xâm phạm đến khách thể nói trên không. Đây là bước quan trọng để loại bỏ các hành vi chỉ là vi phạm hành chính, dân sự hoặc có thể là vi phạm hình sự nhưng lại cấu thành một tội danh khác... Việc xác định không chính xác sẽ ảnh hưởng rất lớn đến rất lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bị can, bị cáo, làm hình sự hoá những quan hệ kinh tế, dân sự.
Trong trường hợp vi phạm quy định về đấu thầu thuốc của bị cáo Châu, bị cáo chỉ bị coi là vi phạm quy định tại Điều 165 BLHS năm 1999 khi vi phạm quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đấu thầu thuốc. CQTHTT có trách nhiệm chỉ rõ, cụ thể từng điều luật cụ thể mà bị cáo vi phạm. Tuy nhiên thực tế vụ án cho thấy, kết luận trong cáo trạng của Viện kiểm sát, các bản án sơ thẩm lần 1 ngày 26/4/2013, lần 2 ngày 19/6/2020, phúc thẩm lần 1 ngày 23/8/2013 và giám đốc thẩm ngày 14/4/2015 lại không chỉ rõ được vấn đề này. CQTHTT sử dụng 1 kết luận chung chung, hành vi của bị cáo đã: “Xâm phạm quy định của Nhà nước về quản lý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng… cụ thể đã vi phạm các nguyên tắc và trình tự đánh giá hồ sự dự thầu quy định tại Điều 28, 35, 36, 38 và Điều 63 Luật Đấu thầu sửa đổi, bổ sung năm 2009, vi phạm Nghị định 111/2006/NĐ-CP; Nghị định 58/2008/NĐ-CP; Nghị định 85/2009/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BYT-BTC ngày 10/08/2007 của Bộ Tài Chính và Bộ Y Tế hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế Công lập”. Việc cáo trạng và các bản án trước đây không phân tích hành vi của bị cáo và giải thích nó vi phạm nội dung cụ thể nào trong điều luật hoặc văn bản khiến kết luận của các CQTHTT trở nên thiếu cơ sở, không bảo đảm nguyên tắc công minh của luật hình sự.
3. Việc áp dụng tình tiết có lợi cho bị can, bị cáo theo quy định tại Nghị quyết 41/2017/QH14
Trong lần pháp điển hóa thứ ba của luật hình sự, nhà làm luật đã có nhiều thay đổi trong BLHS năm 2015 liên quan đến chương các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Nhà làm luật đã thay thế Điều 165 BLHS năm 1999 trước đây bằng 9 tội danh mới. Việc thay thế Điều 165 BLHS năm 1999 chính là sự thay đổi cần thiết của chính sách, pháp luật hình sự trong giai đoạn xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong trường hợp tội phạm có dấu hiệu “lợi dụng chức vụ quyền hạn cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả” nhưng khi các hành vi phạm tội này có dấu hiệu về mặt khách quan không cấu thành bất kỳ một tội danh nào trong các điều 217 đến 225 BLHS năm 2015. Khi đó, các hành vi không thoả mãn cấu thành tội phạm các tội danh trên có thể được áp dụng theo hướng bị cáo chỉ phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 360 BLHS năm 2015.
Tại điểm e, khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội quy định đối với hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của BLHS năm 1999 xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của BLHS năm 1999 để xử lý. Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định trường hợp vụ án đã được xét xử và đã có bản án, quyết định của Tòa án thì không được căn cứ vào việc BLHS năm 2015 không quy định tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng để kháng cáo, kháng nghị theo hướng không phạm tội. Và, tại điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội về việc áp dụng các tình tiết, điều luật của BLHS năm 2015 có lợi cho các bị cáo đang bị xét xử về tội phạm xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 1 tháng 1 năm 2018 mà sau thời điểm đó đang bị xét xử, nhà làm luật quy định rất rõ các điều khoản của BLHS năm 2015 các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 mà sau thời điểm đó đang được xét xử. Chính vì vậy, cần phải hiểu quan điểm cuả nhà làm luật tại điểm b và e khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 41 theo hướng, pháp luật không cấm các bị cáo đã bị kết tội theo quy định tại Điều 165 BLHS năm 1999 được quyền kháng cáo theo một tội danh khác ít nghiêm khắc hơn được quy định tại BLHS năm 2015.
Quay lại vụ án vi phạm quy định của nhà nước về đấu thầu thuốc y tế gây hậu quả nghiêm trọng, bị cáo Châu bị truy cứu TNHS theo quy định tại Điều 165 BLHS năm 1999. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, CQTHTT không chứng minh được động cơ, mục đích phạm tội của bị cáo. Bên cạnh đó, xét trong Điều 222 Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, hành vi xét sai xuất xứ thuốc tham gia dự thầu của bị cáo Châu không thoả mãn bất kỳ 1 cấu thành tội phạm nào. Trong trường hợp này, việc các bị cáo kháng cáo để chuyển tội danh sang điều 360 BLHS năm 2015 là hoàn toàn đúng pháp luật.
Xét nghĩ trong tình hình hiện tại khi mà đội ngũ cán bộ đang thiếu, yếu và các quy định của pháp luật cũng chưa đầy đủ và rõ ràng, dẫn đến việc cán bộ kiêm nhiệm và ôm đồm nhiều việc (như vụ án này) thì việc vi phạm pháp luật chỉ là vấn đề thời gian và may hay không may mà thôi. Tại phiên tòa bị cáo Châu và các bi cáo khác đều khai là tình hình không có cán bộ và cũng không thể từ trối được khi bị phân công nhiệm vụ…dẫn tới các bị cáo biết là nguy hiểm nhưng cũng vẫn phải nhận làm. Bởi vậy, với những vụ việc vi phạm tương tự (không có yếu tố vi phạm đạo đức, việc dẫn đến vi phạm mang nhiều yếu tố khách quan), việc kết tội cũng nên thể hiện tính nhân đạo cho bị cáo có cơ hội tiếp tục công tác để cống hiến cho xã hội khắc phục những sai lầm đã xảy ra.
[1] Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.
[2] Hoàng Phê, Từ điển Tiếng Việt, NXB Hồng Đức, 2003, tr.587.
LS. Nguyễn Quang Anh - Công ty TNHH Luật Sao Việt, Bài đăng trên tạp chí Thương Hiệu và Pháp Luật
Link: https://thuonghieuvaphapluat.vn/toi-co-y-lam-trai-quy-dinh-cua-nha-nuoc-ve-quan-ly-kinh-te-gay-hau-qua-nghiem-trong--mot-goc-nhin-tu-ly-luan-va-thuc-tien-trong-giai-doan-chuyen-tiep-cua-chinh-sach-hinh-su-moi-d42200.html