Tội cố ý làm trái và tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” –góc nhìn lý luận và thực tiễn trong tình hình mới

Luật sư Nguyễn Quang Anh

CÔNG TY TNHH SAO VIỆT - ĐOÀN LUẬT SƯ TP.HÀ NỘI

Ông Đinh La Thăng - người từng bị xét xử về tội cố ý làm trái bị áp giải tới tòa

Tóm tắt: Thời gian gần đây, qua theo dõi một số phiên tòa xét xử, có thể thấy nhiều bị cáo bị truy tố về tội danh “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” – Điều 165 BLHS năm 1999 (nay được thay thế bằng 9 tội danh khác trong BLHS năm 2015), tuy nhiên, cũng có luồng ý kiến khác cho rằng bị cáo chỉ phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” – Điều 285 BLHS 1999 (nay là Điều 360 BLHS 2015). Vậy sự khác biệt giữa hai tội danh này là gì? Trong bài viết dưới đây, tác giả sẽ phân tích một số vấn đề bất cập hoặc/và dễ gây nhầm lẫn trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự cụ thể liên quan đến hai loại tội danh này. Qua đó tác giả đề xuất một số kiến nghị, giải pháp để giải quyết những vụ án tồn đọng áp dụng theo BLHS 1999 và sửa đổi bổ sung liên quan đến hai loại tôi danh này theo BLHS 2015.

Từ khoá: Tội cố ý làm trái; tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Bộ luật Hình sự

Abstract: Recently, by monitoring several trials, there has been the fact that many defendants have been prosecuted for the crime of “Deliberately violating state regulations on economic management, causing serious consequences” – Article 165 of the 1999 Criminal Code (now replaced by 09 other crimes in the 2015 Criminal Code). However, many others argue that the defendants only committed the crime of “Negligence of responsibility, causing serious consequences” according to Article 285 of the 1999 Criminal Code (Which is now Article 360 ​​of the 2015 Criminal Code). So, what are the differences between these two crimes? The following article will analyze some inadequacies and (or) confusion in solving a criminal case related to these two types of crimes. Thereby, the author proposes some recommendations to resolve the backlog cases due to the application of the 1999 Criminal Code and supplements several regulations related to these two types of crimes under provisions of the 2015 Criminal Code.

Keywords: Crime of Deliberately acting against, negligence of responsibilitycriminal code.

Từ một vụ án cụ thể

Đặng Đức Châu nguyên là Phó Giám đốc sở Y tế tỉnh Gia Lai. Giai đoạn 2008 - 2010, ông Châu được phân công tham gia vào tổ chuyên gia xét đấu thầu thuốc tại tỉnh Gia Lai. Vào thời điểm đó, dù đấu thầu thuốc là công việc mới, nhưng ông Châu cùng các thành viên tổ chuyên gia chỉ được tham gia một khoá tập huấn đấu thầu trong lĩnh vực xây dựng trong vòng 3 ngày để đảm nhiệm công tác chuyên môn của mình.

Trong 3 năm, tổ chuyên gia đã xét thầu hơn 3290 mặt hàng thuốc, trong đó mắc sai lầm dẫn đến việc xét duyệt trúng thầu sai xuất xứ 7 mặt hàng thuốc, loại ra 8 mặt hàng thuốc đủ tiêu chuẩn trúng thầu, gây thiệt hại hơn 6 tỷ đồng. Các thành viên tổ chuyên gia này (trong đó có ông Châu) bị khởi tố, truy tố về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng - Điều 165 BLHS năm 1999.

Vụ án kéo dài gần 10 năm, qua 6 lần xét xử cho thấy hàng loạt bất cập liên quan đến Điều 165, Điều 285 BLHS năm 1999 cũng như các tội danh thay thế/tương ứng với các điều luật này trong BLHS năm 2015. Trong bài viết, tác giả sẽ phân tích kỹ những bất cập này.

Những vấn đề chính dẫn đến nhầm lẫn khi giải quyết hai loại tội danh trên

Thực tiễn một số vụ án hình sự đã và đang giải quyết cho thấy trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng – Điều 165 BLHS năm 1999 (hay 09 tội danh khác trong BLHS năm 2015 thay thế Điều 165 BLHS năm 1999) hoặc tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng - Điều 285 BLHS năm 1999 (hay Điều 360 BLHS năm 2015), nhiều trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT), người tham gia tố tụng (NTGTT) chưa xác định được chính xác bản chất các yếu tố trong cấu thành hai loại tội danh này. Điều đó dẫn đến hệ quả xác định không đúng dạng trách nhiệm pháp lý mà người vi phạm phải chịu.

Vấn đề thứ nhất: Ảnh hưởng của việc xác định khách thể (nội dung, phạm vi)

Sai lầm đầu tiên dễ mắc phải khi định tội danh chính là nhầm lẫn khách thể. Việc xác định khách thể của tội phạm không chính xác dẫn đến việc xác định sai loại và mức độ trách nhiệm pháp lý đối với các hành vi vi phạm (HVVP).

Đối với tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, khách thể trực tiếp mà tội phạm này xâm phạm đến là các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế bao gồm tất cả các lĩnh vực như cạnh tranh, đấu giá, đấu thầu, vấn đề sử dụng vốn nhà nước, kế toán, xây dựng, tái định cư… Cần lưu ý, khách thể của tội phạm Điều 165 BLHS năm 1999 là “các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế” về các lĩnh vực nói trên (gồm các Luật, Nghị định, Thông tư… ban hành theo quy định của luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật) nên hẹp hơn so với khách thể tại Điều 285 BLHS năm 1999. Bởi ngoài khách thể được quy định tại Điều 165 BLHS 1999, khách thể của Điều 285 BLHS năm 1999 còn bao gồm cả các chính sách, chế độ, quy định, quy chế khác (bảo hiểm, tiền lương, nhân sự…) của Nhà nước và của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Các CQTHTT có trách nhiệm xác định đúng nội dung và phạm vi của khách thể để bảo đảm định tội danh chính xác.

Từ phân tích trên, trong vụ án của bị cáo Châu, đáng lẽ CQTHTT có nghĩa vụ chỉ ra hành vi của bị cáo vi phạm điều luật cụ thể nào trong các quy định của nhà nước về đấu thầu để xem xét xử lý trách nhiệm, tuy nhiên, cáo trạng của Viện kiểm sát cũng như các bản án đều không chỉ rõ được vấn đề này. CQTHTT đã sử dụng 1 kết luận chung chung, hành vi của bị cáo đã: “Xâm phạm quy định của Nhà nước về quản lý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng… cụ thể đã vi phạm Nghị định 111/2006/NĐ-CP; Nghị định 58/2008/NĐ-CP; Nghị định 85/2009/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BYT-BTC ngày 10/08/2007 của Bộ Tài Chính và Bộ Y Tế hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế Công lập”. Kết luận “gộp” như vậy là chưa xác đáng, vì hành vi của bị cáo không vi phạm tất cả các quy định trong các văn bản đã nêu trên.

Vấn đề thứ hai: Mối liên hệ giữa hành vi vi phạm cụ thể và hậu quả của hành vi

Việc xác định được khách thể (nội dung, phạm vi) và các hành vi xâm phạm đến các nội dung cụ thể của khách thể của tội phạm mới chỉ đáp ứng được điều kiện cần trong cấu thành mặt khách quan của hai loại tội phạm nói trên. Bên cạnh đó, CQTHTT phải chứng minh được HVVP đó gây ra hậu quả nghiêm trọng (thiệt hại thực tế nghiêm trọng) hay nói theo cách khác là hậu quả và HVVP pháp luật phải có mối quan hệ nhân quả mới đáp ứng được điều kiện đủ được đặt ra đối với cả hai loại tội danh nói trên. Bởi vậy, các HVVP khác nếu không xâm phạm đến các khách thể của hai tội danh này hoặc/và không gây thiệt hại thì phải được xử lý bằng các dạng trách nhiệm pháp lý khác.

Đây là khâu quan trọng để loại bỏ các HVVP chỉ là vi phạm hành chính, dân sự hoặc có thể là vi phạm hình sự nhưng lại cấu thành một tội danh khác... Việc xác định không chính xác sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội, dẫn đến thực trạng hình sự hoá những quan hệ kinh tế, dân sự.

Ở vụ án Đặng Đức Châu, trong qua trình xét xử, các luật sư bào chữa đã chỉ ra được: (1) Nhiều hành vi của bị cáo dù thoả mãn dấu hiệu làm trái nhưng không gây thiệt hại; (2) Có hành vi của các bị cáo không trái với quy định pháp luật gây ra thiệt hại nhưng vẫn bị “gộp” làm căn cứ truy cứu TNHS. Đáng lý, CQTHTT phải chỉ ra được với từng HVVP một điều luật cụ thể bị cáo đã gây ra thiệt hại thoả mãn cấu thành tội phạm tại Điều 165 BLHS 1999. Tuy nhiên các CQTHTT lại sử dụng cách kết luận gộp, chỉ ra một nhóm hành vi vi phạm và gắn cho nó toàn bộ thiệt hại phát sinh để truy cứu TNHS với bị cáo. Điều này đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc công minh của luật hình sự, nguyên tắc phân hoá trách nhiệm, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự chính xác của việc định tội danh và mức chịu TNHS.

Vấn đề thứ ba: Yếu tố lỗi

Rất nhiều người khi phân tích tinh thần điều luật đã phân biệt giữa tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng Điều 165 BLHS năm 1999 là lỗi cố ý và tội thiếu trách nhiệm gây hây quả nghiêm trọng Điều 285 BLHS năm 1999 là lỗi vô ý. Phần lớn đều cho rằng người phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng mắc lỗi vô ý với việc vi phạm các quy định pháp luật trong quá trình công tác nên chỉ cấu thành tội danh Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Chẳng hạn như tác giả Đinh Thế Hưng và Trần Văn Biên cho rằng “trong trường hợp do không nắm vững hoặc không nhận thức được chính xác các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế thì người có hành vi nêu trên không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này (mà có thể chịu trách nhiệm về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng).[2] Theo chúng tôi, nhận định này là chưa chính xác, bởi lẽ trong pháp luật luôn tồn tại nguyên tắc mọi người phải biết luật (nemo censetur ignorare legem[3]) và bất cứ ai khi được bổ nhiệm hoặc/và giao nhiệm vụ nào đều phải đủ tiêu chuẩn, điều kiện khi được bổ nhiệm hoặc/và giao nhiệm vụ ấy. Trên cơ sở nguyên tắc này, khi bổ nhiệm hoặc lựa chọn người vào một vị trí công tác, các cơ quan/người có thẩm quyền đều phải tiến hành bồi dưỡng, tập huấn các kỹ năng, kiến thức về pháp luật trong lĩnh vực công tác mới của người đó. Luật Cán bộ, công chức năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2019, luật Viên chức chăn 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2019, Bộ luật Lao động năm 2019 đều ghi nhận việc đào tạo, bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm, luân chuyển (Đối với cán bộ, công chức, viên chức), khi có phương án sử dụng lao động (Đối với người lao động) là quyền của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, vừa là nghĩa vụ đối với đơn vị chủ quản.

Bởi vậy, bất kỳ ai khi thực hiện một chức trách/nhiệm vụ, khi đưa ra một hành vi/quyết định đều phải nhận thức được pháp luật liên quan đến hành vi/quyết định ấy. Đặt trong hoàn cảnh những người phạm tội đều có chức vụ, quyền hạn, đã được đào tạo, bồi dưỡng để thực hiện chức trách/nhiệm vụ nên biết và buộc phải biết các quy định pháp luật liên quan đến nhiệm vụ hoặc/và chức vụ mình đảm nhiệm. Do đó, hình thức lỗi ở đây phải là lỗi cố ý – cố ý gián tiếp (cố ý vi phạm các quy định của pháp luật hoặc/và các quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị). Khi đó, sự khác biệt giữa tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng - Điều 165 BLHS năm 1999 và tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng - Điều 285 BLHS năm 1999 chính là ở hình thức lỗi đối với hậu quả xảy ra[4]. Trong trường hợp phạm tội theo Điều 165 BLHS năm 1999, người phạm tội có lỗi cố ý đối với hậu quả gây ra; còn với Điều 285 BLHS năm 1999, người phạm tội vô ý với hậu quả xảy ra.

`Vấn đề thứ tư: Tính chất của hành vi vi phạm pháp luật

Điều 165 BLHS năm 1999 quy định, “người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại…. Ở đây “lợi dụng” được hiểu là hành vi dựa vào điều kiện thuận lợi nào đó để mưu lợi riêng, không chính đáng[5]. Điều đó cũng có nghĩa, trong tội danh này, khi người phạm tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn” để “cố ý làm trái” thì “chức vụ quyền hạn” không chỉ mang ý nghĩa khoanh vùng đối tượng chủ thể của tội phạm. Trong trường hợp này, “chức vụ, quyền hạn” đóng vai trò như một công cụ, phương tiện, là điều kiện mà người phạm tội sử dụng để thực hiện hành vi “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước...”. Việc sử dụng “chức vụ, quyền hạn” trong trường hợp này là hành vi có chủ đích, gắn liền với động cơ hoặc/và mục đích không chính đáng. Hay nói một cách đơn giản hơn là “không có ai lợi dụng vào chức vụ, quyền hạn của mình có để cố ý làm trái các quy định của Nhà nước mà lại không có động cơ hoặc/và mục đích nào cả”.

Điều 285 BLHS năm 1999 quy định: “Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng…” thì phải chịu TNHS. Điểm khác nhau trong tính chất của HVVP giữa quy định tại Điều 165 và Điều 285 BLHS năm 1999 là người người có chức vụ quyền hạn đã “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” để thực hiện HVVP pháp luật hoặc vì “thiếu trách nhiệm” nên đã có HVVP pháp luật.

Như vậy, trong quá trình định tội danh cụ thể, nếu phần khách thể bị xâm phạm là giống nhau (đều là các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế) thì việc làm sáng tỏ động cơ hoặc/và mục đích mà việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn hướng đến là rất quan trọng, nếu không xác định chính xác, có thể dẫn đến khả năng nhầm lẫn giữa hai tội phạm này.

Từ lập luận trên, nếu xét trong quy định tại Điều 165 BLHS năm 1999, bản thân nội hàm của điều luật này đang tồn tại mâu thuẫn giữa việc quy định tình tiết định tội và tình tiết định khung tăng nặng.

Như đã phân tích, dù không quy định cụ thể trong cấu thành định tội nhưng khi định tội danh với tội phạm tại Điều 165 BLHS năm 1999, yêu cầu CQTHTT phải xác định được động cơ hoặc/và mục đích của người phạm tội. Tuy nhiên, nhà làm luật lại quy định tình tiết “Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác” là tình tiết định khung tăng nặng tại điểm a khoản 2 Điều 165 là bất hợp lý. Bởi vì “Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác” chính là động cơ, mục đích của tội phạm hay nói cách khác “Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác” đã là nội hàm của cấu thành định tội, nên nó không thể một lần nữa là cấu thành định khung tăng nặng được.

Đến BLHS năm 2015, nhà làm luật đã thay thế Điều 165 trước đây bằng 09 tội danh mới. Việc thay thế Điều 165 BLHS năm 1999 chính là sự thay đổi cần thiết của chính sách, pháp luật hình sự trong giai đoạn xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Song, trong một số tội danh mới thay thế cho Điều 165 BHLS năm 1999, nhà làm luật vẫn chưa giải quyết trọn vẹn được sự thiếu thống nhất đã đề cập ở trên. Cụ thể, tại khoản 1 các Điều 220, 221, 223, 224 BLHS năm 2015, nhà làm luật đã ghi nhận “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” là một dấu hiệu định tội, tuy nhiên, yếu tố “vì vụ lợi” (lợi ích vật chất, tinh thần cho cá nhân mình hoặc/và cho người khác mà mình quan tâm, mà người có chức vụ, quyền hạn đạt được hoặc có thể đạt được thông qua HVVP pháp luật) vẫn được quy định là tình tiết định khung tăng nặng tại điểm a khoản 2 các tội danh này. Trong tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng Điều 222 BLHS năm 2015 (chủ thể có thể là người có chức vụ/ quyền hạn hoặc không), đồng thời quy định “vì vụ lợi”và “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” là tình tiết định khung tăng nặng tại điểm a và điểm e khoản 2 là bất hợp lý.

Đối với các tội phạm tại Điều 217, 217A, 218 trong BLHS năm 2015 thay thế cho Điều 165 BLHS năm 1999, áp dụng với chủ thể bình thường thay vì người có chức vụ, quyền hạn như trước đây nên cấu thành tăng nặng định khung “vì vụ lợi” được lược bỏ là hợp lý. Với riêng tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại Điều 219, do chủ thể của tội phạm là người được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước nhưng đã vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí nên việc giữ cấu thành tăng nặng định khung “vì vụ lợi” là phù hợp[6].

Trong vụ án Đặng Đức Châu, về yếu tố lỗi và tính chất của HVVP, các CQTHTT xác định bị cáo có hành vi sai phạm nhưng lại không có động cơ, mục đích của hành vi sai phạm. Trên phương diện khách quan, với sai phạm trong hoạt động xét thầu trong vụ án này xuất phát từ khối lượng công việc nhiều, kiêm nhiệm, ôm đồm nhiều việc, thiếu kinh nghiệm và cả sự thiếu trách nhiệm của các bị cáo khi xét thầu không kỹ lưỡng, cẩn thận. Chính vì vậy, phải xác định bị cáo có lỗi cố ý với hành vi làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, nhưng vô ý với hậu quả xảy ra (Điều 285 năm BLHS năm 1999 hoặc Điều 360 BLHS năm 2015). Việc các CQTHTT truy cứu TNHS bị cáo về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại nghiêm trọng (Điều 165 BLHS năm 1999) có phần khiên cưỡng, làm quá trình xét xử của vụ án kéo dài.

Bất cập trong việc áp dụng nguyên tắc có lợi quy định tại Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội

Để hướng dẫn thực hiện BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (trong đó có Điều 165 BLHS năm 1999), ngày 20/6/2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 41/2017/QH14 (NQ 41). Tuy nhiên, văn bản trên đang tồn tại điều gây hiểu lầm thậm chí là khó áp dụng trên thực tế. Cụ thể: Điểm e, khoản 1, Điều 2 NQ 41 quy định đối với hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 BLHS 1999 xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của BLHS năm 1999 để xử lý. Tuy nhiên, tiếp theo đó, Nghị quyết lại quy định: Trường hợp vụ án đã được xét xử và đã có bản án, quyết định của Tòa án thì không được căn cứ vào việc BLHS năm 2015 không quy định tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng để kháng cáo, kháng nghị theo hướng không phạm tội. Quan điểm này cần được hiểu là được căn cứ vào BLHS năm 2015 để kháng cáo, kháng nghị nhưng vẫn phải theo hướng có tội. Và theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 2 NQ 41 (ghi nhận nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo khi thay đổi pháp luật) cho phép kháng cáo, kháng nghị khi hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 BLHS năm 1999 xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử theo một tội danh khác, một điều luật khác ít nghiêm khắc hơn được quy định tại BLHS năm 2015. Cụ thể, với những hành vi trước kia có dấu hiệu của “Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 165 BLHS năm 1999 nếu HVVP đó thỏa mãn cấu thành một tội danh khác, một điều luật khác nhẹ hơn thì được kháng cáo, kháng nghị chuyển sang tội danh khác, một điều luật khác được quy định tại BLHS năm 2015.

Quy định tại điểm b, e khoản 1, Điều 2 NQ 41 cho thấy mâu thuẫn khi một mặt điều luật cho phép áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo để căn cứ vào một tội danh khác, một điều luật khác nhẹ hơn được quy định tại BLHS năm 2015 để kháng cáo, kháng nghị. Mặt khác lại buộc CQTHTT phải căn cứ vào Điều 165 BLHS năm 1999 để giải quyết TNHS với người bị buộc tội (tức là không chấp nhận yêu cầu kháng cáo, kháng nghị của theo hướng có lợi cho các bị cáo). Nói cách khác, việc quy định như vậy chẳng khác nào vừa trao cho chủ thể 1 quyền nhưng lại không cho khả năng thực hiện quyền đó.

Trở lại ví dụ về vụ án vi phạm quy định của nhà nước về đấu thầu thuốc y tế gây hậu quả nghiêm trọng của bị cáo Châu. Từ những phân tích tại mục 1, có đủ cơ sở để khẳng định hành vi của bị cáo không thỏa mãn bất kỳ 1 cấu thành tội phạm nào trong 09 tội phạm mới thay thế Điều 165 BLHS năm 1999. Bị cáo hoàn toàn có quyền kháng cáo chuyển tội danh cho bị cáo (theo quy định tại điểm b, e khoản 1, Điều 2, NQ 41), sang tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 360 BLHS năm 2015). Tuy nhiên rất đáng tiếc, vì sự không thống nhất chính trong NQ 41 nên TAND tỉnh Gia Lai, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã không chấp nhận kháng cáo của bị cáo theo hướng áp dụng Điều 360 BLHS năm 2015.

Một số kiến nghị

Cho tới nay, dù tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong BLHS năm 1999 đã được thay thế bởi 09 tội danh khác nhau trong BLHS năm 2015, nhưng thực tiễn xét xử cho thấy vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề xung quanh nhóm các tội phạm về kinh tế này. Điều đó đặt ra một số vấn đề với công tác xây dựng và thực thi pháp luật hình sự trong thời gian tới đây. Cụ thể:

Một là, mặc dù Điều 165 BLHS năm 1999 đã được thay thế nhưng việc nghiên cứu và xem xét về tội danh này vẫn có giá trị thực tế vì nhiều vụ án “nóng” về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng (xảy ra trước khi BLHS năm 2015 có hiệu lực) vẫn đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; Và để điều tra, truy tố, xét xử các bị can, bị cáo về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 BLHS năm 1999) hay một số tội danh thay thế nó trong BLHS năm 2015, cần xác định được yếu tố “lợi dụng chức vụ quyền hạn” để “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước” và yếu tố “vì vụ lợi” chỉ được xem xét như một tình tiết định tội thay vì định khung tăng nặng hiện nay (như đã phân tích ở điểm d, phần 2). Bởi vậy, cần sửa đổi, bổ sung một số tội danh mới tại các Điều 220, 221, 223, 224 BLHS năm 2015 thay thế Điều 165 BLHS năm 1999 theo hướng loại bỏ tình tình tiết tăng nặng định khung “vì vụ lợi”.

Tương tự đối với tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222 BLHS năm 2015), cần xem xét lược bỏ tình “vì vụ lợi” được quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 222 BLHS năm 2015, vì “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” đã được quy định là tình tiết định khung tăng nặng tại điểm điểm e khoản 2 Điều 222 BLHS năm 2015. Điều này góp phần bảo đảm tính thống nhất và sự hoàn thiện của pháp luật hình sự.

Hai là, thống nhất lại cách nhận thức của các CQTHTT và NTHTT về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại Điều 360 BLHS năm 2015 nhằm tránh sự sai lầm trong quá trình định tội danh. Theo đó, hành vi vi phạm các quy định của nhà nước, cơ quan, tổ chức phải được thực hiện với lỗi cố ý (cố ý gián tiếp). Người phạm tội trước khi được giao/phân công đảm nhiệm 1 chức vụ/nhiệm vụ có quyền và nghĩa vụ phải nắm được các quy định của pháp luật liên quan đến chức vụ/nhiệm vụ đó. Chính vì vậy, họ không có quyền nại ra việc mình không biết luật để cho rằng mình vô ý với HVVP. Ở đây, cần phải hiểu người phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trong chỉ vô ý với hậu quả mà HVVP của mình gây ra.

Ba là, Quốc hội và Toà án nhân dân tối cao cần sửa đổi, thay thế nội dung thiếu thống nhất trong các văn bản hướng dẫn thi hành BLHS năm 2015 gồm Nghị quyết số 41/2017/QH2017 ngày 20/6/2017 của Quốc hội và Công văn số 04/TANDTC-PC năm 2018. Theo đó, việc buộc các CQTHTT khi điều tra, truy tố, xét xử đối với hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiên trọng phải bảo đảm không trái với tinh thần chung của Nghị quyết về việc áp dụng các tình tiết có lợi cho người bị buộc tội khi thay đổi pháp luật, nhưng có giới hạn là không áp dụng BLHS năm 2015 để kháng cáo, kháng nghị theo hướng không phạm tội đối với một số tội danh trong đó có tội danh được quy định tại Điều 165 BLHS năm 1999. Bên cạnh đó, bổ sung quy định xem xét áp dụng các quy định có lợi của BLHS năm 2015 với các hành vi bị điều tra, truy tố, xét xử về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước nếu các hành vi đó không thoả mãn các cấu thành tội phạm tại 09 tội danh mới thay thế cho Điều 165 BLHS năm 1999. Như vậy, cần sửa đổi quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 của NQ 41 theo hướng như sau:

“Đối với hành vi hoạt động quy định tại Điều 83, hành vi đăng ký kết hôn trái pháp luật quy định tại Điều 149, hành vi kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159, hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của BLHS năm 1999 xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì áp dụng điều luật tương ứng của BLHS năm 2015 để xử lý TNHS nếu nội dung của điều luật ấy có lợi cho bị cáo. Trường hợp BLHS năm 2015 không quy định hành vi đó là phạm tội thì tiếp tục áp dụng quy định của BLHS năm 1999 để xử lý…”

Danh mục tài liệu tham khảo 

[1] Xem: Th.S Đinh Thế Hưng, TS. Trần Văn Biên, Bình luận Bộ luật Hình sự của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam đã sửa đổi, bổ sung năm 2009, Nxb Lao động, 2010, tr.365.

[2] Xem: Black's Law Dictionary, 5th Edition, 1981, p. 673

[3]Hoàng Phê, Từ điển Tiếng Việt, NXB Hồng Đức, 2003, tr.587.

Theo Tạp chí Luật sư Việt Nam số 6 Tháng 6 - 2021, trang 9-13.

Link: https://lsvn.vn/toi-co-y-lam-trai-va-toi-thieu-trach-nhiem-gay-hau-qua-nghiem-trong-goc-nhin-ly-luan-va-thuc-tien-trong-tinh-hinh-moi1625154774.html

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer