Theo thông tin từ Công an TP.HCM, cơ quan này vừa nhận đơn của ông Huỳnh Minh Hưng (tức ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng) tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng - Tổng giám đốc Công ty Đại Nam về hành vi "vu khống", "làm nhục người khác" và "đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông".
Vậy vụ việc này nhìn nhận dưới góc độ pháp lý như thế nào, liệu yêu cầu khởi kiện này có được cơ quan chức năng thụ lý và giải quyết hay không?
Nguồn ảnh: Internet
Thứ nhất, về quy định xử lý với hành vi “vu khống” theo quy định của pháp luật:
Đối với tội vu khống người khác, theo quy định tại Điều 156 BLJS 2015 thì cần có một trong các dấu hiệu sau:
- Tạo ra những thông tin không đúng sự thực và loan truyền các thông tin đó mặc dù biết đó là thông tin không đúng sự thực.
- Tuy không tự đưa ra các thông tin không đúng sự thực nhưng có hành vi loan truyền thông tin sai do người khác tạo ra mặc dù biết rõ đó là những thông tin sai sự thực.
Hành vi vu khống là hành vi bịa đặt thông tin sai sự thật về người khác, gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm và các quyền, lợi ích chính đáng của người bị vu khống. Việc vu khống đối với người khác không chỉ ảnh hưởng đến nạn nhân mà còn ảnh hưởng đến nhiều người tiếp nhận thông tin sai lệch mà người thực hiện hành vi bịa đặt đã lan truyền.
Trong trường hợp của Đàm Vĩnh Hưng khởi kiện bà Hằng về hành vi “vu khống” thì cần phải chứng minh được những thông tin mà bà Hằng đã phát ngôn trên Livestream của mình là sai sự thật và bà Hằng biết chắc chắn đó là thông tin sai sự thật mà vẫn cố tình loan truyền những thông tin đó nhằm tác động xấu đến danh dự, nhân phẩm và gây ra những thiệt khác cho anh Đàm Vĩnh Hưng.
Thứ hai, về hành vi làm nhục người khác và yêu cầu bồi thường dân sự:
Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hai được quy định tại Khoản 1 Điều 584 Bộ luật dân sự 2015:
Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Đối chiếu theo quy định nêu trên, trách nhiềm bồi thường đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín chỉ đặt ra khi đáp ứng hai điều kiện:
- Có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín : Mặc dù hiện nay trong Luật và các văn bản hướng dẫn chưa quy định cụ thể về những hành vi được xem là hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín nhưng chúng ta có thể hiểu nôm na là những lời nói, hành động nhằm hạ thấp danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác
- Có thiệt hại thực tế xảy ra.
Về mức bồi thường thiệt hại:
Việc xác định thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 592 BLDS 2015 và Mục 3 Phần 2 Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự về Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo đó, xác định thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại: chi phí cần thiết cho việc thu hồi ấn phẩm có nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị thiệt hại; chi phí cho việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm; tiền tàu, xe đi lại, thuê nhà trọ (nếu có) theo giá trung bình ở địa phương nơi thực hiện việc chi phí để yêu cầu cơ quan chức năng xác minh sự việc, cải chính trên các phương tiện thông tin đại chúng; chi phí tổ chức xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị thiệt hại và các chi phí thực tế, cần thiết khác để hạn chế, khắc phục thiệt hại (nếu có).
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút: Nếu trước khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, người bị xâm phạm có thu nhập thực tế, nhưng do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm người bị xâm phạm phải thực hiện những công việc để hạn chế, khắc phục thiệt hại, nên khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc bị giảm sút, thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó.
c) Thiệt hại khác do luật quy định.
Đồng thời, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào hình thức xâm phạm (bằng lời nói hay đăng trên báo viết hay báo hình….), hành vi xâm phạm, mức độ lan truyền thông tin xúc phạm…Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Thứ ba, về hành vi đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông:
Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông là hành vi như thế nào?
- Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định của Bộ luật Hình sự.
- Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.
- Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.
Mức hình phạt và các hành vi được quy định cụ thể tại Điều 288 Bộ luật hình sự 2015 với mức xử phạt hành chính lên đến 1 tỷ đồng và khung cao nhất là phạt tù từ 02 đến 07 năm.
Trên Livestream của mình bà Hằng cũng đã đưa ra những thông tin về số liệu liên quan đến việc nói rằng anh Đàm Vĩnh Hưng ăn chặn tiền từ thiện, lừa đảo chiếm đoạt tiền công chúng, những thông tin đó chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác minh và thông báo chính thức về độ chính xác của nó vì vậy nếu muốn khởi kiện bà Hằng về hành vi này thì anh Đàm Vĩnh Hưng phải đưa ra được những căn cứ chứng minh những thông tin bà Hằng đã đưa ra là sai quy định của pháp luật, sử dụng những thông tin đó một cách trái phép và những thông tin thuộc sở hữu của cá nhân anh hay tổ chức khác được bà Hằng nêu ra một cách công khai không được sự cho phép của chủ sở hữu.
Như vậy, đối với 3 hành vi mà anh Đàm Vĩnh Hưng yêu cầu khởi kiện bà Nguyễn Phương Hằng ra trước pháp luật thì cần chứng minh yếu tố quan trọng nhất đó là tính xác thực của những thông tin mà bà Hằng đã công khai có liên quan trực tiếp đến cá nhân anh, ngoài ra cần có những căn cứ đưa ra chứng minh những thiệt hại từ hành vi đó gây ra, những thiệt hại này phải cụ thể và có bằng chứng rõ ràng. Tuy nhiên, cần phải nói thêm rằng trên thực tế rất khó chứng minh thiệt hại về tinh thần và về thu nhập bị giảm sút.