Ngày 11/12 tờ De Telegraaf của Hà Lan đăng tải thông tin về việc cảnh sát nước này đã bắt giữ nghi phạm rao bán virus SARS-CoV-2 sống đựng trong lọ thuỷ tinh, thông qua đường bưu điện chuyển cho những người có nhu cầu sử dụng. Vậy nếu trường hợp này xảy ra ở Việt Nam thì pháp luật của chúng ta sẽ xử lý như thế nào? Cùng tham khảo bài viết dưới đây của Luật Sao Việt để tìm câu trả lời!
Ảnh minh họa: Internet
Virus SAR COV 2 là gì?
Sars - CoV - 2 là tên gọi chính thức được Ủy ban quốc tế về phân loại Virus – International Committee on Taxonomy of Viruses (ICTV) đặt tên cho chủng mới của vi-rút corona. Covid 19 là tên gọi chính thức mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên cho dịch bệnh này.
Với đặc tính lây lan nhanh, khả năng phát tán rộng, tỷ lệ tử vong cao, Sars - CoV - 2 được xác định là tác nhân gây bệnh truyền nhiễm - bệnh viêm đường hô hấp cấp (thuộc danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A) theo quy định tại Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 và Quyết định số 219/QĐ-BYT ngày 29/1/2020).
Giả định rằng hành vi mua bán virus Sars - CoV - 2 xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam, khi đó chế tài nào sẽ được áp dụng đối với cá nhân thực hiện hành vi này ?
Trường hợp hành vi mua bán virus sars Cov 2 xảy ra tại Việt Nam, pháp luật của chúng ta cũng đã có các quy định để giải quyết những trường hợp tương tự. Tuy nhiên, mỗi tình huống sẽ dẫn đến một hậu quả pháp lý khác nhau.
Trường hợp 1: Virus SARS CoV 2 mà các đối tượng mua bán là thật.
Trước hết, mua bán virus SARS CoV 2 là hành vi vi phạm điều cấm của pháp luật. Người thực hiện hành vi biết hoặc buộc phải biết hành vi của mình có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người, gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, tiền bạc và an ninh quốc gia. Hành vi này được coi là “cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm” quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 8 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Đối với người thực hiện hành vi vi phạm, tùy theo mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trách nhiệm hành chính: người thực hiện hành vi cố ý làm lây lan virus SARS CoV 2 – tác nhân gây bệnh Viêm đường hô hấp cấp sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (điểm c khoản 3 Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP)
Trách nhiệm hình sự: trách nhiệm hình sự được đặt ra cho cá nhân thực hiện hành vi mua bán virus SARS CoV 2 nếu thỏa mãn các dấu hiệu của Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người (Điều 240 Bộ luật hình sự 2015). Tùy theo mức độ và thiệt hại xảy ra, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20 triệu - 200 triệu đồng, phạt tù từ 01 năm - 12 năm, đồng thời cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Tuy nhiên trên thực tế, pháp luật có thể truy cứu người thực hiện hành vi mua bán virus SARS CoV 2 hay không, đó lại là vấn đề khác. Có ba lỗ hổng lớn trong quy định của pháp luật về tội danh này.
Thứ nhất là lỗ hổng trong nội dung các quy định của pháp luật về tội “Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
Điều 240 BLHS 2015 quy định các hành vi sau đây nếu “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:
“a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;
c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.”
Quy định này dẫn đến một thực trạng là dù có hành vi phù hợp với quy định của luật nhưng chưa gây ra hậu quả, chưa “làm lây lan dịch bệnh” thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc quy định hậu quả là một trong những yếu tố để xem xét TNHS đối với tội danh này thể hiện quan điểm “xử lý hậu quả” chứ không “phòng ngừa hậu quả” của nhà làm luật. Quy định không có tính răn đe sẽ không khiến những kẻ có ý định phạm tội từ bỏ và những hành vi nguy hiểm cho xã hội sẽ không bị xử lý thích đáng. Có thể thấy nhà làm luật đang đánh giá thấp mức độ nguy hiểm của hành vi mua bán virus gây bệnh truyền nhiễm nhóm A, trong khi nó gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng con người và cả cộng đồng thậm chí còn cao hơn các hành vi khác như giết người hay cướp tài sản.
Thứ hai là lỗ hổng trong việc chứng minh hậu quả của hành vi phạm tội.
Do Điều 240 nêu trên quy định hậu quả “làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” là yếu tố bắt buộc để có thể xử lý hình sự tội phạm này, do đó, cơ quan điều tra sẽ phải chứng minh được hành vi mua bán virus SARS CoV 2 của các đối tượng khiến người khác bị lây nhiễm. Việc liên kết hành vi mua bán virus với hậu quả người khác mắc bệnh cực kỳ khó chứng minh nếu không muốn nói là không thể. Giữa tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, một người có khả năng lây nhiễm từ rất nhiều nguồn và không thể chứng minh chính xác việc lây nhiễm do đâu (do hành vi mua bán virus hay vô tình từ nguồn khác). Do đó việc quy định hậu quả “làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” như hiện nay chính là để lại “lối thoát” cho những kẻ phạm tội lách được sự trừng phạt của pháp luật.
Thứ ba là thiếu sót của những văn bản dưới luật như Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30 tháng 3 năm 2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Trong đó, công văn này quy định về việc xét xử tội phạm liên quan đến việc phòng chống dịch bệnh Covid 19 có hướng dẫn về xác định tội danh đối với đối tượng bị xử lý về “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh cho người” theo điểm c khoản 1 Điều 240 BLHS như sau:
“1. Hướng dẫn xác định tội danh theo quy định của Bộ luật Hình sự
1.1. Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người:
a) Trốn khỏi nơi cách ly;
b) Không tuân thủ quy định về cách ly;
c) Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly;
d) Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối”
Theo hướng dẫn trên thì việc truy cứu TNHS theo điểm c khoản 1 Điều 240 về tội Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người còn đang giới hạn về cả đối tượng và hành vi vi phạm. Theo đó, chỉ những đối tượng là Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi như “Trốn khỏi nơi cách ly; Không tuân thủ quy định về cách ly; Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối” thì mới bị xử lý theo điểm c khoản 1 Điều 240 BLHS năm 2015 nêu trên. Điều này dẫn đến việc một số đối tượng thực hiện những hành vi khác có thể dẫn tới làm lây lan dịch bệnh, như trường hợp buôn bán giao dịch Virus Sars CoV 2 lại không thuộc trường hợp bị xử lý tội Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người như nội dung Công văn trên đã hướng dẫn.
Vì vậy, pháp luật Việt Nam hiện nay mặc dù đã có quy định nhưng vẫn chưa đủ căn cứ để xử lý đối với hành vi mua bán “Virus Sars - CoV 2”.
Trường hợp 2: Những lọ thủy tinh được cho là đựng Vi rút Sars - CoV2 mà các đối tượng buôn bán là sản phẩm không phải chứa virus Sars CoV 2 như các đối tượng quảng cáo (hay nói cách khác đây là virus giả).
Trường hợp này, sản phẩm được làm giả nên không phải là tác nhân gây bệnh truyền nhiễm, do vậy, những đối tượng này sẽ không bị truy cứu về các tội danh liên quan đến dịch bệnh Covid 19.
Tuy nhiên, đối với hành vi cung cấp thông tin giả và khiến cho người mua tin tưởng đây là Virus Sars CoV 2 thật để bỏ tiền ra mua thì hành vi này có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi đó tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi mà những đối tượng này có thể xem xét bị truy cứu về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS 2015, sửa đổi bởi điểm a khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2017. Cụ thể:
“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
....”
Kiến nghị
Từ thực tế cuộc sống và dựa trên những quy định của pháp luật như đã nêu trên, chúng ta rõ ràng cần thay đổi tư duy xây dựng các văn bản pháp luật để có thể điều chỉnh bao quát tất cả các vấn đề phát sinh đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.
Để khắc phục lỗ hổng của pháp luật hiện nay, trước hết cần bỏ yêu cầu về hậu quả “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” là yếu tố bắt buộc để có thể truy cứu TNHS đối với tội danh quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự 2015, thay vào đó chúng ta có thể quy định: “Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây nguy cơ lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”. Như vậy, chúng ta sẽ xử lý được hầu hết các hành vi vi phạm, với hành vi ở mức độ nhẹ có thể xử phạt vi phạm hành chính và đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội cũng hoàn toàn có thể xử lý hình sự.
Bên cạnh đó, việc ban hành những Công văn hướng dẫn tương tự như Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30 tháng 3 năm 2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng cần bổ sung thêm các hành vi vi phạm mới, phù hợp với tình hình thực tế hiện tại để các cơ quan có thẩm quyền có đủ căn cứ xử lý, truy tố các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật, đi ngược với nỗ lực chống dịch của cả Nhà nước và nhân dân.
Như vậy, tùy theo các trường hợp là virus Sars Cov 2 mà nhóm đối tượng này buôn bán là hàng thật hay hàng giả, và hậu quả xảy ra hay không mà pháp luật Việt Nam sẽ có những hình thức xử lý khác nhau. Tuy nhiên, từ quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015 và Công văn hướng dẫn số 45/TANDTC-PC như phân tích nêu trên thì việc xử lý hình sự đối với hành vi buôn bán virus Sars CoC 2 (hàng thật) vẫn chưa thể thực hiện. Do đó, các cơ quan pháp luật cần nghiên cứu xem xét, đưa ra các quy định phù hợp để không bỏ sót những hành vi nguy hiểm cho xã hội như trên.