Trong vụ án nữ sinh giao gà bị nhóm nghiện ma túy bắt cóc, cướp tài sản, hiếp dâm, sát hại và phi tang gây rúng động dư luận trong suốt một năm vừa qua, chúng ta không cần bàn cãi nhiều về tội danh đối với những kẻ trực tiếp thực hiện tội phạm đối với nữ sinh.
Tuy nhiên, căn cứ hồ sơ vụ án và quá trình thẩm vấn công khai tại Tòa, dư luận vẫn còn nhiều băn khoăn về tội danh của bị cáo Bùi Thị Kim Thu, cũng như việc cơ quan tiến hành tố tụng không truy cứu trách nhiệm của bà Hiền (mẹ nạn nhân) về tội “Không tố giác tội phạm”.
Cần truy tố tội "Che giấu tội phạm" đối với bị cáo Bùi Thị Kim Thu (bên trái) và tội “Không tố giác tội phạm” đối với bà Trần Thị Hiền (bên phải).
Xoay quanh vấn đề này, Luật sư Nguyễn Quang Anh (Công ty Luật TNHH Sao Việt) đã đưa ra những phân tích trên phương diện pháp lý để giải đáp thắc mắc của nhiều người dân quan tâm đến vụ án này.
Cụ thể, tại phiên xét xử Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên đề nghị mức án 2 năm 6 tháng đến 3 năm tù đối với bị cáo Bùi Thị Kim Thu đối với tội danh “Không tố giác tội phạm.” Theo cáo trạng, các bị cáo trong vụ án đều khẳng định bị cáo Thu chứng kiến toàn bộ hành vi hãm hiếp tập thể, thậm chí sau khi C.M.D bị sát hại, Thu (vợ của bị cáo Bùi Văn Công) còn là người trực tiếp tắm rửa cho nạn nhân để che đậy giấu vết, giả vờ là người đầu tiên phát hiện xác nạn nhân để đánh lạc hướng điều tra của cơ quan chức năng… Tất cả những hành vi này đều phù hợp với tội danh che giấu tội phạm theo quy định tại Điều 389 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bổ sung một số điều năm 2017):
“Điều 389. Tội che giấu tội phạm
1. Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại các điều sau đây của Bộ luật này, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm…”
Tội che giấu tội phạm thể hiện ở hành vi không hứa hẹn trước nhưng khi biết tội phạm được thực hiện thì đã che giấu cho người phạm tội, che giấu các dấu vết, tang vật của vụ án hoặc cản trở việc điều tra, phát hiện và xử lý người phạm tội.
Bị cáo Thu trong vụ án này hoàn toàn đủ năng lực trách nhiệm hình sự, bị cáo hiểu hành vi của mình là che giấu, tiếp tay cho tội ác nhưng bị cáo Thu vẫn cố tình thực hiện. Do đó, cần khởi tố bị cáo Thu về tội “Che giấu tội phạm” thay vì tội “Không tố giác tội phạm” như cáo trạng của Viện Kiểm sát đã nêu.
Trong quá trình xét xử vụ án, Luật sư Lê Hồng Hiển (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình bị hại) cũng đề nghị HĐXX truy tố bị cáo Bùi Thị Kim Thu thêm tội danh khác là “Che giấu tội phạm”. Tuy nhiên, tội danh của bị cáo này cần thay đổi chứ không phải truy tố thêm tội danh. Theo quy định về giới hạn xét xử tại Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015, Điều 298 Bộ luật này thì:
“1. Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử.
2. Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.
3. Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.”
Như vậy, nếu đúng theo quy định của pháp luật thì để có thể thay đổi tội danh của Bùi Thị Kim Thu thành “Che giấu tội phạm” thay vì “Tội không tố giác tội phạm”, Tòa án sẽ buộc phải trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại.
Về vai trò của bà Hiền (Mẹ nạn nhân C.M.D) trong vụ án này, qua lời khai của bị cáo Toán cho thấy: “Tối 30 Tết, sau khi bắt cóc thành công con gái bà Hiền, Vương Văn Hùng cầm điện thoại của nạn nhân ra khu vực TP Điện Biên Phủ đưa cho Toán. Tiếp đó Toán vừa cầm điện thoại thì thấy số máy của chị nạn nhân gọi đến nên bắt máy, đề nghị cho gặp bà Hiền.
Bà Hiền ở đầu dây bên kia lên tiếng, Toán liền xưng danh và nói: "Tao Toán đây, bọn tao bắt con mày rồi, lo trả tiền cho bọn tao". Bà Hiền đáp: "Sao chúng mày lại bắt con tao, chúng mày làm như thế tao sẽ không trả tiền cho chúng mày, nếu chúng mày không thả con gái tao ra, tao sẽ đi báo Công an” rồi cúp máy.”
Tuy cả bà Hiền và con gái lớn đều phủ nhận lời khai của Toán, nhưng những chứng cứ khách quan khác như việc bà Hiền nợ tiền nhóm đối tượng đã được chứng minh trong Vụ án ma túy (Đã được xét xử ngày 27/11/2019), cuộc điện thoại liên hệ giữa số máy của nạn nhân và số máy của người chị gái cùng với lời khai của các đối tượng đều trùng khớp. Như vậy hoàn toàn có cơ sở để xem xét tội danh “Không tố giác tội phạm” của bà Hiền.
Tuy nhiên, khi giải quyết vụ án, Cơ quan tiến hành tố tụng không xem xét bà Hiền và con gái bà với tội danh trên, một phần bởi Cơ quan tiến hành tố tụng không thể chứng minh việc bà này biết nhóm của Toán bắt cóc con gái mình, một phần có thể bởi nhận thấy việc bà Hiền, nếu tố giác việc con bị bắt cóc sẽ làm lộ ra tội buôn ma túy.
Bởi vậy, việc bà Hiền không tố giá tôị phạm là điều đương nhiên. Nên nếu xem xét bà Hiền ở tội danh này có điều hơi gượng. Ở đây, sự ích kỷ của người mẹ khó nhận được sự thông cảm trên phương diện đạo đức nhưng lại có thể được lý giải bởi tâm lý con người. Thiết nghĩ, nhà làm luật cũng cần sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 19 Bộ luật hình sự nêu trên về việc loại trừ trách nhiệm hình sự cho trường hợp không tố giác tội phạm nếu việc tố giác sẽ làm lộ ra tội phạm của chính người đi tố giác.
Ngày 29/12 Tòa sẽ tuyên án đối với các bị cáo. Hi vọng kết quả của phiên tòa sẽ mang lại công bằng cho nạn nhân và cảnh tỉnh đến những kẻ đã và đang có tâm lý coi thường pháp luật, coi thường tính mạng của người khác.
- Sao Việt -
Theo congluan.vn