Rạng sáng 23/3, chung cư Carina Plaza, nằm trên đường Võ Văn Kiệt, quận 8, TP.HCM bùng cháy làm 13 người tử vong, vài chục người bị thương. Ngoài ra có tới 150 xe máy và 13 ôtô bị thiêu rụi. Nhiều vấn đề được đặt ra nhưng câu hỏi nhiều người quan tâm nhất đó là: ai – cá nhân, tổ chức hay cơ quan nào phải đứng ra chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại và chịu trách nhiệm như thế nào?
Để trả lời câu hỏi đó, Luật sư Sao Việt sẽ đưa ra những ý kiến, đánh giá pháp lý sơ bộ về nội dung nêu trên dựa trên các thông tin đã được công khai trên báo chí trong những ngày qua. Cụ thể như sau:
Trước hết, với những thiệt hại như báo chí đã đưa tin đến thời điểm hiện tại, có thể nhận định đây là một vụ việc có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Và trách nhiệm được đặt ra đối với cả 3 chủ thế: người trực tiếp gây ra cháy, tổ chức quản lý tòa nhà và cơ quan trực tiếp quản lý phòng cháy chữa cháy đối với khu chung cư Carina.
Tuy nhiên, đối với người trực tiếp gây ra cháy: hiện tại vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác dẫn đến vụ cháy do đó chưa có cơ sở để đưa ra nhận định về trách nhiệm của chủ thể này. Còn dựa theo những thông tin về sai phạm quy định phòng cháy chữa cháy như báo chí đã đăng tải thì có thể nhận thấy trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư và cơ quan quản lý phòng cháy chữa cháy của khu chung cư này, cụ thể:
Đối với chủ đầu tư:
Chung cư Carina đến thời điểm xảy ra sự việc vẫn chưa có Ban quản trị tòa nhà, do chưa tổ chức hội nghị chung cư để bầu ra Ban quản trị. Vì vậy, trách nhiệm duy trì hoạt động, bảo dưỡng thường xuyên đối với khu chung cư thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư. Mà theo như thông tin được đăng tải trên báo chí thì khi xảy ra vụ cháy, hệ thống PCCC của chung cư này không hoạt động, hệ thống chữa cháy tự động không được kích hoạt, chuông báo cháy không hoạt động, trụ nước chung cư không có nước, cửa thoát hiểm bị chèn đá làm khói bốc lên tất cả các tầng cao… và đó là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong cho 13 nạn nhân, hàng chục người bị thương, thiệt hại về tài sản đặc biệt lớn, đám cháy không được ngăn chặn kịp thời, không hạn chế được thiệt hại.
Với những sai phạm về quy định phòng cháy chữa cháy như đã nêu và những thiệt hại thực tế đã xảy ra, hoàn toàn có đủ cơ sở để khởi tố chủ đầu tư về Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy được quy định tại Điều 313 BLHS hiện hành. Việc chủ đầu tư đứng ra nhận toàn bộ trách nhiệm bồi thường cũng như chi phí sửa chữa chỉ có thể coi đó là một trong các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 50 BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017): “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả”, không có giá trị trong việc định tội.
Đối với cơ quan quản lý phòng cháy chữa cháy:
Căn cứ theo quy định của Luật phòng cháy chữa cháy, Lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy có trách nhiệm kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy thường xuyên cũng như định kỳ theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, theoBáo đưa tin: Lãnh đạo PCCC quận 8 xác nhận lần gần nhất kiểm tra định kỳ công tác PCCC ở chung cư Carina là vào tháng 12/2017. Quá trình kiểm tra, không phát hiện chung cư này có bất kỳ sai phạm nào. Nhưng trên thực tế khi cháy nổ xảy ra thì hệ thống PCCC lại không hoạt động và là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Do đó cần phải xem xét lại việc cấp giấy phép PCCC cũng như quá trình kiểm tra định kỳ đã thực hiện có đúng quy định hay không. Nếu có sai phạm trong việc thanh tra, kiểm tra PCCC thì cá nhân được giao nhiệm vụ có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được quy định tại Điều 360 BLHS hiện hành.
Bên cạnh đó, UBND thành phố, UBND quận trong phạm vi chức năng nhiêm vụ quyền hạn của mình cũng cần có biện pháp phối hợp với chủ đầu tư nhanh chóng khắc phục hậu quả, giúp người dân nhanh chóng ổn định đời sống, đồng thời đôn đốc việc xác minh nguyên nhân, sai phạm đề nghị khởi tố những cá nhân, tổ chức có sai phạm.
Trên đây là những tư vấn sơ bộ của chúng tôi về vấn đề trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, cơ quan liên quan đến vụ cháy chung cư Carina. Mọi nhận định đều mang tính tham khảo, cần có kết luận cụ thể từ phía cơ quan điều tra để có thể đưa ra nhận định chính xác hơn.