Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, vì nhiều lý do như thiếu vốn, thay đổi mục tiêu kinh doanh,… mà nhà đầu tư quyết định chuyển nhượng dự án đầu tư cho đơn vị khác. Chuyển nhượng dự án đầu tư là việc các nhà đầu tư của một dự án chuyển một phần hoặc toàn bộ dự án của mình cho một nhà đầu tư khác được thực hiện thông qua hợp đồng chuyển nhượng dự án đầu tư. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng dự án đầu tư này không chỉ cần ký kết hợp đồng chuyển nhượng giữa bên mua và bên bán là xong mà còn cần đáp ứng một số điều kiện và thủ tục theo quy định của pháp luật. Trong phạm vi bài viết này, Luật Sao Việt sẽ tư vấn cho Quý khách hàng các điều kiện cụ thể và thủ tục thực hiện chuyển nhượng dự án đầu tư.

Ảnh minh họa, nguồn: Internet.

I/ Điều kiện chuyển nhượng dự án đầu tư

Các điều kiện chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư được quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật đầu tư năm 2020 như sau:

1. Điều kiện đối với dự án đầu tư hoặc phần dự án đầu tư được chuyển nhượng:

Dự án đầu tư hoặc phần dự án đầu tư được chuyển nhượng phải không thuộc trường hợp bị chấm dứt hoạt động theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 48 Luật Đầu tư 2020:

Điều 48. Chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư

1. Nhà đầu tư chấm dứt hoạt động đầu tư, dự án đầu tư trong các trường hợp sau đây:

a) Nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư;

b) Theo các điều kiện chấm dứt hoạt động được quy định trong hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp;

c) Hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư.

2. Cơ quan đăng ký đầu tư chấm dứt hoặc chấm dứt một phần hoạt động của dự án đầu tư trong các trường hợp sau đây:

a) Dự án đầu tư thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 47 của Luật này mà nhà đầu tư không có khả năng khắc phục điều kiện ngừng hoạt động;

b) Nhà đầu tư không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư và không thực hiện thủ tục điều chỉnh địa điểm đầu tư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản này;

c) Dự án đầu tư đã ngừng hoạt động và hết thời hạn 12 tháng kể từ ngày ngừng hoạt động, cơ quan đăng ký đầu tư không liên lạc được với nhà đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của nhà đầu tư;

d) Dự án đầu tư thuộc trường hợp bị thu hồi đất do không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai;

đ) Nhà đầu tư không ký quỹ hoặc không có bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ theo quy định của pháp luật đối với dự án đầu tư thuộc diện bảo đảm thực hiện dự án đầu tư;

e) Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trên cơ sở giao dịch dân sự giả tạo theo quy định của pháp luật về dân sự;

g) Theo bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết trọng tài.”

2. Điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng

- Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật này;

- Bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật này;

- Quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.

3. Điều kiện đối với đất đai và nhà ở thuộc dự án đầu tư:

Trong trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư gắn với chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, dự án bất động sản thì nhà đầu tư cần đáp ứng các quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản.

4. Điều kiện khác

Ngoài các điều kiện trên, nếu trong văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có các quy định khác thì NĐT vẫn phải tuân thủ.

Ngoài ra, đối với doanh nghiệp nhà nước thì khi chuyển nhượng dự án đầu tư phải tuân thủ quy định về quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp trước khi thực hiện việc điều chỉnh dự án đầu tư.

II/ Trình tự, thủ tục chuyển nhượng dự án đầu tư

Thủ tục thực hiện hoạt động chuyển nhượng dự án đầu tư được hướng dẫn cụ thể tại Điều 48 Nghị định 31/2021/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

1. Hồ sơ chuyển nhượng dự án đầu tư (Khoản 5 Điều 48 Nghị định 31/2021/NĐ-CP)

+ Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư;

+ Báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư đến thời điểm chuyển nhượng dự án đầu tư;

+ Hợp đồng hoặc hợp đồng nguyên tắc về việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư;

+ Bản sao tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng;

+ Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; Quyết định chấp thuận nhà đầu tư (nếu có);

+ Bản sao Hợp đồng BCC (đối với dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BCC);

+ Bản sao một trong các tài liệu sau của nhà đầu tư nhận chuyển nhượng dự án đầu tư: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất hoặc báo cáo kiểm toán vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ, cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính, bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư, tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư.

2. Trình tự thực hiện:

2.1. Trường hợp dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư mà nhà đầu tư chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư trước khi dự án đầu tư khai thác vận hành hoặc có sự thay đổi điều kiện đối với nhà đầu tư:

Bước 1: Nhà đầu tư chuyển nhượng dự án nộp 08 bộ hồ sơ theo quy định cho Bộ KHĐT hoặc nộp 04 bộ hồ sơ theo quy định cho cơ quan đăng ký đầu tư tương ứng với thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.

Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền xem xét điều kiện chuyển nhượng dự án đầu tư theo quy định để quyết định điều chỉnh dự án đầu tư. Quyết định chấp thuận điều chỉnh NĐT ghi nhận nhà đầu tư chuyển nhượng và NĐT nhận chuyển nhượng, phần dự án chuyển nhượng (Nếu có) và được gửi cho Cơ quan đăng ký đầu tư, nhà đầu tư nhận chuyển nhượng và NĐt chuyển nhượng.

2.2. Đối với Dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư mà việc chuyển nhượng dự án làm thay đổi nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a,b, c,d ,đ và e khoản 3 Điều 41 Luật đầu tư, NĐT chuyển nhượng thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án theo quy định tương tự mục 2.1 nêu trên.

2.3. Đối với dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư mà việc chuyển nhượng dự án không làm thay đổi nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a,b, c,d ,đ và e khoản 3 Điều 41 Luật đầu tư, NĐT chuyển nhượng dự án không phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư mà thực hiện thủ tục điều chỉnh Quyết định chấp thuận nhà đầu tư như sau:
Bước 1: NĐT chuyển nhượng DA nộp 4 bộ hồ sơ theo quy định cho Cơ quan đăng ký đầu tư, trong đó văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư được thay thế bằng văn bản đề nghị chấp thuận điều chỉnh nhà đầu tư

Bước 2: Cơ quan đăng ký đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến của cơ quan NN có thẩm quyền cùng cấp có liên quan về việc đáp ứng yêu cầu quy định tại các điểm b, c, d khoản 4 Điều 33 của Luật Đầu tư trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ

Bước 3: Các cơ quan được lấy ý kiến cho ý kiến về nội dung thuôc phạm vi quản lý NN của cơ quan mình, gửi cơ quan đăng ký đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Bước 4:  Trong vòng 25 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký đầu tư lập báo cáo thẩm định trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Bước 5: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chấp thuận điều chỉnh nhà đầu tư trong thời han 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ và báo cáo thẩm định.

Bước 6: Gửi quyết định chấp thuận điều chỉnh nhà đầu tư đến CQĐK đầu tư, NĐT chuyển nhượng và NĐT nhận chuyển nhượng.

2.4. Đối với dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đã đưa vào khai thác, vận hành thì NĐT không phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư khi chuyển nhượng dự án.

2.5. Đối với dự án đầu tư đã được cấp GCNĐKĐT và không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 3 ĐIều 41:

Bước 1: NĐT chuyển nhượng dự án đầu tư nộp 1 bộ hồ sơ theo quy định cho Cơ quan đăng ký đầu tư

Bước 2: CQĐKĐT xem xét các điều kiện chuyển nhượng dự án đầu tư để điều chỉnh dự án đầu tư theo quy định. GCNĐKĐT điều chỉnh được gửi cho NĐT chuyển nhượng và NĐT nhận chuyển nhượng

2.6. Đối với NĐT nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án đầu tư và thành lập tổ chức kinh tế để thực hiện dự án đầu tư:

Bước 1: Thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư theo quy định tương ứng nêu trên

Bước 2: NĐT nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án thực hiện thủ tục thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của luật doanh nghiệp. Sau khi có GCNĐKDN, tổ chức kinh tế do NĐT nước ngoài thành lập là NĐT được thực hiện dự án đầu tư.

 

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu còn vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer