Câu hỏi: Doanh nghiệp của tôi là một công ty kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản. Sau một thời gian hoạt động và phát triển, tôi có dự định mở rộng phạm vi kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, tôi đang băn khoăn vấn đề lựa chọn giữa việc thành lập chi nhánh hay thành lập công ty con thì hiệu quả hơn. Vậy Luật sư cho tôi hỏi giữa chi nhánh và công ty con có những sự khác nhau gì và thành lập theo loại hình nào sẽ tốt hơn?

Trả lời:

Chi nhánh là gì?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020, chi nhánh được hiểu là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền.

Công ty con là gì?                                                                     

Theo Khoản 1 Điều 195 Luật Doanh nghiệp 2020, một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó;

- Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó;

- Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó.

Như vậy, có thể hiểu, công ty con là công ty được một công ty khác góp trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty. Điều này đồng nghĩa, một công ty mẹ có thể có nhiều công ty con, nhưng một công ty con chỉ có thể có một công ty mẹ duy nhất.

Lưu ý: Công ty con không được đầu tư mua cổ phần, góp vốn vào công ty mẹ đồng thời các công ty con của cùng một công ty mẹ không được cùng góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau.

Doanh nghiệp nên thành lập chi nhánh hay công ty con?

Về cơ bản, cả chi nhánh và công ty con đều có khả năng thực hiện các chức năng kinh doanh như ký kết các hợp đồng mua bán hàng hóa, thực hiện hoạt động sản xuất, tuyển dụng nhân viên,… Ngoài ra, dù được thành lập theo hình thức nào thì chi nhánh hay công ty con cũng đều phải chịu các loại thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp cùng các loại thuế khác tuỳ theo từng lĩnh vực kinh doanh.

Tuy nhiên, giữa hình thức thành lập chi nhánh và thành lập công ty con sẽ có những điểm khác nhau cơ bản như sau:

Tiêu chí so sánh

Chi nhánh

Công ty con

Văn bản xác nhận tư cách chủ thể

Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh

Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Tư cách pháp nhân

Không có tư cách pháp nhân

Có tư cách pháp nhân

Vốn điều lệ

Không có vốn điều lệ

Có vốn điều lệ và được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Ngành nghề kinh doanh

Đúng với ngành nghề kinh doanh đã đăng ký của doanh nghiệp

Có thể giống hoặc khác với ngành nghề kinh doanh của công ty mẹ

Mã số thuế

Được cấp mã số đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp

Được cấp một mã số thuế độc lập

Nghĩa vụ nộp thuế TNDN

Được chuyển lợi nhuận trước thuế về công ty để nộp thuế TNDN

Không được chuyển lợi nhuận trước thuế về công ty mẹ và phải nộp thuế TNDN tại trụ sở công ty

Trách nhiệm của chủ sở hữu khi giải thể, phá sản

Doanh nghiệp chịu trách nhiệm toàn bộ

Công ty mẹ chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty con

 

Do vậy, căn cứ vào những phân tích trên, bạn nên cân nhắc kỹ mục đích mà doanh nghiệp của bạn đang hướng tới để đưa ra quyết định thành lập chi nhánh hay công ty con. Nếu như công ty bạn muốn đầu tư kiếm lời trong những lĩnh vực, ngành nghề mới mà không làm ảnh hưởng tới hoạt động và doanh thu của công ty mẹ thì bạn nên thành lập công ty con. Trong khi đó, nếu công ty bạn chỉ muốn mở rộng thị trường hoạt động tại một địa phương hoặc một quốc gia khác và chỉ hoạt động trong phạm vi các ngành nghề công ty đã đăng ký thì việc thành lập chi nhánh là thích hợp nhất.

 

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer