Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.
Ảnh minh họa: Internet
Hiện nay Luật Doanh nghiệp 2020 không quy định bắt buộc số vốn điều lệ tối thiểu đối với mỗi doanh nghiệp (trừ những ngành nghề kinh doanh có điều kiện phải đáp ứng vốn pháp định tối thiểu) mà chủ yếu do doanh nghiệp căn cứ trên khả năng , kinh nghiệm để quyết định số vốn điều lệ. Lợi dụng kẽ hở này, một số doanh nghiệp có xu hướng khai vốn điều lệ cao hơn so với khả năng thực tế để tạo niềm tin cho đối tác, ngân hàng. Vậy việc khai khống vốn điều lệ có phải là hành vi vi phạm pháp luật? Trường hợp đã trót khai khống vốn điều lệ có thể thay đổi hay góp lại được không?
Thứ nhất, kê khai khống vốn điều lệ có vi phạm pháp luật không?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 5 Điều 16 Luật Doanh nghiệp 2020 , kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị là một trong những hành vi bị nghiêm cấm và có thể bị xử phạt từ 20 triệu – 100 triệu đồng tùy theo giá trị vốn điều lệ khai khống (quy định tại Điều 47 Nghị định 122/2021/NĐ-CP)
"Điều 47. Vi phạm về kê khai vốn điều lệ
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị dưới 10 tỷ đồng.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 10 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng.
3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 20 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng.
4. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng.
5. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên."
Đồng thời, cá nhân, doanh nghiệp còn buộc đăng ký điều chỉnh vốn Điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn đã góp.
Thứ hai, trường hợp khai khống vốn điều lệ xử lý thế nào?
Việc góp vốn thành lập công ty đối với CT TNHH nói riêng và các loại hình doanh nghiệp khác nói chung được quy định tại Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020: “Thành viên phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp…”
Như vậy sau 90 ngày kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nếu các thành viên không góp đủ số vốn điều lệ như đăng ký trước đó, thì phải tiến hành thủ tục giảm vốn điều lệ.
Tham khảo: Giảm vốn điều lệ trong trường hợp cổ đông không góp đủ vốn
Thủ tục giảm vốn điều lệ của công ty cổ phần
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu còn vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com