Xin chào Luật Sao Việt, tôi là công nhân khu công nghiệp bị cắt giảm lao động. Tính cả tiền được hỗ trợ và tiền tiết kiệm tôi có tích được một số vốn nho nhỏ. Tôi dự định về quê mở 1 xe bánh mì, xôi, ngô luộc trước cổng trường tiểu học. Xin tôi hỏi, tôi kinh doanh bánh mì có cần xin giấy an toàn vệ sinh thực phẩm không?
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt, chúng tôi trả lời bạn như sau:
Thức ăn đường phố được pháp luật Việt Nam định nghĩa tại khoản 26 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm 2010 như sau “Thức ăn đường phố là thực phẩm được chế biến dùng để ăn, uống ngay, trong thực tế được thực hiện thông qua hình thức bán rong, bày bán trên đường phố, nơi công cộng hoặc những nơi tương tự.”
Kinh doanh quán ăn đường phố có nhiều hình thức khác nhau, bao gồm xe đẩy thức ăn, gian hàng di động hoặc quán nhỏ nằm bên lề đường. Kinh doanh thức ăn đường phố là hoạt động kinh doanh trong đó các doanh nhân hoặc người tự kinh doanh mở quán ăn hoặc gian hàng để bán đồ ăn và đồ uống trên các đường phố hoặc các vị trí công cộng tương tự trong một khu đô thị hoặc thành phố. Các quán ăn này thường phục vụ các món ăn như thức ăn nhanh, đặc sản địa phương, hoặc đồ ăn đa dạng khác.
=> Do đó việc bạn thực hiện kinh doanh xe bánh mì trước cổng trường học cũng được xem là kinh doanh thức ăn đường phố.
Về giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm là giấy phép bắt buộc phải có đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại Việt Nam như Nhà hàng, cơ sở sản xuất các loại thực phẩm, siêu thị,… Tuy nhiên theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn vệ sinh thực phẩm thì có một số trường hợp không phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm.
Điều 11 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định: “Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi hoạt động, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định này.”
Theo Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP:
“1. Các cơ sở sau đây không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm:
a) Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;
b) Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định;
c) Sơ chế nhỏ lẻ;
d) Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;
đ) Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn;
e) Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm;
g) Nhà hàng trong khách sạn;
h) Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm;
i) Kinh doanh thức ăn đường phố;
k) Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.
2. Các cơ sở quy định tại khoản 1 Điều này phải tuân thủ các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tương ứng.”
=> Như vậy, trong trường hợp của bạn, bán thức ăn đường phố hay cụ thể là kinh doanh xe đẩy bánh mì thuộc một trong những đối tượng không cần có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tuy nhiên, bạn cần phải tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của Luật an toàn thực phẩm 2010.
Tại Điều 31 Luật an toàn thực phẩm 2010 quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nơi bày bán thức ăn đường phố như sau:
“1. Phải cách biệt nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm.
2. Phải được bày bán trên bàn, giá, kệ, phương tiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan đường phố.”
Tại Điều 32 Luật an toàn thực phẩm 2010 quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu, dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm và người kinh doanh thức ăn đường phố như sau:
“1. Nguyên liệu để chế biến thức ăn đường phố phải bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
2. Dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm phải bảo đảm an toàn vệ sinh.
3. Bao gói và các vật liệu tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không được gây ô nhiễm và thôi nhiễm vào thực phẩm.
4. Có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, côn trùng và động vật gây hại.
5. Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh.
6. Tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành đối với người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.”
Như vậy, khi kinh doanh thức ăn đường phố bạn phải đáp ứng các quy định pháp luật về nơi bày bán thức ăn, nguyên liệu, dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm và người kinh doanh thức ăn đường phố và điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu, dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm và người kinh doanh thức ăn đường phố.
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Tp. Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com