Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 được Quốc hội thông qua với nhiều điểm đối mới và mang kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả hệ thống an sinh xã hội tại Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, quá trình xây dựng và thiết kế chính sách vẫn tồn tại một số khoảng trống pháp lý, kẽ hở trong quy định. Đây là những điểm nghẽn tiềm ẩn nguy cơ làm giảm hiệu lực thực thi, tạo ra sự bất bình đẳng trong thụ hưởng quyền lợi và ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào hệ thống bảo hiểm xã hội. Nếu không được nhận diện và điều chỉnh kịp thời, các bất cập này có thể cản trở việc hiện thực hóa các mục tiêu mà đạo luật hướng đến. Bài viết dưới đây sẽ tập trung phân tích một số khoảng trống pháp lý nổi bật trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024.

Kẽ hở

Kẽ hở trong chính sách rút bảo hiểm xã hội một lần theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đang đặt ra một bài toán khó về tính nhất quán và công bằng trong áp dụng pháp luật. Cụ thể, luật mới đã điều chỉnh theo hướng hạn chế tình trạng rút BHXH một lần bằng cách khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian tham gia để sau này đủ điều kiện hưởng lương hưu, điều này phù hợp với mục tiêu dài hạn là bảo đảm an sinh bền vững. Tuy nhiên, quy định chuyển tiếp lại cho phép những người đã tham gia BHXH trước ngày 1/7/2025 được tiếp tục rút BHXH một lần sau 12 tháng nghỉ việc nếu chưa đủ 20 năm đóng. Trong khi đó, những người bắt đầu tham gia sau thời điểm này lại bị siết chặt điều kiện. Việc tồn tại hai cơ chế song hành cho cùng một loại quyền lợi, chỉ khác nhau về thời điểm bắt đầu tham gia, dễ dẫn đến so bì, phản ứng tiêu cực vì cho rằng bị đối xử không công bằng. Ngoài ra, trong thực tiễn, việc áp dụng hai chế độ khác nhau cũng tạo ra lỗ hổng về động lực tuân thủ, khi một bộ phận người lao động trẻ có thể chủ động trì hoãn việc tham gia BHXH cho đến sau ngày 1/7/2025 nhằm giữ quyền được rút một lần theo quy định cũ. Điều này làm suy yếu đáng kể mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH toàn dân mà luật hướng đến.

Thiếu chế tài và thực thi

Thiếu chế tài và thực thi là một điểm nghẽn nghiêm trọng trong quá trình triển khai Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, dù luật đã có bước tiến đáng kể khi dành riêng một chương để quy định rõ ràng về quản lý thu, đóng BHXH, cũng như xử lý các hành vi chậm đóng, trốn đóng. Về mặt lập pháp, việc làm rõ nội hàm các hành vi vi phạm và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan thể hiện nỗ lực siết chặt kỷ cương pháp luật và nâng cao năng lực bảo vệ quyền lợi người lao động. Tuy nhiên, hiệu quả thực thi trên thực tế vẫn là một dấu hỏi lớn, bởi việc phát hiện và xử lý vi phạm vẫn phụ thuộc rất lớn vào lực lượng thanh tra lao động, vốn đang mỏng, thiếu nguồn lực và dàn trải. Điều này khiến cho các hành vi trốn đóng hoặc nợ đóng bảo hiểm xã hội, đặc biệt là ở các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, diễn ra âm thầm nhưng khó bị phát hiện hoặc xử lý kịp thời. 

Khoảng trống chính sách

Trợ cấp hưu trí xã hội theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 là loại hình bảo hiểm xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm, được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển một phần từ quy định về trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi. Cụ thể, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi mà không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đáp ứng đủ điều kiện thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Chính sách này của Luật Bảo hiểm xã hội mới đã thể hiện nỗ lực mở rộng mạng lưới an sinh xã hội đối với người cao tuổi. 

Tuy nhiên, chính sách này vẫn bộc lộ một khoảng trống pháp lý đáng kể về độ tuổi thụ hưởng. Cụ thể, trong khi công dân từ đủ 75 tuổi trở lên, nếu không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, sẽ được nhận trợ cấp hưu trí xã hội, thì nhóm người từ đủ 70 đến dưới 75 tuổi chỉ được thụ hưởng chế độ này nếu thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo và đáp ứng các điều kiện. Quy định này đã tạo ra một khoảng trống trong lưới an sinh đối với những người cao tuổi ở độ tuổi từ đủ 70 tuổi đến dưới 75, không có lương hưu và cũng không được xếp vào hộ nghèo hay cận nghèo. Họ bị loại khỏi phạm vi bao phủ của chính sách một cách không hợp lý, dù có thể vẫn đang ở trong tình trạng kinh tế khó khăn và không còn khả năng lao động. Cách thiết kế này không đảm bảo với nguyên tắc bình đẳng và bảo đảm tối thiểu trong an sinh xã hội, vốn được khẳng định trong Hiến pháp 2013. Hơn nữa, việc đặt ngưỡng hưởng ở tuổi 75 cũng không tương thích với thực tiễn tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay. Theo kết quả Điều tra Dân số và Nhà ở giữa kỳ năm 2024 của Tổng cục Thống kê, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay chỉ đạt 74,7 tuổi, trong đó nam giới là 72,3 tuổi và nữ giới là 77,3 tuổi. Điều này có nghĩa là một bộ phận đáng kể người cao tuổi, đặc biệt là nam giới, có nguy cơ không bao giờ tiếp cận được chế độ trợ cấp hưu trí xã hội. Khoảng trống pháp lý này không chỉ làm suy giảm hiệu quả chính sách mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của một bộ phận người dân dễ bị tổn thương nhất.

Gánh nặng tuân thủ

Gánh nặng tuân thủ là một thách thức pháp lý và thực tiễn đáng lưu ý khi triển khai Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024. Một trong những điểm mới của luật là mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó có cả người lao động làm việc không trọn thời gian, một bước tiến nhằm tăng mức độ bao phủ và tiếp cận an sinh xã hội theo hướng toàn dân. Tuy nhiên, chính sách này đồng thời làm gia tăng chi phí nhân công đối với doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế còn nhiều biến động. Việc phải đóng BHXH bắt buộc cho nhiều nhóm lao động hơn đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải gánh thêm chi phí ngoài lương, bao gồm các khoản đóng vào quỹ hưu trí, tai nạn lao động, thai sản, v.v. Đối với vấn đề này, rất có thể doanh nghiệp sẽ tìm cách “lách luật” bằng cách thay đổi hình thức sử dụng lao động. Một ví dụ thực tiễn thường gặp là doanh nghiệp không ký hợp đồng lao động chính thức mà chuyển sang hình thức thuê khoán miệng, hợp đồng ngắn hạn hoặc cộng tác viên tự do - vốn không thuộc diện phải đóng BHXH bắt buộc. Điều này không chỉ làm giảm hiệu lực thực thi chính sách mà còn trực tiếp phá vỡ mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân được đặt ra trong chiến lược dài hạn.

Nếu còn bất kỳ vướng mắc pháp lý nào trong quá trình thực hiện thủ tục, hãy liên hệ với Luật sư và Chuyên viên pháp lý của chúng tôi để được tư vấn, gỡ vướng kịp thời và cung cấp các dịch vụ pháp lý hiệu quả.

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -   

"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"      

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Tp. Hà Nội 

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer