Gói thầu di dời công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc một trong các trường hợp được áp dụng hình thức chỉ định thầu được quy định tại Điều 22 Luật Đấu thầu. Vậy chỉ định thầu di dời công trình hạ tầng kỹ thuật cần lưu ý những gì? Có thể chỉ định thầu cho đơn vì không trực tiếp quản lý công trình hay không?
Ảnh minh họa: Internet
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Chỉ định thầu di dời công trình hạ tầng kỹ thuật được quy định tạị điểm đ khoản 1 Điều 22 Luật đấu thầu 2013, cụ thể áp dụng với “Gói thầu di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật do một đơn vị chuyên ngành trực tiếp quản lý để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng”
* Các công trình hạ tầng kỹ thuật gồm công trình giao thông, thông tin liên lạc, cung cấp năng lượng, chiếu sáng công cộng, cấp nước, thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn, nghĩa trang và công trình khác.
Đồng thời theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 55 Nghị định 63/2014/NĐ-CP:
“Nhà thầu được xác định để nhận hồ sơ yêu cầu khi có tư cách hợp lệ theo quy định tại các Điểm a, b, c, d, e và h Khoản 1 Điều 5 của Luật Đấu thầu và có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện gói thầu.”
Dẫn chiếu đến quy định tại Khoản 1 Điều 5 Luật đấu thầu:
“Nhà thầu, nhà đầu tư là tổ chức có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Có đăng ký thành lập, hoạt động do cơ quan có thẩm quyền của nước mà nhà thầu, nhà đầu tư đang hoạt động cấp;
b) Hạch toán tài chính độc lập;
c) Không đang trong quá trình giải thể; không bị kết luận đang lâm vào tình trạng phá sản hoặc nợ không có khả năng chi trả theo quy định của pháp luật;
d) Đã đăng ký trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;
đ) Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu theo quy định tại Điều 6 của Luật này;
e) Không đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu;
g) Có tên trong danh sách ngắn đối với trường hợp đã lựa chọn được danh sách ngắn;
h) Phải liên danh với nhà thầu trong nước hoặc sử dụng nhà thầu phụ trong nước đối với nhà thầu nước ngoài khi tham dự thầu quốc tế tại Việt Nam, trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ phần công việc nào của gói thầu.”
Từ những quy định trên có thể thấy hình thức chỉ định thầu được áp dụng đối với gói thầu di dời công trình hạ tầng kỹ thuật nếu đáp ứng đồng thời hai điều kiện:
Điều kiện 1: Chỉ được chỉ định thầu cho đơn vị chuyên ngành trực tiếp quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật
Điều này xuất phát từ 2 lý do: Một là, đặc điểm của hình thức chỉ định thầu: bên mời thầu sẽ trực tiếp chọn nhà thầu thực hiên mà không cần trải qua giai đoạn đấu thầu. Hai là chỉ có đơn vị chuyên ngành trực tiếp quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật mới lưu giữ hồ sơ tài liệu kỹ thuật liên quan đến công trình, và có đầy đủ các thông tin, do đó việc lựa chọn giao cho đơn vị này thực hiện là phương án tối ưu nhất, vừa tiết kiệm được thời gian, vừa đạt hiệu quả cao trong công tác đấu nối, hậu di dời các công trình hạ tầng.
Điều kiện 2: Đơn vị chuyên ngành trực tiếp quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật phải có tư cách hợp lệ và đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm thực hiện gói thầu.