Bí mật thông tin khách hàng là một trong những nguyên tắc quan trọng hàng đầu trong kinh doanh mà các doanh nghiệp cần tuân thủ, đặc biệt là đối với các ngân hàng. Tuy nhiên, khi câu chuyện sao kê ngân hàng được nhắc nhiều trên mạng xã hội, vấn đề xử lý đối với nhân viên ngân hàng làm lộ thông tin tài khoản của khách lại càng được quan tâm nhiều hơn.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
- Những trường hợp ngân hàng được phép cung cấp thông tin khách hàng
Vấn đề bảo mật thông tin khách hàng được quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 117/2018/NĐ-CP như sau: “TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin xác thực khách hàng khi truy cập các dịch vụ ngân hàng bao gồm mã khóa bí mật, dữ liệu sinh trắc học, mật khẩu truy cập của khách hàng, thông tin xác thực khách hàng khác cho bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào, trừ trường hợp được sự chấp thuận của khách hàng đó bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác theo thỏa thuận với khách hàng đó”.
Tuy nhiên, không bảo mật thông tin khách hàng chặt chẽ như những ngân hàng nước ngoài (Thụy Sỹ, Đức, Singapore,…). Ở Việt Nam, có rất nhiều cơ quan có quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin thông tin tài khoản ngân hàng của người dân như: Cơ quan công an, Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan thi hành án, Cơ quan thuế, … được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án dân sự, Luật Quản lý thuế…
Ví dụ:
- Điểm e Khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định điều tra viên được quyền: “Thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khấn cấp, lệnh hoặc quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam, khám xét, thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, xử lý vật chứng...”.
- Điểm b Khoản 6 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định “... ngân hàng, tổ chức tín dụng khác... đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án có trách nhiệm cung cấp thông tin vể điều kiện thi hành án của người phải thi hành án...”.
- Tại Khoản 2 Điều 30 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp các thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế.
Tuy nhiên có thể thấy, các cơ quan này chỉ được yêu cầu Ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản khách hàng để thực hiện những mục đích như điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, kiểm toán, thanh tra hoặc thu thuế.
- Hình thức xử lý đối với trường hợp làm lộ thông tin khách hàng
a) Bị đuổi việc
Các ngân hàng đều có những quy định về vấn đề bảo mật thông tin khách hàng và có các hình thức xử lý kỷ luật đối với những nhân viên vi phạm, trong đó chủ yếu là hình thức sa thải và bồi thường thiệt hại nếu có.
b) Xử phạt vi phạm hành chính
Theo quy định tại Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, hành vi làm lộ, cung cấp thông tin khách hàng không đúng mục đích theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng theo Khoản 4 Điều 47:
“4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
…
b) Cung cấp những thông tin có liên quan đến hoạt động của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không đúng quy định của pháp luật;
…d) Làm lộ, sử dụng thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không đúng mục đích theo quy định của pháp luật.”
c) Xử lý hình sự:
Bộ luật hình sự năm 2015 cũng đã có quy định rõ ràng về hành vi thu thập, tàng trữ, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng quy định tại Điều 291, cụ thể:
“1. Người nào thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 20 tài khoản đến dưới 50 tài khoản hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
…”
Mức phạt cao nhất đối với tội danh này lên đến 7 năm tù, ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.