1, Khái niệm
+ Doanh nghiệp chế xuất là doanh nghiệp thực hiện hoạt động chế xuất trong khu chế xuất, khu công nghiệp và khu kinh tế.
+ Hoạt động chế xuất là hoạt động chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, cung ứng dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu.
Như vậy, doanh nghiệp chế xuất được hiểu là các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, cung ứng dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu. Phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp này tập trung chủ yếu trong khu chế xuất, khu công nghiệp và khu kinh tế
(khoản 20 và 21 Điều 2 Nghị định 35/2022/NĐ-CP)
2, Doanh nghiệp chế xuất có được bán hàng vào nội địa không?
Câu trả lời là Có. Điều này được quy định rõ tại khoản 11 Điều 26 Nghị định 35/2022/NĐ-CP, theo đó “Doanh nghiệp chế xuất được bán hàng hóa vào thị trường nội địa. Hàng hóa nhập khẩu từ doanh nghiệp chế xuất, khu chế xuất vào thị trường trong nước thuộc đối tượng chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.”
Việc bán hàng hóa vào nội địa (ngoài khu phi thuế quan) của doanh nghiệp chế xuất được xác định là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu trừ các trường hợp Doanh nghiệp chế xuất bán, thanh lý vào thị trường nội địa tài sản đã qua sử dụng và các hàng hóa theo quy định của pháp luật về đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Tại thời điểm bán, thanh lý vào thị trường nội địa không áp dụng chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trừ trường hợp hàng hóa thuộc diện quản lý theo điều kiện, tiêu chuẩn, kiểm tra chuyên ngành chưa thực hiện khi nhập khẩu; hàng hóa quản lý bằng giấy phép thì phải được cơ quan cấp phép nhập khẩu đồng ý bằng văn bản.
Do đó, doanh nghiệp chế xuất bán hàng vào nội địa mà không phải là hàng hóa thanh lý, tài sản đã qua sử dụng (hoặc những mặt hàng khác theo quy định) thì việc mua bán này được xem là quan hệ xuất khẩu - nhập khẩu.
3. Quy định về việc xuất hóa đơn đối với Doanh nghiệp chế xuất bán hàng vào nội địa
Nguyên tắc khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, đó là người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua. Lưu ý, Việc lập hóa đơn này bao gồm cả:
+ Trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất);
+ Trường hợp xuất hàng hoá dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hoá
(khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP).
Khi đó, hóa đơn phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định về nội dung hóa đơn, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định.
Như vậy, doanh nghiệp chế xuất bán hàng vào nội địa cũng thuộc diện bắt buộc phải lập hóa đơn bán hàng theo quy định nêu trên. Điều này được quy định cụ thể tại điểm b khoản 2 Điều 8 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, theo đó các tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan bao gồm doanh nghiệp chế xuất khi bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ vào thị trường nội địa thì sử dụng loại hóa đơn là hóa đơn bán hàng.
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com