Việc công chức, viên chức tham gia hoạt động kinh doanh vốn là vấn đề pháp lý nhạy cảm, gắn liền với yêu cầu về minh bạch, phòng chống xung đột lợi ích và bảo đảm kỷ luật trong khu vực công. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế số và yêu cầu thương mại hóa kết quả nghiên cứu, Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2025 đã mở ra cơ chế ngoại lệ có kiểm soát, cho phép công chức, viên chức được tham gia góp vốn, thành lập và quản lý doanh nghiệp. Vậy cụ thể quyền của công chức, viên chức theo quy định mới này như thế nào? Tham khảo ngay bài viết dưới đây của Luật Sao Việt để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Ảnh minh họa (nguồn:internet)
1. Những thay đổi về quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp của công chức, viên chức
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, công chức, viên chức là những đối tượng bị hạn chế nghiêm ngặt trong việc tham gia các hoạt động kinh doanh. Cụ thể, khoản 2 và khoản 3 Điều 17 quy định: Công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam. Đồng thời, những đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng, cũng sẽ không có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh. Mục tiêu của quy định này là để bảo đảm tính liêm chính, tránh xung đột lợi ích và giữ gìn đạo đức công vụ trong bộ máy nhà nước.
Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2025 đã thể hiện sự điều chỉnh trong tư duy quản lý của Nhà nước theo hướng cởi mở, linh hoạt hơn, nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ, góp phần tạo ra những đột phá cho nền kinh tế quốc gia. Theo đó, dù nguyên tắc hạn chế quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp, quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vẫn được giữ nguyên, nhưng đã ghi nhận bổ sung trường hợp ngoại lệ, cụ thể: Thứ nhất, về quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp. Công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sẽ không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam, trừ trường hợp được thực hiện theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (điểm a Khoản 6 Điều 1). Thứ hai, về C. Đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và Luật Phòng, chống tham nhũng sẽ không có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, trừ trường hợp được thực hiện theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (điểm c Khoản 6 Điều 1). Như vậy, luật đã thiết lập một cơ chế ngoại lệ có điều kiện, cho phép những trường hợp thực hiện theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, thì công chức, viên chức được quyền thành lập, quản lý doanh nghiệp và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.
Câu hỏi đặt ra là: Vậy, “thực hiện theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” là như thế nào? Và quyền của công chức, viên chức trong trường hợp này cụ thể ra sao?
2. Cơ chế ngoại lệ thực hiện theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
Quy định mang tính ngoại lệ nói trên đã được luật hóa và hướng dẫn cụ thể tại Nghị quyết số 193/2025/QH15 và Nghị định 88/2025/NĐ-CP. Đây là các văn bản pháp lý nền tảng để hiện thực hóa chủ trương khuyến khích phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, nhưng đồng thời vẫn đảm bảo nguyên tắc kiểm soát quyền lực trong khu vực công. Cụ thể, theo Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 193/2025/QH15 và Điều 4 Nghị định 88/2025/NĐ-CP, quyền của công chức, viên chức trong trường hợp này được quy định như sau:
Về đối tượng và quyền tương ứng
Theo Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 193/2025/QH15, viên chức, viên chức quản lý làm việc tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập được tham gia góp vốn, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, làm việc tại doanh nghiệp do tổ chức đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do tổ chức đó tạo ra.
Về điều kiện
Điều kiện tiên quyết để thực hiện quyền này là phải có sự đồng ý của người đứng đầu tổ chức. Trường hợp viên chức quản lý là người đứng đầu tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập thì phải được sự đồng ý của cấp trên quản lý trực tiếp. Quy định này thể hiện định hướng mở có chọn lọc, cho phép chuyển giao năng lực khoa học vào hoạt động thị trường nhưng vẫn duy trì kỷ cương hành chính và bảo đảm trách nhiệm công vụ.
Về phương thức thực hiện
Theo Điều 4 Nghị định 88/2025/NĐ-CP, viên chức, viên chức quản lý tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, làm việc tại doanh nghiệp do tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập thành lập thực hiện như sau:
- Khi có nhu cầu: Trường hợp có nhu cầu tham gia quản lý, điều hành, làm việc tại doanh nghiệp do tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập thành lập hoặc tham gia thành lập, viên chức, viên chức quản lý phải có đơn xin phép và được sự đồng ý của người đứng đầu tổ chức, cơ sở quản lý viên chức.
- Khi được “cử”: Người đứng đầu tổ chức, cơ sở quản lý viên chức có thể ra quyết định cử viên chức, viên chức quản lý tham gia điều hành, quản lý hoặc làm việc tại doanh nghiệp do tổ chức, cơ sở đó thành lập hoặc tham gia thành lập. Khi đó, Quyết định cử viên chức phải quy định rõ: Thời gian, hình thức (kiêm nhiệm, biệt phái, điều động, đại diện phần vốn góp); Đơn vị chi trả lương, thưởng, phụ cấp; Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của viên chức đối với tổ chức, cơ sở cử viên chức và đối với doanh nghiệp mà viên chức, viên chức quản lý tham gia quản lý, điều hành, làm việc.
Về quyền, nghĩa vụ của viên chức, viên chức quản lý khi tham gia quản lý, điều hành, làm việc tại doanh nghiệp
Bên cạnh cơ chế cho phép tham gia, Nghị định cũng đảm bảo đầy đủ các quyền lợi và nghĩa vụ của viên chức, viên chức quản lý trong quá trình làm việc tại doanh nghiệp. Theo quy định, họ được trả lương, thưởng và các phụ cấp bảo đảm không thấp hơn mức hiện hưởng của viên chức, viên chức quản lý. Ngoài ra, quyền lợi về đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, nâng lương, đánh giá xếp loại, khen thưởng, kỷ luật vẫn được tổ chức, cơ sở cử tham gia quản lý, điều hành, làm việc và doanh nghiệp nơi viên chức làm việc bảo đảm đầy đủ quyền lợi.
Đồng thời, khi hết thời hạn cử làm quản lý, điều hành, làm việc tại doanh nghiệp, viên chức phải được bố trí công việc phù hợp, bảo đảm chế độ, chính sách không thấp hơn thời điểm viên chức, viên chức quản lý được cử tham gia quản lý, điều hành, làm việc tại doanh nghiệp. Điều này khẳng định tính liên tục và bảo vệ sự nghiệp công vụ, đồng thời khuyến khích các nhà khoa học, giảng viên đại học yên tâm đưa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.
Song song đó, viên chức cũng có nghĩa vụ tuân thủ đầy đủ đầy đủ nội quy, quy chế của doanh nghiệp nơi làm việc, và nghĩa vụ của viên chức theo quy định của pháp luật về viên chức, pháp luật doanh nghiệp trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm được giao.
Nếu còn bất kỳ vướng mắc pháp lý nào liên quan, hãy liên hệ với Luật sư và Chuyên viên pháp lý của chúng tôi để được tư vấn, gỡ vướng kịp thời và cung cấp các dịch vụ pháp lý hiệu quả.
Liên hệ ngay để được Luật sư, Chuyên viên pháp lý hỗ trợ kịp thời:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com