Vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1845/QĐ-BCT về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành và sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Một điểm nổi bật là lần đầu tiên, thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu VI được chính thức bổ sung vào danh mục thủ tục hành chính áp dụng tại cả cấp trung ương và địa phương. Đồng thời, có tới 35 thủ tục hành chính liên quan đến cấp C/O theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) được sửa đổi và cập nhật.

Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, Quyết định này còn mang tính thời sự đặc biệt khi được ban hành trong bối cảnh Việt Nam và Hoa Kỳ vừa đạt Thỏa thuận thuế quan năm 2025 mà trong đó, vấn đề quản lý chặt xuất xứ hàng hóa và phòng chống gian lận thương mại trở thành tâm điểm. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải thích ứng nhanh với hệ thống thủ tục hành chính mới, đặc biệt liên quan đến xuất xứ hàng hóa, là yếu tố then chốt trong thương mại quốc tế hiện đại.

Ảnh minh họa (nguồn:internet)

Quyết định 1845/QĐ-BCT: Bổ sung thủ tục mới và cập nhật danh mục cấp ℅ được sửa đổi, bổ sung

Thêm mới thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu VI

Theo nội dung công bố kèm Quyết định 1845/QĐ-BCT, thủ tục hành chính mới được bổ sung là cấp C/O mẫu VI, đây là mẫu chứng nhận áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Israel, trên cơ sở Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA). Mặc dù việc cấp C/O nói chung đã được quy định từ trước tại Luật Quản lý ngoại thương 2017 và Nghị định số 31/2018/NĐ-CP, tuy nhiên đây là lần đầu tiên mẫu VI được đưa vào và công bố như một thủ tục hành chính độc lập, có mã số, thời gian giải quyết, cơ quan cấp và quy trình riêng biệt. Việc bổ sung này phù hợp với nguyên tắc của cải cách thủ tục hành chính, trong đó mỗi loại C/O gắn với từng hiệp định thương mại phải được chuẩn hóa và công bố cụ thể.

Sửa đổi, cập nhật 35 thủ tục hành chính cấp C/O hiện hành

Bên cạnh mẫu VI, Bộ Công Thương cũng tiến hành sửa đổi và cập nhật đồng bộ 35 thủ tục cấp C/O ưu đãi khác, áp dụng theo các FTA lớn như: Mẫu D (ATIGA – ASEAN), Mẫu E (ASEAN – Trung Quốc), Mẫu AK (ASEAN – Hàn Quốc), CPTPP, RCEP, EUR.1, và các mẫu đặc thù như ICO (đối với hàng cà phê xuất khẩu)…Các điều chỉnh không chỉ cập nhật quy định pháp lý mới (như Thông tư 40/2025/TT-BCT), mà còn chuẩn hóa quy trình xử lý, yêu cầu hồ sơ, thời hạn giải quyết và hình thức tiếp nhận. Trong đó, thủ tục đều được số hóa và thực hiện qua hệ thống eCoSys.

Những thay đổi này không chỉ có giá trị cập nhật hành chính, mà còn giúp tăng tính minh bạch và tính thống nhất trong áp dụng pháp luật. Từ đó làm cơ sở để giám sát thực thi, xử lý vi phạm trong cấp và sử dụng C/O, đáp ứng yêu cầu quản lý trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang dịch chuyển theo hướng siết chặt tiêu chuẩn xuất xứ, đặc biệt từ các đối tác lớn như Hoa Kỳ.

Khi nào doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O)?

Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) không phải là loại chứng từ bắt buộc trong mọi trường hợp xuất khẩu, tuy nhiên trong thực tế thương mại quốc tế hiện đại, việc cấp và sử dụng C/O đã trở thành nhu cầu thiết yếu, đặc biệt đối với các doanh nghiệp xuất khẩu muốn tối ưu chi phí thuế quan, gia tăng uy tín thương mại và hạn chế rủi ro pháp lý.

- Trường hợp bắt buộc hoặc theo yêu cầu của nước nhập khẩu: Doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục cấp C/O khi nước nhập khẩu yêu cầu phải có C/O để được thông quan, đặc biệt với các nước có quy định kiểm soát chặt về xuất xứ như Hoa Kỳ, EU…Cơ quan hải quan nước nhập khẩu yêu cầu chứng minh xuất xứ để xác định hàng hóa có được hưởng ưu đãi thuế quan theo hiệp định thương mại tự do hay không. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp (như chống lẩn tránh, chống bán phá giá) doanh nghiệp cần C/O để tự bảo vệ mình và chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa.

- Trường hợp doanh nghiệp chủ động đề nghị để hưởng ưu đãi thuế quan: Khi doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang các nước mà Việt Nam có ký kết FTA, việc xin cấp C/O giúp hàng hóa được hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, thường thấp hơn nhiều so với mức MFN hoặc thông thường. Miễn giảm kiểm tra kỹ thuật, kiểm dịch, hoặc ưu tiên thông quan tại một số thị trường. 

- Tăng sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại từ nước khác, đặc biệt tại thị trường có biện pháp bảo hộ. Trong bối cảnh hiện nay, gần như mọi doanh nghiệp xuất khẩu nghiêm túc đều phải thực hiện thủ tục cấp C/O, không chỉ để hưởng lợi về thuế quan mà còn để xây dựng hồ sơ tuân thủ minh bạch trong dài hạn, đáp ứng kỳ vọng của đối tác và cơ quan quản lý nước ngoài.

Ý nghĩa và vai trò của Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O)

Trong thương mại quốc tế hiện đại, Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) không đơn thuần là một loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, mà còn là chìa khóa để tiếp cận thị trường, tối ưu chi phí và giảm thiểu rủi ro pháp lý. Vai trò của C/O ngày càng trở nên quan trọng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các đối tác lớn như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, và khối RCEP.

- C/O là căn cứ pháp lý để hưởng ưu đãi thuế quan: Theo quy định tại các FTA, để hàng hóa được hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, doanh nghiệp bắt buộc phải chứng minh được xuất xứ hợp lệ thông qua C/O (do cơ quan có thẩm quyền cấp). Việc sở hữu C/O hợp lệ giúp doanh nghiệp: Giảm đáng kể chi phí thuế nhập khẩu tại nước nhập khẩu; Nâng cao lợi thế cạnh tranh về giá so với hàng hóa không có C/O. 

- C/O là công cụ bảo vệ doanh nghiệp trước các rào cản thương mại: Trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng, nhiều quốc gia, đặc biệt là Hoa Kỳ đã áp dụng các biện pháp điều tra và trừng phạt thương mại nhằm vào hàng hóa bị nghi ngờ chuyển tải bất hợp pháp hoặc gian lận xuất xứ. Việc có C/O hợp lệ, được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền và tuân thủ đúng quy tắc xuất xứ, sẽ: Chứng minh tính hợp pháp của chuỗi cung ứng; Tránh nguy cơ bị áp thuế chống lẩn tránh, chống bán phá giá hoặc bị từ chối thông quan; Bảo vệ hình ảnh doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia trong mắt đối tác quốc tế.

C/O không chỉ là công cụ thuế quan, mà còn được coi là một yếu tố đánh giá mức độ tuân thủ pháp lý và tính minh bạch trong hoạt động sản xuất - xuất khẩu. Đối với các nhà nhập khẩu lớn, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia hoặc siêu thị lớn tại EU, Mỹ, Nhật Bản, việc yêu cầu doanh nghiệp cung cấp C/O là một phần không thể thiếu trong quy trình kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc và tuân thủ đạo đức kinh doanh. Trong nhiều trường hợp, việc không có C/O không chỉ gây mất ưu đãi thuế mà còn đồng nghĩa với việc bị loại khỏi chuỗi cung ứng quốc tế. Việc thường xuyên thực hiện thủ tục xin cấp C/O sẽ buộc doanh nghiệp phải kiểm soát tốt tỷ lệ nội địa hóa, nguyên liệu nhập khẩu, và công đoạn sản xuất. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống hồ sơ minh bạch, phù hợp với các quy tắc xuất xứ cụ thể.

Khuyến nghị đối với doanh nghiệp

Việc Bộ Công Thương công bố thủ tục hành chính mới về cấp C/O mẫu VI và đồng thời sửa đổi, chuẩn hóa 35 thủ tục hành chính liên quan đến cấp C/O hiện hành theo Quyết định 1845/QĐ-BCT là một bước đi quan trọng trong lộ trình hoàn thiện hệ thống pháp lý về xuất xứ hàng hóa, bảo đảm tính đồng bộ, minh bạch và tuân thủ cam kết quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên, để những cải cách này thực sự phát huy hiệu quả và không trở thành rào cản kỹ thuật mới, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động hơn trong việc nâng cao năng lực quản trị xuất xứ và tuân thủ pháp lý. Dưới góc nhìn pháp lý, sau đây là một số khuyến nghị đối với doanh nghiệp:

- Cập nhật và rà soát toàn bộ quy trình xuất khẩu: Chủ động rà soát danh mục C/O đang sử dụng, kiểm tra mẫu mới (ví dụ: mẫu VI với thị trường Israel); Nắm rõ điều kiện, hồ sơ, quy trình theo quy định mới; Cập nhật danh sách cơ quan cấp C/O mới tại địa phương (nếu được phân quyền theo Nghị định 146/2025/NĐ-CP sau sáp nhập chính quyền địa phương 2 cấp).

- Quản lý chặt chẽ hồ sơ chứng minh xuất xứ: Lưu trữ đầy đủ hóa đơn, hợp đồng, chứng từ nguyên liệu đầu vào; Xác định định mức, tỷ lệ nội địa hóa rõ ràng; Thường xuyên tự rà soát rủi ro liên quan đến gian lận xuất xứ, đặc biệt khi sử dụng nguyên liệu từ nước thứ ba như Trung Quốc.

- Theo dõi định kỳ cập nhật pháp luật C/O và FTA; Tổ chức đào tạo nội bộ, kết hợp với các chương trình hướng dẫn từ Bộ Công Thương, hiệp hội ngành hàng hoặc đơn vị tư vấn pháp lý.

- Lập bộ tiêu chuẩn nội bộ về chứng minh xuất xứ phù hợp từng thị trường.

Thủ tục cấp C/O trong bối cảnh quan hệ thương mại Việt - Mỹ hậu thỏa thuận thuế quan 2025 

Tháng 6/2025, Việt Nam và Hoa Kỳ ký kết Thỏa thuận thuế mới, theo đó thỏa thuận quy định Mỹ sẽ áp thuế 20% (thay vì 46% như đe dọa ban đầu) đối với hàng xuất khẩu Việt Nam và 40% đối với hàng trung chuyển; ngược lại Việt Nam miễn thuế nhập khẩu hoàn toàn cho hàng hóa Mỹ. Nội dung thỏa thuận này cho thấy sự tăng cường biện pháp giám sát nguồn gốc hàng hóa để ngăn chặn gian lận xuất xứ và hành vi chuyển tải bất hợp pháp - vấn đề đã nhiều lần khiến các doanh nghiệp Việt đối mặt nguy cơ bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc thậm chí bị cấm nhập khẩu. 

Trong bối cảnh này, việc Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1845/QĐ-BCT bổ sung thủ tục hành chính cấp C/O mẫu mới, đồng thời sửa đổi, chuẩn hóa 35 thủ tục hiện hành, không chỉ mang ý nghĩa kỹ thuật hay cải cách hành chính đơn thuần, mà còn là một động thái chính sách quan trọng nhằm thể hiện cam kết minh bạch và kiểm soát chặt nguồn gốc xuất xứ. Trấn an các đối tác thương mại, đặc biệt là Mỹ, về năng lực thực thi quy tắc xuất xứ của Việt Nam. Trong bối cảnh này, C/O trở thành tuyến phòng thủ đầu tiên của doanh nghiệp để tránh bị coi là đối tượng chuyển tải bất hợp pháp.

Việt Nam chủ động bảo vệ doanh nghiệp xuất khẩu và củng cố uy tín thương mại, trong đó, việc chuẩn hóa thủ tục cấp C/O là một phần trong chiến lược thương mại phòng vệ chủ động của Việt Nam. 

Nếu còn bất kỳ vướng mắc nào liên quan, hãy liên hệ với Luật sư và Chuyên viên pháp lý của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời và hiệu quả.

Liên hệ ngay để được Luật sư, Chuyên viên pháp lý hỗ trợ kịp thời:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer