Công ty tôi kinh doanh dược mỹ phẩm. Những năm gần đây, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty rất phát triển, thu được nhiều lợi nhuận. Vì vậy ban lãnh đạo công ty dự định sẽ thành lập quỹ tài trợ mổ tim cho tất cả các em nhỏ bị bệnh tim bẩm sinh trong cả nước, hằng năm công ty sẽ trích 20% lợi nhuận ra dể duy trì hoạt động của quỹ. Xin hỏi nếu vậy, chúng tôi cần phải chuẩn bị các giấy tờ và những thủ tục gì để thành lập quỹ ạ?

Trả lời:

Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về điều kiện thành lập quỹ từ thiện của doanh nghiệp:

Căn cứ quy định tại Điều 11 Nghị định 93/2019/NĐ-CP, điều kiện thành lập quỹ của tổ chức như sau:

+ Về tư cách pháp lý: Tổ chức được thành lập hợp pháp, có điều lệ hoặc văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ của tổ chức;

+ Có nghị quyết của tập thể lãnh đạo hoặc quyết định của người đứng đầu có thẩm quyền về việc tham gia thành lập quỹ;

+ Có quyết định cử người đại diện của tổ chức tham gia tư cách sáng lập viên thành lập quỹ;

+ Trường hợp tổ chức Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài thì người đại diện tổ chức làm sáng lập viên thành lập quỹ phải là công dân Việt Nam

Đồng thời, căn cứ Điều 10 Nghị định 93/2019/NĐ-CP quy định về các điều kiện cấp giấy phép thành lập quỹ như sau:

- Có mục đích hoạt động theo quy định: Quỹ được tổ chức và hoạt động nhằm mục đích hỗ trợ, khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học, công nghệ, cộng đồng và từ thiện, nhân đạo, không vì mục tiêu lợi nhuận.

- Có sáng lập viên thành lập quỹ theo quy định theo Điều 11 Nghị định 93/2019/NĐ-CP đồng thời các sáng lập viên thành lập Ban sáng lập quỹ. Ban sáng lập quỹ phải có ít nhất 03 sáng lập viên, gồm: Trưởng ban, Phó Trưởng ban và ủy viên.

-  Ban sáng lập quỹ có đủ số tài sản đóng góp để thành lập quỹ theo quy định.

Như vậy, nếu doanh nghiệp của bạn thỏa mãn các điều  kiện trên thì hoàn toàn có thể thực hiện việc nộp hồ sơ đăng kí cấp giấy phép thành lập quỹ từ thiện.

Thứ hai, thủ tục thành lập quỹ từ thiện của doanh nghiệp

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:

Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 93/2019/NĐ-CP thì hồ sơ thành lập bao gồm:

+ Đơn đề nghị thành lập quỹ;

+ Dự thảo điều lệ quỹ;

+ Bản cam kết đóng góp tài sản thành lập quỹ của các sáng lập viên, tài liệu chứng minh tài sản đóng góp để thành lập quỹ theo quy định;

+ Sơ yếu lý lịch, phiếu lý lịch tư pháp của các thành viên Ban sáng lập quỹ và các tài liệu. Sáng lập viên thuộc diện quản lý của cơ quan có thẩm quyền theo quy định thì có văn bản đồng ý của cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ;

+ Văn bản bầu các chức danh Ban sáng lập quỹ;

+ Văn bản xác nhận nơi dự kiến đặt trụ sở của quỹ.

Bước 2: Nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền giải quyết:

Nếu như bạn đã chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ này thì bạn gửi một bộ đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết về thủ tục thành lập quỹ theo quy định tại Điều 18, cụ thể:

Bộ trưởng Bộ Nội vụ có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ; cho phép hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, đổi tên quỹ; đình chỉ có thời hạn hoạt động; cho phép quỹ hoạt động trở lại sau khi bị đình chỉ có thời hạn; công nhận quỹ đủ điều kiện hoạt động; công nhận thành viên Hội đồng quản lý quỹ; cho phép thay đổi hoặc cấp lại giấy phép thành lập; mở rộng phạm vi hoạt động và kiện toàn, chuyển đổi quỹ; thu hồi giấy phép thành lập, đối với:

a) Quỹ có phạm vi hoạt động toàn quốc hoặc liên tỉnh;

b) Quỹ có tổ chức, cá nhân nước ngoài góp tài sản với công dân, tổ chức Việt Nam để thành lập, hoạt động trong phạm vi tỉnh.

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền:

a) Cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ; cho phép hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, đổi tên; đình chỉ có thời hạn hoạt động; cho phép quỹ hoạt động trở lại sau khi bị đình chỉ có thời hạn; mở rộng phạm vi hoạt động và kiện toàn, chuyển đổi quỹ; công nhận quỹ đủ điều kiện hoạt động; công nhận thành viên Hội đồng quản lý quỹ; cho phép thay đổi hoặc cấp lại giấy phép thành lập; thu hồi giấy phép thành lập đối với quỹ có phạm vi hoạt động trong tỉnh;

b) Quỹ có tổ chức, cá nhân nước ngoài góp tài sản với công dân, tổ chức Việt Nam để thành lập, hoạt động trong phạm vi huyện, xã.”

Theo đó, tùy theo phạm vi hoạt động của Qũy và cá nhân đóng góp tài sản để Doanh nghiệp của bạn tiến hành gửi hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền.

 

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer