"Đừng đánh đổi lợi ích quốc gia và phải làm rõ có hay không việc bao che cho sai phạm khi kết quả khám sức khoẻ bị "nhân bản". Đề nghị Bộ GTVT làm rõ, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì gửi sang cơ quan công an điều tra", đó là ý kiến của nguyên ĐBQH Lê Văn Cuông.

Vụ việc hơn 600 phiếu siêu âm của phi công, tiếp viên bị "nhân bản" được Cục Hàng không Việt Nam cho "làm lại", bất chấp những sai phạm, lỗ hổng xảy ra trong quy trình Giám định sức khỏe cho nhân viên hàng không đang gây bức xúc dư luận.

Cụ thể, có đến 154 hồ sơ sức khỏe phi công giám định sức khỏe lần đầu và 470 hồ sơ sức khỏe tiếp viên khám tuyển có phiếu siêu âm tim "nhân bản". Ngày 13/3/2020, Hội đồng đánh giá kết quả giám định sức khỏe nhân viên hàng không đã họp và ban hành biên bản số 198/2020/HĐĐG-CHK, Hội đồng đã xác nhận sự việc "phiếu siêu âm tim có các chỉ số giống nhau".

Sau đó, Hội đồng đã đề nghị bác sỹ Đặng Thân – Chủ tịch Hội đồng báo cáo với Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam để xin ý kiến chỉ đạo xử lý.

154 phiếu siêu âm tim của phi công giống nhau đến từng con số, như thể được photocopy từ một bản, chỉ "gắn thêm" tên phi công siêu âm vào.

Đáng chú ý, vụ việc vẫn đang trong quá trình xử lý thì đến hết tháng 3/2020, bác sỹ Đặng Thân nghỉ hưu và sau đó người thay thế vị trí Chủ tịch Hội đồng đánh giá kết quả Giám định sức khỏe nhân viên hàng không chính là Giám đốc Trung tâm Y tế hàng không – nơi để xảy ra việc "nhân bản" phiếu siêu âm tim phi công, tiếp viên hàng không.

Việc bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm Y tế hàng không thay thế vị trí Chủ tịch Hội đồng đánh giá kết quả Giám định sức khỏe nhân viên hàng không gây ra nhiều tranh cãi và bức xúc.

Về trách nhiệm của các bên liên quan, trao đổi với PV Dân Việt, nguyên ĐBQH Lê Văn Cuông cho rằng: "An toàn hàng không là vấn đề lớn đối với ngành hàng không và kinh tế, chính trị, đối ngoại của Quốc gia, vì vậy, bất kỳ một hành động nào xâm phạm tới vấn đề an toàn an ninh hàng không đều phải được thực hiện một cách nghiêm túc. Đội ngũ y tế và những các cơ quan quản lý đừng đánh đổi lợi ích Quốc gia".

"Việc làm giả giấy tờ kết quả khám sức khoẻ của phi công nhân viên hàng không thì các cơ quan chức năng đặc biệt là Bộ GTVT cần phải vào cuộc để điều tra xác minh làm rõ trách nhiệm của đội ngũ y tế này. Đồng thời, cơ quan chức năng phải tiến hành kiểm tra thường xuyên và kiên quyết", nguyên ĐBQH Lê Văn Cuông nêu rõ.

Theo nguyên ĐBQH Lê Văn Cuông, chúng ta phải nhìn từ bài học về vụ việc hàng loạt phi công Pakistan làm giả giấy phép bay để kiên quyết rà soát lại đội ngũ phi công, nhân viên hàng không. Việc làm giả giấy tờ là một loại tội phạm rất nguy hiểm xâm nhập vào ngành hàng không, gây ảnh hưởng tới an toàn hàng không, ngoại giao giữa Việt Nam và các nước.

Đối với việc Giám đốc Trung y tế, nơi để xảy ra việc "nhân bản" phiếu siêu âm tim phi công, tiếp viên hàng không lại được bổ nhiệm ngồi "ghế" Chủ tịch Hội đồng đánh giá kết quả Giám định sức khỏe nhân viên hàng không, nguyên ĐBQH Lê Văn Cuông cho rằng cần phải xem xét: Có hay không việc bao che cho sai phạm, đề nghị Bộ GTVT làm rõ, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì gửi sang cơ quan công an điều tra.

Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, TS. Nguyễn Đăng Minh, Ủy viên Ban chấp hành trung ương  Hội hàng không vũ trụ Việt Nam cho rằng: "An ninh, an toàn hàng không trong quá trình hoạt động khai thác hàng không là vấn đề cần phải đảm bảo tuyệt đối 100%, dù một lỗi nhỏ cũng không được phép xảy ra".

TS. Nguyễn Đăng Minh phân tích: "Sức khoẻ của Phi công gồm: Sức khoẻ về Vật lý và Tâm thần, vì vậy, việc đánh giá sức khoẻ của phi công đòi hỏi phải nghiêm chỉnh, đặt lên hàng đầu trong quá trình khai thác".

       Điều kỳ lạ là chữ ký dưới mỗi phiếu siêu âm cùng có tên bác sỹ Lê Minh Tuấn lại thể hiện khác nhau

Sức khoẻ của phi công là vấn đề sống còn

"Việc nhân bản kết quả khám sức khoẻ của phi công và nhân viên hàng không, rõ ràng là Trung tâm Y tế Hàng không thuộc Cục Hàng không Việt Nam đang coi thường tính mạng của hành khách. Có thể, đội ngũ y tế của Trung tâm này đang có những toán gì đó phía sau? Tất cả những kết quả đã được phát hiện phải huỷ bỏ gấp và kiểm tra, rà soát lại sức khoẻ của tất cả những phi công này", TS. Nguyễn Đăng Minh đặt vấn đề.

"Đối với hàng không quân sự, trước khi phi công thực hiện chuyến bay đều phải kiểm tra, sức khoẻ cơ học và sức khoẻ về tâm lý an toàn thì phi công mới được bay. Còn đối với toàn ngành hàng không thì tất cả nhân viên hàng không, phi công đều phải được kiểm tra sức khoẻ nghiêm ngặt theo định kỳ. Trong quá trình kiểm tra sức khoẻ, ngoài việc kiểm tra sức khoẻ thân thể theo quy định của ngành y tế và hàng không, thì sẽ phải kiểm tra sức khoẻ về tinh thần (tâm lý học) như: Các câu hỏi về logic, test trách nhiệm sức khoẻ phi công,...", TS. Nguyễn Đăng Minh chia sẻ.

Lo ngại về an toàn hàng không bị đe doạ, tính mạng hàng nghìn hành khách đang được chở trên các chuyến bay/ngày, TS. Nguyễn Đăng Minh lấy ví dụ về vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Indonesia Lion Air xảy ra vào năm 2018 được phỏng đoán là lỗi do tâm lý phi công không ổn định. "Do đó, sức khoẻ của phi công là vấn đề sống còn của một hãng hàng không và ngành hàng không", TS. Nguyễn Đăng Minh.

TS. Nguyễn Đăng Minh đặt vấn đề: "Chẳng may, có phi công đang trong quá trình bay mà tim mạch có vấn đề đột ngột lăn đùng ra máy bay (nhất là phi công và cơ trưởng) thì tính mạng, an toàn của hành khách sẽ ra sao?".

Về trách nhiệm của những người liên quan tới việc này, TS. Nguyễn Đăng Minh cho rằng: "Cần phải kỷ luật nghiêm khắc, tìm ra người đứng đầu trong vụ việc để xử lý, đây không phải là vấn đề nhỏ nữa mà là vấn đề rất lớn đối với ngành hàng không".

Đối với thông tin, bác sỹ Lê Minh Tuấn không phải là cán bộ của Trung tâm Y tế Hàng không mà là bác sỹ chẩn đoán hình ảnh của Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc được thuê làm siêu âm tim cho phi công và tiếp viên, TS. Nguyễn Đăng Minh đưa ra giả thiết: "Việc thuê bác sỹ có thể là vấn đề liên quan tới kinh tế, thuê một bác sỹ giá rẻ rồi phần dư thừa tiền có thể chia phần cho nhau. Tại sao không nhờ các bác sỹ đầu ngành ở các bệnh viên Trung ương?".

"Bộ GTVT và các cơ quan chức năng phải tìm ra được ai là người đứng đầu và kỷ luật nghiêm khắc những người liên quan. Chưa cần biết cụ thể vai trò của từng người liên quan, nhưng trước mắt cứ phải kỷ luật đội ngũ y tế. Nếu tìm ra được vì lý do kinh tế hay lợi ích thì sẽ căn cứ theo các quy định pháp luật để xử lý", TS. Nguyễn Đăng Minh nhìn nhận.

Nguồn https://thuonghieuvaphapluat.vn/nhan-ban-hon-600-phieu-sieu-am-cua-phi-cong-lam-gia-giay-to-la-mot-loai-toi-pham-rat-nguy-hiem-d33938.html

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer