Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Quyết định thi hành kỷ luật ông Lê Tấn Thảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa bằng hình thức cách chức do thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý để cấp dưới tham mưu và ký nhiều quyết định chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định pháp luật, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã ký Quyết định 838/QĐ-UBND, thi hành kỷ luật ông Lê Tấn Thảo- Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa bằng hình thức cách chức. Ảnh: An Bình
Cuối tháng 3/2020, Ban thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã có quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách hết các chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Tấn Thảo - Ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy, bí thư Đảng ủy cơ quan chính quyền huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên có kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và đề nghị Ban thường vụ Tỉnh ủy xem xét xử lý kỷ luật theo thẩm quyền đối với ông Thảo cùng 3 cán bộ khác.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên kết luận: Trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, ông Thảo đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý để cấp dưới tham mưu và ký nhiều quyết định chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định pháp luật, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Ngày 20/5, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã ký Quyết định 838/QĐ-UBND, thi hành kỷ luật ông Lê Tấn Thảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa bằng hình thức cách chức. Theo quyết định, ông Thảo đã vi phạm các quy định của Nhà nước theo kết luận 399 - Liên quan đến sai phạm đất đai tại huyện Đông Hòa, CQĐT Công an tỉnh Phú Yên đã khởi tố vụ án vi phạm các quy định về quản lý đất đai, khởi tố bị can; đến ngày 19/2, thi hành lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với 2 bị can Nguyễn Văn Tiên, Nguyễn Thị Huỳnh Dung, nguyên Trưởng phòng và chuyên viên Phòng tài nguyên và môi trường huyện Đông Hòa.
Toà án quân sự Quân chủng Hải quân đã tuyên án đối với bị cáo Nguyễn Văn Hiến và Út "trọc".
Tuyên án đối với bị cáo Nguyễn Văn Hiến, Út “trọc”
Ngày 21/5, Toà án quân sự Quân chủng Hải quân đã tuyên án đối với bị cáo Nguyễn Văn Hiến - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng 7 bị cáo trong vụ án liên quan sai phạm tại khu “đất vàng” trên đường Tôn Đức Thắng (phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh).
Bị cáo Nguyễn Văn Hiến đã bị tuyên phạt 4 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Ngoài ra, bị cáo Hiến còn chịu hình phạt bổ sung, cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý trong các cơ quan, tổ chức trong thời hạn 3 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc") - nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thái Sơn Bộ Q.P; Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P bị tuyên phạt 20 năm tù và phạt bổ sung 80 triệu đồng với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trước đó, Đinh Ngọc Hệ đã bị Tòa án quân sự T.Ư xử phạt 12 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Tổng hợp bị cáo Hệ phải chấp hành hình phạt chung của hai bản án là 30 năm tù.
Nhiều cửa hàng tại Hà Nội bị lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện hàng nghìn sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu lớn đã được bảo hộ tại Việt Nam. Ảnh: TN
Tạm giữ hơn 2.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu lớn
Ngày 21/5, dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chia thành nhiều Đoàn, đột xuất kiểm tra 7 cơ sở kinh doanh các mặt hàng chủ yếu như quần áo, giày dép, túi xách, đồng hồ, trang sức…trên khu vực phố cổ, quận Hoàn Kiếm.
Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã lập biên bản, tạm giữ hơn 2.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu lớn được bảo hộ tại Việt Nam.
Cụ thể, đột xuất kiểm tra ở cửa hàng TMQ 23 Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm, lực lượng chức năng đã tạm giữ 565 sản phẩm. Khi kiểm tra cửa hàng SIS Mai Linh số 3 Hàng Điếu, quận Hoàn Kiếm, lực lượng chức năng cũng tạm giữ hơn 170 sản phẩm gồm: túi, ví, áo, phụ kiện thời trang, thắt lưng của các nhãn hiệu nổi tiếng.
Tại địa điểm số 71 Hàng Đường, quận Hoàn Kiếm, sau khi kiểm tra, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội tạm giữ hơn 130 sản phẩm phần lớn là dây lưng da do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hoá...
Kiểm tra cửa hàng số 111 Hàng Bông quận Hoàn Kiếm, lực lượng chức năng tạm giữ hơn 200 sản phẩm bao gồm trang sức, giày túi ví khăn... có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng...
Tại địa chỉ 27 Hàng Cá, Đoàn kiểm tra tạm giữ hơn 300 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ của các nhãn hiệu, chủ cửa hàng chưa xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Tại cửa hàng số 46 Hàng Cân (quận Hoàn Kiếm), Đoàn kiểm tra tạm giữ gần 200 sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam, đa phần là các mặt hàng túi, ví, dây lưng, giầy dép.
Trong ngày 21/5, /Đội QLTT số 2 - Cục QLTT Hà Nội đã tiến hành kiểm tra Cửa hàng Minh Châu - phụ kiện thời trang ở số 51 Hai Bà Trưng và tạm giữ hơn 600 sản phẩm, gồm: giầy, xăng đan, dép, mũ, túi xách mang các nhãn hiệu Chanel, LV, Gucci, Hermes và 510 sản phẩm đồ mỹ ký chưa xuất trình được hóa đơn, chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Trước đó, các địa điểm này đều đã ký cam kết không buôn bán hàng giả hàng nhái, hàng gian lận thương mại hồi đầu năm 2020.
Đối tượng Hải cùng tang vật trong vụ đánh thuốc mê cướp 300 triệu đồng. Ảnh: TTXVN
Bỏ thuốc mê vào lon bia, cướp 300 triệu đồng
Ngày 21/5, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Hà Xuân Hải (sinh năm 1988), trú tại xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định; Lê Sơn (1983), trú tại xã Cư Knia, huyện Cư Jút và Ngô Xuân Kiên (1988), trú tại xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk để điều tra, làm rõ về hành vi cướp tài sản.
Các đối tượng Hải, Sơn và Kiên đã bàn bạc, mua loại thuốc làm giảm khả năng điều khiển hành vi để bỏ vào nước cho anh Nguyễn Đình Anh (trú tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) uống rồi rủ đánh bài ăn tiền để chiếm đoạt tiền của nạn nhân.
Sáng 18/5/2020, các đối tượng trên dùng xe ô tô chở anh Nguyễn Đình Anh từ thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến huyện Cư Jút, để xem công trình (trang trại nuôi heo). Trước khi đi, anh Nguyễn Đình Anh vào ngân hàng rút 300 triệu đồng và mang theo để làm thủ tục ký hợp đồng xây dựng trang trại.
Khi đến huyện Cư Jút, cả 3 cùng về nhà Lê Sơn ăn cơm và uống bia. Trong lúc ăn cơm, các đối tượng đã bỏ thuốc làm giảm khả năng điều khiển hành vi vào lon bia đưa cho Anh uống. Sau khi ăn cơm, Hải, Sơn, Kiên rủ Anh đánh bài ăn tiền. Đánh được một lúc, Anh nghỉ vì mệt và Hải có thông báo là Anh bị thua và nợ Hải số tiền 40 triệu đồng. Đến 16 giờ cùng ngày, Hải điều khiển xe ô tô chở Kiên, Sơn và Anh đến huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) để xem công trình nhưng khi đến địa phương này, cả nhóm vào quán tiếp tục ăn nhậu.
Đến 23 giờ cùng ngày, Sơn điều khiển xe ô tô chở Hải, Anh về lại Cư Jút, còn Kiên đón taxi về huyện Buôn Đôn. Khi ô tô đến khu vực thôn 12, xã Nam Dong, huyện Cư Jút, Sơn dừng xe, Hải yêu cầu anh Anh trả số tiền thua bạc nhưng anh Anh không đồng ý nên Hải giật túi xách của Anh (bên trong có 300 triệu đồng) rồi đạp Anh ra khỏi xe ô tô.
Sau đó, Hải và Sơn về phòng trọ của Hải tại thành phố Buôn Ma Thuột. Tại đây, Hải mở túi xách lấy được của anh Anh lấy hơn 82 triệu đồng đưa cho Sơn; số tiền còn lại trong túi xách Hải cất giữ và tiêu xài.
Quốc Trần (T/h)
Theo Congluan.vn