Bạo lực học đường từ lâu đã trở thành vấn nạn trong xã hội hiện đại, là nỗi nhức nhối trong nền giáo dục nước nhà. Dù nhận được sự quan tâm lớn của các vị phụ huynh, nhưng đến khi vụ việc bạo lực học đường giữa 4 học sinh của trường Quốc tế TP.HCM (ISHCMC)  được một vị phụ huynh đưa lên mạng xã hội, vấn đề bạo lực học đường mới trở nên nóng hơn bao giờ hết và trở thành tâm điểm của dư luận. Trong phạm vi bài viết dưới đây, Luật Sao Việt đề cập đến vấn đề bạo lực học đường dưới góc độ pháp lý với mong muốn giúp các bạn trẻ hiểu hơn về những quy định của pháp luật xung quanh vấn đề này.

Ảnh minh họa, nguồn: internet.

Bạo lực học đường xuất hiện dưới nhiều dạng thức, không chỉ là bạo lực về thể chất mà còn là bạo lực về tinh thần, bạo lực vật chất, bạo lực tình dục…. Có nhiều nguyên nhân gây ra bạo lực học đường nhưng dù là nguyên nhân gì thì những hành vi bạo lực học đường đều gây nên những hậu quả rất nặng nề. Hậu quả này không chỉ đối với nạn nhân bị bạo lực học đường mà còn đối với những người chứng kiến hoặc chính kẻ gây ra bạo lực. Trước tình trạng bạo lực học đường ngày càng trở nên nghiêm trọng, nhiều quốc gia  như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc đã ban hành luật phòng chống bạo lực học đường. Ở Việt nam, tuy chưa có luật phòng chống bạo lực học đường, tuy nhiên đã có rất nhiều văn bản pháp luật quy định điều chỉnh vấn đề này.

Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm là một trong những quyền con người được quy định tại Hiến pháp năm 2013 và được cụ thể hóa tại quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, Luật Trẻ em năm 2016,... cùng rất nhiều Nghị định, Thông tư dưới luật khác.

Pháp luật Việt Nam quy định nhiều hình thức xử lý, xử phạt đối với các hành vi bạo lực học đường ở nhiều góc độ, dưới các biện pháp điều chỉnh khác nhau.

Trước hết, bạo lực học đường là hành vi vi phạm điều lệ trường  trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT. Căn cứ Điều 37 Điều lệ trường quy định các hành vi học sinh không được làm trong đó có hành vi: “Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng.”

Người vi phạm có thể bị kỷ luật theo nội quy, quy định của nhà trường. Các biện pháp thường được áp dụng như: đình chỉ học, đuổi học, phạt lao động, hạ hạnh kiểm, phê bình trước lớp/toàn trường...

Thứ hai, hành vi bạo lực học đường ngoài nhà trường có thể bị xử lý vi phạm hành chính. 

- Đối với hành vi bạo lực thể chất: Người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm a Khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cụ thể: phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác. Với hành vi vi phạm nghiêm trọng hơn nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người vi phạm có thể bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng theo quy định tại Điểm a khoản 5 Điều 7 Nghị định nêu trên

- Đối với hành vi bạo lực vật chất: Người thực hiện hành vi  cưỡng đoạt tài sản của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự bị Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

- Đối với hành vi bạo lực tâm lý, tình cảm: Người thực hiện hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng  theo điểm a, b Khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Trường hợp người dưới 12 tuổi thực hiện hành vi bạo lực học đường thì không xử lý hành chính mà sẽ thực hiện giáo dục, uốn nắn tại gia đình để trẻ em nhận ra những hành vi sai trái của mình.

Thứ ba, bạo lực học đường là hành vi vi phạm pháp luật dân sự. Theo Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Đây cũng là quy định đã được cụ thể hóa trong Bộ Luật Dân sự 2015. Trong đó, hành vi xâm phạm quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật và người thực hiện hành vi này sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại và công khai xin lỗi/đính chính thông tin tùy theo sai phạm đã thực hiện.

Trường hợp hành vi bạo lực gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì người thực hiện hành vi sẽ phải bồi thường hoặc cha mẹ phải bồi thường thay con. Theo khoản 2, Điều 586, Bộ luật Dân sự 2015 quy định người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp gây thiệt hại trong thời gian trường học trực tiếp quản lý và không chứng minh được trường học không có lỗi trong quá trình quản lý.

Trường hợp bạo lực gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của người khác thì người có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình...Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình, người bị đưa tin vẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng. Ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin sai sự thật, người bị đưa tin còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Thứ tư, bạo lực học đường gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi bạo lực học đường dẫn đến phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội sau:

- Đối với người thực hiện hành vi bạo lực về thể chất có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người (Điều 123), tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134) theo Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017.

- Người thực hiện hành vi bạo lực tình dục có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm (Điều 141), tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điêu 142), tội cưỡng dâm (Điều 143), tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144), tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145), tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146) theo Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017.

- Người thực hiện hành vi bạo lực tâm lý, tình cảm trong học đường có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác (Điều 155) và tội vu khống (Điều 156) theo Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017.

- Nếu hành vi bạo hành khiến người bị bạo hành tự tử và chết thì người có hành vi bạo hành có thể bị xử lý hình sự về tội bức tử người khác quy định tại Khoản 1, Điều 100, Bộ luật Hình sự.

Đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự có thể bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Điều 90, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012). Đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự có thể bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng (Điều 92, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012).

Đối với người dưới 12 tuổi thực hiện hành vi bạo lực học đường có dấu hiệu tội phạm nghiêm trọng, rất nghiệm trọng thì không xử lý hình sự cũng như áp dụng các biện pháp xử lý hành chính mà sẽ thực hiện giáo dục, uốn nắn tại gia đình để trẻ em nhận ra những hành vi sai trái của mình.


 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer