Ngày 29/5, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, vừa triệt phá nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền qua mạng xã hội.

Theo đó, các đối tượng bị bắt giữ gồm Phan Văn Linh (SN 2002), Nguyễn Văn Phương Nam (SN 2002), Nguyễn Trương Gia Huy (SN 2002), Đỗ Trần Huyền Linh (SN 1985), Nguyễn Trần Anh Quân, đều trú tại thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị và Nguyễn Xuân Tứ (SN 1995; trú tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị).

Theo báo Người lao động, các đối tượng khai nhận đã sử dụng tài khoản facebook ảo mang tên Nguyễn Phương Dung để hỏi mua hàng online của chủ tài khoản Ly Hoàng và yêu cầu chị này cung cấp số điện thoại, số tài khoản để giao dịch tiền.  Ít phút sau, các đối tượng gửi vào số điện thoại của nạn nhân đường link (http://xacnhanquydoingoaite.weebly.com/) yêu cầu truy cập và làm theo hướng dẫn để nhận tiền.

Khi chủ shop điền các thông tin cá nhân và nhập mã OTP thì hệ thống báo lỗi mạng và phát hiện số tiền 75 triệu đồng trong tài khoản đã không cánh mà bay.

Cần cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản (ảnh minh họa)

Trong một diễn biến liên quan, mới đây Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã kịp thời ngăn chặn một vụ chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo.

Cụ thể: vào khoảng 9h ngày 26/5, bà L (SN 1959; trú tại Hoàn Kiếm) nhận được một cuộc gọi từ số điện thoại lạ tự xưng là cán bộ Viện Kiểm sát và Công an thông báo bà đang liên quan đến một vụ ma túy, yêu cầu bà L chuyển tiền vào tài khoản để điều tra nếu không sẽ bị bắt giữ. Do hoảng sợ, bà L đã vội đến phòng giao dịch Ngân hàng Viettinbank rút 450 triệu để chuyển vào tài khoản của các đối tượng.

Khi thấy bà L có dấu hiệu lo lắng, hoảng loạn, cán bộ ngân hàng đã tư vấn, giải thích cho khách hàng không chuyển tiền vào tài khoản lạ đồng thời thông báo cho Công an quận Hoàn Kiếm đến kiểm tra, xác minh. Sau khi được Công an quận Hoàn Kiếm và cán bộ ngân hàng giải thích đây là hình thức lừa đảo, bà L đã bình tĩnh dừng toàn bộ giao dịch chuyển tiền.

Theo báo Pháp luật TP HCM, trước đó ngày 25/5 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị 21 về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại nhiều địa phương, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân.

Trong đó, xuất hiện các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như tài chính, ngân hàng, bất động sản, dự án đầu tư, môi giới việc làm, đưa người đi lao động, học tập tại nước ngoài, kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử...

Đặc biệt, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như giả danh cơ quan thực thi pháp luật, giả danh cán bộ cơ quan nhà nước, quen biết qua mạng xã hội, lợi dụng quan hệ tình cảm, trao đổi, mua bán hàng hóa qua mạng, tin nhắn “rác”, tin nhắn trúng thưởng, xin việc làm, xuất khẩu lao động, “chạy” dự án, vay vốn.

Nhóm tội phạm còn kêu gọi đầu tư, tài trợ, đầu tư kinh doanh đa cấp, tiền ảo, thiết lập các trang mạng ngân hàng giả mạo để lấy dữ liệu thông tin khách hàng, đánh tráo hồ sơ, sử dụng giấy tờ giả mở tài khoản, giả mạo chứng từ để chuyển tiền, rút tiền, vay tiền, làm giả cổ vật, đá quý, kim loại quý. Ngoài ra, họ còn lợi dụng hoạt động họ, hụi, hoạt động phòng, chống dịch bệnh… để lừa đảo.

Để phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố tăng cường tuyên truyền, thông báo về hành vi, thủ đoạn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản gắn với các vụ việc, vụ án cụ thể mang tính điển hình. Việc này để người dân chấp hành pháp luật, đề cao cảnh giác, tăng cường các biện pháp quản lý tự phòng ngừa, bảo vệ tài sản.

Anh Tuấn (tổng hợp)

Theo Thuonghieuvaphapluat.vn

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer