Sau gần 6 tháng tạm dừng đấu giá hai điểm du lịch tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, đến nay tỉnh Quảng Bình vẫn chưa có chủ trương khởi động lại đấu giá. Chính từ việc chậm trệ này đã gây ra sự hoài nghi trong dư luận cho rằng, đang có “lợi ích nhóm”.
Các trò chơi thể thao và đu dây zipline tại Sông Chày Hang Tối. Ảnh: TL
Theo đó, ngày 18/11/2019, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành Quyết định 4492/QĐ – UBND “Phê duyệt bán đấu giá tài sản Nhà nước đầu tư tại Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng”. Sau khi Quyết định được ban hành đã vấp phải sự phản đối của dư luận bởi UBND tỉnh đã đưa vào điều khoản (Điều 10) quy định hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá gồm “Văn bản cam kết sẽ tiến hành thỏa thuận nhận chuyển nhượng tài sản không thuộc sở hữu nhà nước tại hai điểm du lịch Suối Nước Mọoc và Sông Chày – Hang Tối với chủ sở hữu phần tài sản đó sau khi trúng đấu giá”.
Với những quy định chưa thực sự thuyết phục nói trên, báo Nhà báo và Công luận đã vào cuộc điều tra, xác minh phản ánh vụ việc, sau phản ánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình đã có thông báo số 26 về việc tạm dừng thực hiện việc bán đấu giá tài sản theo Quyết định 4492/QĐ – UBND.
Liên quan đến việc bán đấu giá tài sản tại Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, phóng viên báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Lê Sơn, Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Quảng Bình (đơn vị được giao tổ chức đấu giá tài sản nói trên theo hợp đồng đã ký với Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng- PV). Qua trao đổi ông Sơn thông tin: Sau khi có quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt bán đấu giá tài sản Nhà nước đầu tư tại Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá. Theo Luật Đấu giá, các đơn vị nộp hồ sơ và được Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng lựa chọn, chứ không chỉ định.
Sau khi thương thảo các điều khoản và trên cơ sở pháp lý những quy định của UBND tỉnh và hợp đồng với Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Trung tâm quyết định thông báo. Qua thông báo tổ chức đấu giá, có nhiều ý kiến của doanh nghiệp về việc chưa rõ ràng tài sản; và Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã có văn bản gửi Sở Tài chính, UBND tỉnh cho kiểm tra lại và đã quyết định tạm dừng đấu giá. Khi nào tỉnh có văn bản tổ chức đấu giá tiếp thì bên trung tâm mới thực hiện. Đến nay, trung tâm chưa nhận được văn bản tổ chức đấu giá lại.
Theo Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Quảng Bình, trước khi bán đấu giá tài sản phải xác định rõ tài sản cần đấu giá là những tài sản gì, giá trị của tài sản đó bao nhiêu và những tài sản nào là tài sản ngoài nhà nước; tổ chức, cá nhân họ có nhu cầu mua tài sản ngoài nhà nước hay không?. Cái này phải rõ ràng, và vì chưa rõ ràng nên phải tạm dừng.
“Cần phải tổ chức đấu giá lại sớm để đầu tư khai thác tài nguyên và phải xác định rõ tài sản, thông báo công khai minh bạch, tổ chức, cá nhân nào đáp ứng được thì họ tham gia, họ xác định không được thì họ không tham gia. Chưa rạch ròi tài sản của cán bộ, công nhân viên là cái gì và giá trị bao nhiêu thì sẽ rất khó, nên phải được xác định ngay từ đầu”, ông Sơn cho hay.
Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Quảng Bình cho biết thêm, hiện bên trung tâm cũng đang nóng lòng, muốn làm cho dứt điểm đi để theo việc khác nữa, vì đây là việc đang tồn đọng nhưng bây giờ đang phụ thuộc bên UBND tỉnh và Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Khi nào Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng có văn bản đề nghị đấu giá tiếp thì trung tâm mới thực hiện, còn bây giờ thì trung tâm vẫn phải chờ….
Điểm du lịch Suối Nước Mọoc. Ảnh: TL Dưới góc độ pháp lý liên quan đến việc bán đấu giá tài sản nói trên, Đấu giá viên Luật sư Phạm Thị Thu - Giám đốc Công ty Đấu giá Hợp danh Số 1 Hà Nội phân tích: Theo quy định của Pháp luật về đấu giá thì một trong những nguyên tắc áp dụng đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phạm vi quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người người trúng đấu giá. Bên cạnh đó, phải bảo đảm tính độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, công bằng và khách quan.
Ngoài ra, theo quy định của Luật Đấu giá cấm người có tài sản đấu giá có các hành vi sau: “a) Thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản; b) Nhận bất kỳ một khoản tiền, tài sản hoặc lợi ích nào từ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá để làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản; c) Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của luật có liên quan.” (khoản 4 Điều 9 Luật Đấu giá năm 2016).
Với quy định nêu trên thì việc người có tài sản đấu giá ra điều kiện và điều kiện đó không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội và được người trúng đấu giá chấp nhận mua hồ sơ và tham gia đấu giá. Đây có thể là điều kiện mở để người trúng đấu giá tài sản và phía chủ tài sản không thuộc sở hữu Nhà nước tự thỏa thuận. Điều kiện “sẽ tiến hành thỏa thuận nhận chuyển nhượng tài sản không thuộc sở hữu nhà nước” của người có tài sản đấu giá đưa ra có thể được các bên thống nhất hoặc không thống nhất. Việc thỏa thuận này phải tuân theo pháp luật Dân sự đó là tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận.
Tuy nhiên, việc UBND tỉnh Quảng Bình ra điều kiện nhưng chưa đầy đủ thông tin về tài sản này nhưng lại buộc người trúng đấu giá “cam kết thỏa thuận chuyển nhượng…”. Điều này có thể sẽ gây ra một số bất lợi cho người tham gia đấu giá và người trúng đấu giá vì họ không biết được những tài sản này là những tài sản gì, giá trị những tài sản này là bao nhiêu, họ có nhu cầu sử dụng không, có phù hợp với quy mô, dự án của người trúng đấu giá không….. Đây cũng là một trong những vấn đề lớn mà tham gia đấu giá, người trúng đấu giá quan tâm và họ cho rằng quyền, lợi ích của họ bị ảnh hưởng vì tài sản này không nằm trong tài sản đấu giá - LS Thu cho biết.
Từ những phân tích trên, dư luận đang đặt ra câu hỏi đến bao giờ UBND tỉnh Quảng Bình mới ban hành lại Quyết định bán đấu giá tài sản nói trên đúng theo yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ?
Theo https://congluan.vn/cham-tre-tai-khoi-dong-dau-gia-tai-san-tai-vqg-phong-nha-ke-bang-post85288.html