Việc đòi lại chi phí sinh hoạt, quà tặng không còn là chuyện xa lạ của các cặp đôi khi đường ai nấy đi….Tuy nhiên gần đây, câu chuyện chồng đòi vợ hoàn trả các khoản tiền trong đó có cả tiền ăn sau khi ly hôn lại tiếp tục khiến dư luận sôi sục.
Nguồn ảnh : Internet
Theo thông tin người vợ chia sẻ trên mạng xã hội thì sau khi ly hôn, người chồng bắt vợ phải trả lại hơn 42 triệu đồng, bao gồm 12 triệu tiền ăn hàng tháng (tính từ thời điểm cô về làm dâu), tiền đưa vợ đi chữa bệnh (phục vụ việc sinh sản)... Thậm chí, người chồng còn giữ lại giấy tờ tùy thân của vợ để khi nào đòi đủ tiền rồi mới đưa!
Ở khía cạnh đạo đức, dư luận đồng loạt lên án người chồng keo kẹt, tính toán, “ cạn tàu ráo máng” ngay cả với vợ cũ của mình. Còn ở khía cạnh pháp luật, hành động đòi tiền sinh hoạt, giữ giấy tờ tùy thân của vợ cũng vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích chính đáng của người vợ.
Trước hết, hành động đòi lại tiền, chi phí sinh hoạt của người chồng trực tiếp xâm phạm những quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình.
Sau khi “góp gạo thổi cơm chung”, ngoài việc thực hiện các nghĩa vụ về mặt tình cảm như yêu thương, chung thủy, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau, thì vợ, chồng còn có quyền và nghĩa vụ trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Trong vụ việc nêu trên, những chi phí mà người chồng đòi lại như tiền ăn, tiền chữa bệnh phục vụ việc sinh sản, tiền học tập,… đều thuộc về “nhu cầu thiết yếu” được quy định tại Khoản 20 Điều 2 Luật Hôn nhân gia đình 2014: “nhu cầu thiết yếu là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình”.
Nếu như ông bà ta có câu “của chồng, công vợ” thì dưới góc độ pháp luật, chi phí vợ/chồng bỏ ra trong thời kỳ hôn nhân nhằm đáp ứng các nhu cầu trong sinh hoạt được coi là phần nghĩa vụ mà cả hai bên buộc phải đóng góp. Vấn đề này được luật hóa cụ thể trong quy định tại điều 30 Luật Hôn nhân gia đình 2014 như sau:
“1. Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
2. Trong trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên.”
Như vậy, việc người chồng yêu cầu vợ phải thanh toán, hoàn trả tất cả các khoản chi phí mà anh đã bỏ ra trong thời kỳ hôn nhân là hoàn toàn vô lý. Hành động này không chỉ đi ngược lại với những quan điểm đạo đức truyền thống mà còn vi phạm các quy định của luật hôn nhân gia đình.
Thứ hai, việc người chồng giữ các giấy tờ tùy thân của vợ để yêu cầu vợ trả đủ các khoản tiền có dấu hiệu phạm tội hình sự.
Trong câu chuyện “vô tiền khoáng hậu” nêu trên, bên cạnh việc đòi vợ trả lại các khoản tiền sinh hoạt, chi phí khám chữa bệnh, người chồng còn có hành động sử dụng các giấy tờ tùy thân của vợ để đe dọa, buộc người vợ phải giao tài sản cho mình. Hành động này đã có dấu hiệu của tội Tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 170 BLHS 2015, theo đó:
“1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm….”
Như vậy, nếu người vợ trong câu chuyện trên tìm đến sự tư vấn của Luật sư trước khi mang tiền sang chuộc giấy tờ thì có thể người chồng keo kiệt trong vụ việc trên đã phải nhận cái giá rất đắt cho sự so đo, tính toán của mình.