Từ 1/12 năm nay, với những giao dịch trong nước, tổ chức cung cấp dịch vụ cần báo cáo về từng giao dịch chuyển tiền điện tử có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên hoặc ngoại tệ có giá trị tương đương. Đây là nội dung mới được quy định tại Thông tư 09/2023/TT-NHNN hướng dẫn Quyết định 11/2023 do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Thông tin này gây nhiều hoang mang cho người dân, thế nhưng thực hư của việc quy định này như thế nào? Hãy cùng Luật Sao Việt tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
1. Chế độ báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử được quy định tại Thông tư 09/2023/TT-NHNN như thế nào?
Khoản 1 Điều 9 Thông tư 09/2023/TT-NHNN quy định về chế độ báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử như sau:
“Chế độ báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử
1. Đối tượng báo cáo có trách nhiệm thu thập thông tin tại khoản 3 Điều này và báo cáo Cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền bằng dữ liệu điện tử theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư này khi thực hiện giao dịch chuyển tiền điện tử trong các trường hợp sau đây:
a) Giao dịch chuyển tiền điện tử mà tất cả các tổ chức tài chính tham gia giao dịch chuyển tiền điện tử quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư này cùng ở Việt Nam (sau đây gọi là giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước) có giá trị giao dịch chuyển tiền điện tử từ 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng trở lên hoặc bằng ngoại tệ có giá trị tương đương;
b) Giao dịch chuyển tiền điện tử mà có ít nhất một trong các tổ chức tài chính tham gia giao dịch chuyển tiền điện tử quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư này ở các quốc gia, vùng lãnh thổ ngoài Việt Nam (sau đây gọi là giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế) có giá trị giao dịch chuyển tiền điện tử từ 1.000 (một nghìn) đô la Mỹ trở lên hoặc bằng ngoại tệ khác có giá trị tương đương.
…"
Như vậy, khi khách hàng phát sinh giao dịch chuyển tiền điện tử có giá trị giao dịch chuyển tiền điện tử từ 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng trở lên hoặc bằng ngoại tệ có giá trị tương đương thì tất cả các tổ chức tài chính tham gia giao dịch chuyển tiền điện tử cùng ở Việt Nam có nghĩa vụ thu thập nội dung báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử tối thiểu và báo cáo Cơ quan chức năng có nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền.
2. Đây có phải lần đầu tiên Việt Nam yêu cầu báo cáo giao dịch chuyển tiền có giá trị lớn?
=> Không phải!
Trước đó, việc báo cáo các giao dịch lớn đã được quy định tại nhiều văn bản pháp luật trong đó có Nghị định 74/2005 của Chính phủ về phòng chống rửa tiền, Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg của TTCP, Thông tư 35/2013/TT-NHNN,....
Trong đó:
- Nghị định 74/2005 quy định tổ chức tín dụng sẽ phải giám sát và báo cáo các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ, đặc biệt là những khoản giao dịch có tổng giá trị từ 200 triệu đồng trở lên (với giao dịch tiền mặt) hoặc 500 triệu đồng (với giao dịch tiền gửi tiết kiệm).
- Quyết định số 20/2013 quy định mức giao dịch có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên phải báo cáo.
- Thông tư 35/2013/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện quy định về phòng, chống rửa tiền chưa nêu rõ số tiền cụ thể, chỉ quy định khi thực hiện giao dịch có giá trị lớn, các tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán phải báo cáo cho Cục Phòng, chống rửa tiền bằng văn bản.
Tuy nhiên khi ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 35 thì NNHN đã quy định giao dịch trong nước có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên hoặc ngoại tệ có giá trị tương đương thì tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán phải báo cáo Cục Phòng, chống rửa tiền
Quy định này cũng được áp dụng với chuyển tiền điện tử quốc tế ra vào Việt Nam trị giá từ 1.000 USD trở lên hoặc bằng ngoại tệ khác có giao dịch tương đương.
Như vậy, trước đây pháp luật Việt Nam cũng đã có nhiều quy định về các mức giao dịch chuyển tiền cần phải báo cáo để phòng chống rửa tiền.
3. Tại sao phải báo cáo các giao dịch chuyển tiền có giá trị lớn?
Không riêng Việt Nam mà các quốc gia khác trên thế giới đều có quy định các tổ chức tài chính phải báo cáo các giao dịch chuyển tiền có giá trị cao, chỉ là ở mỗi quốc gia sẽ có một mức tiền khác nhau cần phải báo cáo. Đây là quy định hợp lý nhằm kiểm soát các giao dịch có dấu hiệu bất thường, nhằm phục vụ cho công tác phòng chống rửa tiền trong nước và trên thế giới.
Ở Mỹ, mức giao dịch trên 10000 USD phải báo cáo cho cơ quan có thểm quyền. TRong trường hợp nghi ngờ cần phải điều tra, có thể hạ thấp mức chuẩn 10.000 USD nếu thấy cần thiết.
Ở Australia, bất kỳ giao dịch nào tương đương hoặc lớn hơn 10.000 USD đều phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền.
Ở Nhật Bản, các giao dịch tiền tệ trong nước vượt quá 30 triệu Yên và các giao dịch tiền tệ quốc tế vượt quá 5 triệu Yên đều phải báo cáo.
Thực tế các quy định này không ảnh hưởng đến việc giao dịch của khách hàng bởi nó chỉ nhằm mục đích theo dõi chứ không được công khai số liệu.
4. Các giao dịch chuyển tiền điện tử nào không phải báo cáo?
Theo khoản 5 Điều 9 Thông tư 09/2023/TT-NHNN thì các giao dịch chuyển tiền điện tử sau đây không phải báo cáo:
- Giao dịch chuyển tiền bắt nguồn từ giao dịch sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng hoặc thẻ trả trước để thanh toán tiền hàng hóa dịch vụ;
- Giao dịch chuyển tiền và thanh toán giữa các tổ chức tài chính mà người khởi tạo và người thụ hưởng đều là các tổ chức tài chính.