Thời gian qua, tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông diễn ra ngày càng nhiều và có chiều hướng gia tăng, các vụ tai nạn giao thông có hậu quả nghiêm trọng cũng vì thế tăng cao, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của chính các học sinh đó mà còn gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác. Chính vì vậy, lực lượng CSGT trên toàn quốc đều tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về an toàn giao thông đối với lứa tuổi học sinh THCS, THPT; phụ huynh học sinh, người giám hộ, người giao phương tiện cho học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển. Gần đây, lực lượng CSGT tại các tỉnh, thành phố còn trực tiếp vào tận bãi giữ xe trường học để kiểm tra , xử phạt học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy. Bên cạnh sự ủng hộ của đa số người dân, nhiều người vẫn còn thắc mắc việc CSGT vào tận trường để bắt xe máy liệu có đúng pháp luật hay không?
Ảnh chỉ mang tính minh hoạ, nguồn: Internet
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 Thông tư 32/2023/TT-BCA, cán bộ Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trong các trường hợp sau:
“a) Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác;
b) Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội đã được cấp có thẩm quyền ban hành;
c) Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai, cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh; cứu nạn, cứu hộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;
d) Có tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.”
Đồng thời, CSGT có quyền xử phạt hành chính người đi xe máy nếu người đó vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ và các quy định liên quan. Ngoài ra, cảnh sát giao thông cũng có quyền tạm giữ phương tiện vi phạm.
Việc tạm giữ phương tiện được quy định tại Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm a khoản 32 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP như sau:
“Tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm
1. Để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, người có thẩm quyền được phép tạm giữ phương tiện trước khi ra quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 2, khoản 8 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) đối với những hành vi vi phạm được quy định tại các điều, khoản, điểm sau đây của Nghị định này:
...
g) Điểm a, điểm b, điểm c khoản 2 Điều 17;
h) Điểm b, điểm đ khoản 1; điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e khoản 2 Điều 19;
i) Khoản 1; điểm a khoản 4; khoản 5; khoản 6; khoản 7; khoản 8; khoản 9 Điều 21
k) Điểm đ, điểm g, điểm h, điểm k khoản 5; điểm b, điểm e, điểm h khoản 8; điểm c, điểm i khoản 9; điểm b khoản 10 Điều 30;
l) Điểm b khoản 5 Điều 33.
…”
Do đó, học sinh điều khiển xe máy đi học sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, cảnh sát giao thông có quyền lập biên bản để tạm giữ phương tiện của người vi phạm. Đối với việc cảnh sát giao thông thực hiện kiểm tra và lập biên bản xử phạt hành chính cũng như tạm giữ phương tiện trong khuôn viên trường học, các văn bản quy phạm pháp luật chưa có quy định cụ thể về vấn đề này, nhưng Chỉ thị số 31 ngày 21-12-2023 của Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh như sau:
“Chỉ đạo Công an cấp huyện chủ trì, phối hợp với các trường trung học phổ thông; Công an cấp xã chủ trì, phối hợp với các trường trung học cơ sở, tiểu học trên địa bàn kiểm tra việc sử dụng phương tiện tham gia giao thông của học sinh, nhất là tại các bãi để xe trong trường, khu vực cổng trường; phối hợp nhà trường làm việc với phụ huynh và học sinh vi phạm để nhắc nhở, yêu cầu tăng cường quản lý, giáo dục không để học sinh vi phạm và tái phạm; rà soát các trường hợp thanh, thiếu niên, học sinh có biểu hiện đua xe, tụ tập gây rối trật tự công cộng đưa vào diện quản lý, giáo dục tại địa bàn cơ sở.”
Mặc dù có cơ sở để CSGT phối hợp với nhà trường thực hiện kiểm tra, rà soát phương tiện của học sinh trong các bãi để xe trong trường, tuy nhiên, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ không phải văn bản quy phạm pháp luật nên không thể xem là căn cứ xử phạt.
Vì vậy, gỉa sử nếu xảy ra tình huống cảnh sát giao thông đã phát hiện vi phạm của học sinh và học sinh điều khiển phương tiện vào khu vực nhà trường thì cảnh sát giao thông có quyền xử phạt vi phạm, CSGT có quyền thông báo và kế hoạch phối hợp với nhà trường để tiến hành thực hiện kiểm tra và lập biên bản xử phạt.
Tuy nhiên, nếu không phát hiện học sinh điều khiển xe mà CSGT vào trường để kiểm tra và tiến hành lập biên bản xử phạt hành chính và tạm giữ phương tiện đang đỗ trong nhà trường thì không có cơ sở để xử lý vi phạm.
================================================================================
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Tp. Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com