Sau vụ án cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết thao túng thị trường chứng khoán, những tưởng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ trở nên minh bạch hơn, các “đại gia” chứng khoán sẽ nghiêm túc chấp hành pháp luật hơn; nhưng không, tình trạng bán chui cổ phiếu vẫn tiếp tục diễn ra.

Tại sao những vi phạm này vẫn lặp đi lặp lại và ngày càng có xu hướng gia tăng, bất chấp việc cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát và nỗ lực xử phạt để đảm bảo tính minh bạch của thị trường? 

1. Thực trạng các đại gia bán chui cổ phiếu trong vài năm gần đây

Thực tế việc các đại gia bán chui cổ phiếu đã diễn ra từ nhiều năm trước nhưng không dày đặc và ít được chú ý như hiện nay. Năm 2017, ông Trịnh Văn Quyết đã từng bị xử phạt 65 triệu đồng vì bán chui 57 triệu cổ phiếu mà không công bố. Đến ngày 10/1/2022, ông Trịnh Văn Quyết tiếp tục vi phạm khi bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch gây thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư. Một ngày sau, HoSE ra quyết định huỷ giao dịch bán chui của ông Trịnh Văn Quyết. Ông Quyết sau đó bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt 1,5 tỷ đồng, đình chỉ giao dịch 5 tháng, và cuối cùng bị khởi tố vì hành vi thao túng chứng khoán.

Trong năm 2023, chỉ vài tháng đầu năm nhưng đã có đến hàng chục vụ giao dịch cổ phiếu chui bị xử lý, chủ yếu do lãnh đạo doanh nghiệp, người nhà, cổ đông lớn thực hiện. 

Tháng 4/2023, vợ chồng Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Hải Phát (HPX) ông Đỗ Quý Hải - bà Chu Thị Lương và em trai Đỗ Quý Đường bị phạt hành chính tổng số tiền gần 2 tỷ đồng và bị đình chỉ giao dịch 4 tháng do bán “chui” cổ phiếu HPX trong ngày 30/11/2022.

Tháng 6/2023, một lần nữa dư luận lại xôn xao vì thông tin ca sĩ Khánh Phương giao dịch chui cổ phiếu của CTCP Sông Đà 1.01 (mã SJC). Từ 23/6-30/12/2022, ông Phương nhiều lần giao dịch khiến tỷ lệ sở hữu tăng lên trên 25% nhưng không đăng ký chào mua công khai theo quy định pháp luật. Ngoài ra, ông Phương không báo cáo khi có thay đổi về tỷ lệ cổ phiếu sở hữu qua ngưỡng 1% số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết. Ngoài bị phạt 245 triệu đồng, ông Phương còn bị buộc bán cổ phiếu để giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới mức phải chào mua công khai.

Gần đây nhất là trường hợp của ông Nguyễn Khánh Hưng - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư LDG (mã LDG) khi bán ra 2,6 triệu cổ phiếu LDG trong phiên 15/8/2023 nhưng không đăng ký giao dịch trước đó. Giao dịch này chiếm 22,81% khối lượng khớp lệnh cổ phiếu này trên toàn thị trường (giá trị gần 16,7 tỷ đồng). HoSE sau đó đã thông báo hủy giao dịch này.

2. Pháp luật quy định về nghĩa vụ công bố thông tin khi giao dịch mua bán cổ phiếu như thế nào?

Theo quy định Luật Chứng khoán 2019, ngoài trách nhiệm công bố thông tin của người nội bộ, nhà đầu tư khi thay đổi tỉ lệ sở hữu tại công ty trong một số trường hợp phải báo cáo kết quả sau giao dịch.

Nghĩa vụ công bố thông tin trên thị trường chứng khoán được quy định cụ thể tại Thông tư 96/2020/TT-BTC. Trong đó, theo quy định tại Điều 3 Khoản 3, những nhà đầu tư thuộc đối tượng công bố thông tin bao gồm:

- Người nội bộ của công ty đại chúng, người nội bộ của quỹ đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng theo quy định tại khoản 45 Điều 4 Luật Chứng khoán và người có liên quan của người nội bộ;

- Cổ đông lớn, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty đại chúng; nhà đầu tư, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng;

- Cổ đông sáng lập trong thời gian bị hạn chế chuyển nhượng của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng;

- Nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của 01 tổ chức phát hành hoặc từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng;

- Cổ đông, nhóm người có liên quan mua vào để sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty đại chúng; nhà đầu tư hoặc nhóm người có liên quan mua vào để sở hữu từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng;

- Tổ chức, cá nhân thực hiện chào mua công khai cổ phiếu của công ty đại chúng, chứng chỉ quỹ đóng của quỹ đầu tư mục tiêu; công ty mục tiêu, công ty quản lý quỹ đầu tư mục tiêu.

Theo quy định tại Chương VII của Thông tư 96/2020/TT-BTC, nhóm đối tượng nêu trên khi có sự thay đổi về số lượng cổ phiếu nhất định thì đều phải công bố thông tin và báo cáo. Cụ thể:

- Cổ đông lớn của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng; nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng; nhà đầu tư, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng; nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của 01 tổ chức phát hành hoặc từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng khi có thay đổi về số lượng cổ phiếu sở hữu qua các ngưỡng 1% số cổ phiếu có quyền biểu quyết phải công bố thông tin và báo cáo cho công ty đại chúng, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán (đối với cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch) trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có sự thay đổi .

- Người nội bộ của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, quỹ đại chúng (sau đây gọi chung là người nội bộ) và người có liên quan của các đối tượng này (sau đây gọi chung là người có liên quan) phải công bố thông tin, báo cáo trước và sau khi thực hiện giao dịch cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán (đối với cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch, chứng chỉ quỹ đại chúng niêm yết), công ty đại chúng, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán khi giá trị giao dịch dự kiến trong ngày từ 50 triệu đồng trở lên hoặc giá trị giao dịch dự kiến trong từng tháng từ 200 triệu đồng trở lên tính theo mệnh giá (đối với cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, chứng chỉ quỹ) hoặc theo giá phát hành gần nhất (đối với chứng quyền có bảo đảm) hoặc giá trị chuyển nhượng (đối với quyền mua cổ phiếu, quyền mua trái phiếu chuyển đổi, quyền mua chứng chỉ quỹ), kể cả trường hợp chuyển nhượng không thông qua hệ thống giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán (như các giao dịch cho hoặc được cho, tặng hoặc được tặng, thừa kế, chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng chứng khoán và các trường hợp khác), cụ thể như sau:

+ Trước ngày dự kiến thực hiện giao dịch tối thiểu 03 ngày làm việc, người nội bộ và người có liên quan phải công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch theo mẫu quy định tại Phụ lục XIII hoặc Phụ lục XIV

+ Thời hạn thực hiện giao dịch không được quá 30 ngày, kể từ ngày đăng ký thực hiện giao dịch. Người nội bộ và người có liên quan phải thực hiện theo thời gian, khối lượng, giá trị do Sở giao dịch chứng khoán đã công bố thông tin và chỉ được thực hiện giao dịch đầu tiên vào ngày giao dịch liền sau ngày có thông tin công bố từ Sở giao dịch chứng khoán;

+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn tất giao dịch (trường hợp giao dịch kết thúc trước thời hạn đăng ký) hoặc kết thúc thời hạn dự kiến giao dịch, người nội bộ và người có liên quan phải công bố thông tin về kết quả giao dịch đồng thời giải trình nguyên nhân không thực hiện được giao dịch hoặc không thực hiện hết khối lượng đăng ký (nếu có) theo mẫu quy định tại Phụ lục XV hoặc Phụ lục XVI. 

3. Nguyên nhân các đại gia liên tiếp vi phạm, bất chấp quy định để bán chui cổ phiếu

Thứ nhất, do tâm lý hám lợi, làm giàu khôn lỏi của một số vị “đại gia chứng khoán” nên họ tìm cách trục lợi từ việc bán chui. Bởi nếu những người là  thành viên HĐQT, ban giám đốc, cổ đông lớn công bố mua bán cổ phiếu với số lượng lớn và giá trị lớn thì tâm lý của các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ bị ảnh hưởng, chỉ một vài động thái của một số đại gia nắm giữ số lượng cổ phiếu lớn cũng đã có khả năng tác động ngắn hạn đến toàn thị trường. Vì vậy nếu muốn bán lượng lớn để được giá cao thì họ sẽ lựa chọn bán chui. Nếu công bố thông tin trước khi bán thì khi bán ra không được giá cao và nếu bán số lượng lớn thì chỉ có thể bán trong thời gian dài, giá cổ phiếu sẽ bị kéo xuống khi nguồn cung tăng nhưng nhu cầu mua vào giảm. Vì lợi nhuận, vì tiền, những “cá mập” trên thị trường chấp nhận rủi ro chịu phạt để bán chui cổ phiếu

Thứ hai, do quy định của pháp luật hiện nay về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi bán chui cổ phiếu vẫn còn quá nhẹ nhàng, không đủ sức răn đe.

Năm 2017 sau cú đánh úp khi bán chui 57 triệu cổ phiếu FLCông Quyết chỉ bị UBCKNN xử phạt hành chính... 65 triệu đồng. Luật sau đó có sửa đổi và tăng mức phạt, theo quy định tại Nghị định 128/2021/NĐ-CP thì hành vi không báo cáo về việc dự kiến giao dịch bị xử phạt theo giá trị chứng khoán giao dịch thực tế tính theo mệnh giá (đối với cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, chứng chỉ quỹ) hoặc theo giá phát hành gần nhất (đối với chứng quyền có bảo đảm) hoặc giá trị chuyển nhượng (đối với quyền mua cổ phiếu, quyền mua trái phiếu chuyển đổi, quyền mua chứng chỉ quỹ). Tùy theo mức độ vi phạm mà mức tiền xử phạt cũng sẽ tăng dần.

Mặc dù vậy, theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định 128/2021/NĐ-CP thì mức xử phạt tối đa đối với hành vi mua bán chui là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân. Chính vì vậy, trường hợp Trịnh Văn Quyết bán chui 74,8 triệu cổ phiếu, (thu lợi bất chính 700 tỷ đồng) nhưng khi xử phạt vi phạm hành chính thì chỉ bị xử phạt nhiều nhất là 1,5 tỷ đồng. Mức phạt này như muối bỏ bể, hoàn toàn không đáng là bao so với số lợi mà các đại gia có thể thu được khi bán chui cổ phiếu, vì vậy, nhiều người chấp nhận đóng phạt để “đươc vi phạm”.

Thứ ba, hiện nay hành vi bán chui cổ phiếu chưa có căn cứ pháp luật để truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ khi có thêm các hành vi khác đủ yếu tố cấu thành tội thao túng thị trường chứng khoán theo quy định tại Điều 211 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì việc bán chui mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại điều 211 BLHS 2015, Tội thao túng thị trường chứng khoán được thực hiện bằng các hành vi sau:

+ Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc người khác hoặc thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;

+ Thông đồng với người khác đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo;

+ Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường;

+ Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán;

+ Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó;

+ Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.

Các hành vi trên chỉ cấu thành tội phạm này nếu thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng.

Vì vậy, nếu chỉ đơn thuần là hành vi bán chui không thông báo mà không kèm theo các hành vi nêu trên thì người vi phạm chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính mà không bị khởi tố hình sự. Một khi không phải đối mặt với vành móng ngựa và chỉ bị xử phạt với số tiền cực ít như trên, thật khó để ngăn chặn tình trạng bán chui cổ phiếu, vì cái giá mà những đại gia này phải trả không là gì so với lợi nhuận mà họ thu được.

Còn tiếp...

 

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -           
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer