(CLO) UBND TP Hà Nội đánh giá việc xem xét, phê duyệt đề án thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào nội đô vào thời điểm hiện nay chưa phù hợp, chưa đảm bảo đầy đủ, toàn diện các điều kiện thực hiện

Liên quan đến đề án thu phí ôtô vào nội đô Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, ngày 11/11 cho biết, trong văn bản trả lời đơn vị, UBND TP Hà Nội đánh giá việc xem xét, phê duyệt đề án thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào nội đô vào thời điểm hiện nay chưa phù hợp, chưa đảm bảo đầy đủ, toàn diện các điều kiện thực hiện.

thu phi oto vao noi do chua dam bao day du toan dien cac dieu kien thuc hien hinh 1

Ảnh minh họa

UBND TP Hà Nội đã giao Sở Giao thông Vận tải cùng các đơn vị tư vấn, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đánh giá toàn diện tác động của đề án đến xã hội, người dân, đảm bảo chặt chẽ điều kiện pháp lý.

Sở cũng được yêu cầu nghiên cứu kỹ phạm vi áp dụng, đề xuất thí điểm theo từng bước, trước mắt là khu vực hẹp, trên cơ sở đó tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm và mở rộng theo lộ trình.

Tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức chính trị xã hội, sở ngành...

Đồng thời, làm rõ thời điểm áp dụng thu phí để đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành, tránh những vướng mắc về sau. Làm rõ kinh phí dự kiến đầu tư các trạm thu phí là nguồn vốn trong hay ngoài ngân sách và cơ chế tài chính khi thu, nộp phí.

Trước đó, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đã cùng với đơn vị tư vấn xây dựng xong phương án thu phí phương tiện vào nội đô.

Tổng mức đầu tư dự kiến cho 87 trạm thu phí đặt tại 68 vị trí vào khoảng 2.646 tỷ đồng bao gồm chi phí đầu tư ban đầu và chi phí thay thế các thiết bị hết khấu hao, chưa tính chi phí vận hành khai thác.

Trong đó, giai đoạn đầu tư thí điểm 15 trạm tại 9 vị trí vào khoảng 456,276 tỷ đồng. Giai đoạn 2 đầu tư xây dựng 59 trạm tại 46 vị trí vào khoảng 1.794 tỷ đồng. Giai đoạn 3 hoàn chỉnh đầu tư xây dựng 13 trạm tại 13 vị trí kinh phí khoảng 395,439 tỷ đồng.

Đề án tạm thời xác định tổng tiền phí xe vào nội đô để giảm ùn tắc thu hàng năm trên cơ sở mức phí dự kiến là 50.000 đồng/lượt đối với xe ô tô cá nhân dưới 9 chỗ và 30.000 đồng/lượt đổi với xe ô tô khách từ 9 chỗ trở lên và xe tải các loại.

Dự kiến với mức phí này, giai đoạn 1 thu được khoảng 769 tỷ đồng/năm, giai đoạn 2 đạt khoảng 1.175 tỷ đồng/năm, giai đoạn 3 đạt khoảng 1.326 tỷ đồng/năm.

Khi chính thức áp dụng thu phí phương tiện giảm ùn tắc thì theo tính toán, lưu lượng giao thông trên các trục chính giảm từ 8% - 30%, trung bình khoảng 12-18%.

Trên cơ sở tuyến đường khép kín khu vực nội đô đã được xác định, tư vấn đưa ra 68 vị trí để lập tổng cộng 87 trạm thu phí phương tiện vào Hà Nội.

Trong đó có các vị trí như nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, Nút giao Big C Thăng Long, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Giải Phóng, Cổ Linh - cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hoàng Quốc Việt, Võ Chí Công, cầu Đông Trù, cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì,...

Thời gian mà đơn vị tư vấn đề xuất thu phí xe vào nội thành là ban ngày, khung giờ từ 5 - 21 giờ và có phân biệt mức phí giữa giờ cao điểm, giờ thấp điểm.

Theo https://congluan.vn/thu-phi-oto-vao-noi-do-chua-dam-bao-day-du-toan-dien-cac-dieu-kien-thuc-hien-post166320.html

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer