Vừa qua, mạng xã hội xôn xao về thông tin “Từ 1/7/2024, chồng không được yêu cầu ly hôn dù vợ đang có thai, sinh con với ai”. Thông tin này đã khiến nhiều người bức xúc vì cho rằng quy định mới này của pháp luật quá vô lý. Thế nhưng thực hư quy định này như thế nào, có đúng như các trang báo đã “giật tít” hay không? 

Ảnh minh họa, nguồn: Facebook.

1. Nguồn gốc của thông tin “Từ 1/7/2024, chồng không được yêu cầu ly hôn dù vợ đang có thai, sinh con với ai”

“Trường hợp vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai.” là quy định tại Khoản 4 Điều 2 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP. Nghị quyết này hướng dẫn áp dụng quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân gia đình được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 24/4/2024 và sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024.

Cụ thể, Điều 2 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP quy định về Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn quy định tại khoản 3 Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình như sau:

1. “Đang có thai” quy định tại khoản 3 Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình là khoảng thời gian vợ mang trong mình bào thai và được cơ sở y tế có thẩm quyền xác định cho đến thời điểm sinh con hoặc thời điểm đình chỉ thai nghén.

2. “Sinh con” quy định tại khoản 3 Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình là thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Vợ đã sinh con nhưng không nuôi con trong khoảng thời gian từ khi sinh con đến khi con dưới 12 tháng tuổi;

b) Vợ đã sinh con nhưng con chết trong khoảng thời gian dưới 12 tháng tuổi kể từ khi sinh con;

c) Vợ có thai từ 22 tuần tuổi trở lên mà phải đình chỉ thai nghén.

3. Chồng không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn trong khoảng thời gian dưới 12 tháng tính từ ngày vợ sinh con hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này hoặc ngày đình chỉ thai nghén hướng dẫn tại điểm c khoản 2 Điều này.

4. Trường hợp vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai.

5. Trường hợp vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt con đẻ, con nuôi.

6. Trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì việc xác định quyền yêu cầu giải quyết ly hôn của chồng như sau:

a) Chồng của người mang thai hộ không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;

b) Chồng của người nhờ mang thai hộ không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc khi người mang thai hộ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”

Theo quy định được hướng dẫn trên thì đúng là có quy định trường hợp vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai.  Và Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 nên nói “Từ 1/7/2024, chồng không được yêu cầu ly hôn dù vợ đang có thai, sinh con với ai” cũng không sai.

2. Quy định chồng không được yêu cầu ly hôn dù vợ đang có thai, sinh con với ai có phải quy định mới?

Mặc dù Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 nhưng thực tế pháp luật về hôn nhân và gia đình của Việt Nam đã có quy định tương tự từ lâu. 

Ví dụ tại Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình 1959 quy định: “Trong trường hợp người vợ có thai, chồng chỉ có thể xin ly hôn sau khi vợ đã sinh đẻ được một năm. Điều hạn chế này không áp dụng đối với việc xin ly hôn của người vợ.”

Hay Điều 41 Luật Hôn nhân và gia đình 1986 có quy định: “Trong trường hợp vợ có thai, chồng chỉ có thể xin ly hôn sau khi vợ đã sinh con được một năm. Điều hạn chế này không áp dụng đối với việc xin ly hôn của người vợ.”

Đến Luật Hôn nhân và gia đình 2000 tại khoản 2 Điều 85 cũng có quy định: “Trong trường hợp vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn.” Quy định này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP như sau:

“6. Quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn (Điều 85)

Theo quy định tại Điều 85 thì vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn. Tuy nhiên, người chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn khi vợ đang có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Luật chỉ quy định "vợ đang có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi"; do đó, khi người vợ đang thuộc một trong các trường hợp này (không phân biệt người vợ có thai với ai hoặc bố của đứa trẻ dưới 12 tháng tuổi là ai), mà người chồng có yêu cầu xin ly hôn, thì giải quyết như sau:

a. Trong trường hợp chưa thụ lý vụ án thì Toà án áp dụng điểm 1 Điều 36 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự trả lại đơn kiện cho người nộp đơn.

b. Trong trường hợp đã thụ lý vụ án thì Toà án cần giải thích cho người nộp đơn biết là họ chưa có quyền yêu cầu xin ly hôn. Nếu người nộp đơn rút đơn yêu cầu xin ly hôn thì Toà án áp dụng điểm 2 Điều 46 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án. Nếu người nộp đơn không rút đơn yêu cầu xin ly hôn thì Toà án tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục chung và quyết định bác yêu cầu xin ly hôn của họ.”

Hiện hành, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng có quy định tại khoản 3 Điều 51: “Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”

Vì vậy, quy định này thực tế không hề mới mà đã có từ rất lâu rồi. Dù câu chữ không nguyên vẹn như ban đầu nhưng về bản chất nội dung của quy định này vẫn giữ nguyên dù qua nhiều lần sửa đổi luật. 

3. Tại sao Luật có quy định như vậy?

Thứ nhất, quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi cho người phụ nữ đang ở trong giai đoạn nhạy cảm, cần được bảo vệ cả thể chất và tinh thần. 

Thứ hai, nếu cho phép người chồng ly hôn trong trường hợp này, cần chứng minh được đứa con không phải của người chồng. Việc chứng minh đứa con không phải của người chồng mà do vợ vi phạm hôn nhân một vợ một chồng thực tế rất khó chứng minh trong giai đoạn người vợ còn đang mang thai.  Mặc dù với công nghệ, kỹ thuật y tế hiện nay đã có thể thực hiện xét nghiệm huyết thống khi thai nhi còn đang trong bụng mẹ, nhưng việc áp dụng kỹ thuật này chưa đảm bảo 100% tính chính xác và cũng không đảm bảo chắc chắn sẽ an toàn cho cả mẹ và bé. Vì vậy, không thể vì suy đoán hoặc dựa trên những căn cứ không chắc chắn 100% mà cho phép người chồng ly hôn khi vợ đang mang thai.

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer