Thời gian vừa qua liên tiếp xảy ra hàng hoạt những vụ việc bạo hành trẻ gây rúng động dư luận cả nước. Phẫn nộ và bàng hoàng hơn là những vụ việc bạo hành trẻ em lại được thực hiện bởi chính những thành viên trong gia đình, trong đó có sự tiếp tay của những người là cha ruột, mẹ ruột của nạn nhân. Khi nỗi ám ảnh về vụ việc bé gái 8 tuổi bị người yêu của bố bạo hành đến chết ở Bình Thạnh - TP HCM vào những ngày cuối năm 2021 vẫn chưa nguôi ngoai trong lòng người dân thì mới đây dư luận lại một lần nữa dậy sóng vì vụ việc bé gái 3 tuổi bị người tình của mẹ ghim 9 đinh vào đầu xảy ở Thạch Thất - Hà Nội.

Ảnh minh họa: Internet

Theo xác minh ban đầu của công an huyện Thạch Thất: chị L và anh C kết hôn từ năm 2012 và có 3 con chung, trong đó cháu A là con thứ ba. Do mâu thuẫn trong sinh hoạt, tháng 6/ 2021 chị L đã ly hôn chồng, và nhận nuôi dưỡng cháu A, hai con còn lại do anh C nuôi dưỡng. Sau đó, vì nảy sinh tình cảm với anh H nên chị L đưa con về sống chung với H tại nhà trọ ở Thạch Thất Hà Nội. Trong quá trình chung sống, vì bức xúc với việc cháu A là con riêng nên H đã nhiều lần đánh đập, hành hạ cháu như dùng thuốc diệt cỏ pha lẫn với C2 cho cháu uống, bắt nuốt đinh vít, đánh gẫy tay phải cháu A. Đỉnh điểm nhất là ngày 17/1/2022, nhân lúc chị L đi làm, H đã dùng tạ găm 9 chiếc đinh vào đầu cháu khiến cháu A rơi vào tình trạng hôn mê, nguy hiểm đến tính mạng. 

Đối tượng Nguyễn Trung Huyên. Ảnh CA Hà Nội  

Trong vụ việc này, hành vi dùng tạ găm đinh vào đầu cháu A không còn dừng lại ở mức độ hành hạ nhằm mục đích gây thương tích mà đã có dấu hiệu của Tội giết người. Cụ thể, tại cơ quan điều tra, H khai đã dùng 01 quả tạ nặng khoảng 2 kg đóng liên tiếp 8 - 9 cái đinh đồng dài 2,1 cm đã lấy từ xưởng mộc về trước đó lên xung quanh khu vực đỉnh đầu của A. Khi thực hiện hành vi này, H hoàn toàn nhận thức được hành động của mình có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của cháu bé. Mặc dù hậu quả chết người có thể không xảy ra nhưng việc nạn nhân sống sót nằm ngoài mong muốn, ý chí chủ quan của người thực hiện thì người thực hiện hành vi vẫn bị truy cứu TNHS về tội danh “Giết người”. Ngoài ra, với các tình tiết tăng nặng như giết người dưới 16 tuổi, vì động cơ đê hèn, thực hiện tội phạm một cách man rợ,… thì người thực hiện hành vi sẽ phải đối mặt với hình phạt theo quy định tại Khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015

“1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

….

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

q) Vì động cơ đê hèn.

 …..”

Nghi phạm chỉ được miễn TNHS trong trường hợp thực hiện hành vi khi đang mắc bệnh tâm thần, hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi theo quy định tại Điều 21 Bộ luật hình sự 2015.

Bên cạnh đó, trong trường hợp này, cơ quan chức năng cũng cần phải xem xét trách nhiệm của người mẹ và những người có liên quan. Theo thông tin ban đầu của công an huyện Thạch Thất, tại thời điểm bé gái 3 tuổi bị găm đinh vào đầu, mẹ bé - chị L đi làm vắng nhà, chỉ đến chiều cùng ngày phát hiện ra bé có biểu hiện nôn mửa, sức khỏe yếu chị mới đưa cháu đi cấp cứu. Nếu có căn cứ cho rằng chị L hoàn toàn không biết về việc bé A bị bạo hành thì chị L không phải chịu TNHS. Tuy nhiên dưới góc độ của một người mẹ, nhiều người đặt ra câu hỏi rằng liệu chị L đã thực sự làm tròn bổn phận của một người mẹ hay chưa khi chỉ trong vòng 6 tháng sống chung với mẹ, đứa trẻ đã từng 4 lần nhập viện, mỗi lần nhập viện đều trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Không chỉ riêng người mẹ, đối với tất cả những cá nhân liên quan, nếu biết về sự việc nhưng không có động thái ngăn cản, hay trình báo sự việc với cơ quan chức năng, cũng cần xem xét xử lý mang tính răn đe. Cụ thể theo Điều 62 Nghị định 144/2021/NĐ-CP: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 triệu – 2 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

1 Biết hành vi bạo lực gia đình, có điều kiện ngăn chặn mà không ngăn chặn

2. Biết hành vi bạo lực gia đình mà không báo tin cho cơ quan tổ chức, người có thẩm quyền

3. Cản trở người khác phát hiện, khai báo hành vi bạo lực gia đình” 

Nghiêm trọng hơn, người vi phạm có thể bị truy cứu TNHS về Tội không tố giác tội phạm.  

Xảy ra từ ngày 17/1/2022 và cho tới nay, vụ việc vẫn đang là tâm điểm gây hoang mang trong dư luận. Một lần nữa, những vụ việc bạo hành trẻ em xảy ra đã và đang gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh đối với tất cả chúng ta về trách nhiệm bảo vệ trẻ em, về đạo đức xã hội đang dần xuống cấp. 

Để góp phần ngăn chặn và phòng ngừa vấn nạn này, trước hết mỗi cá nhân cần nâng cao nhận thức của bản thân, chủ động trau dồi kiến thức về tâm sinh lý của các cháu, thay đổi phương pháp giáo dục phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ. Ngay khi phát hiện các trường hợp trẻ em có nguy cơ bị bạo lực hoặc  hành vi đánh đập, ngược đãi trẻ, tùy thuộc vào khả năng và tình huống thực tiễn, cần quyết liệt can ngăn đồng thời trình báo vụ việc đến UBND, Công an xã, hoặc các trung tâm bảo trợ trẻ em gần nhất. Bảo vệ trẻ em khỏi vấn nạn bạo lực, xâm hại không chỉ là trách nhiệm chung của mỗi cá nhân, gia đình mà còn là nỗ lực của toàn xã hội. Vì vậy, cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến việc bảo vệ các quyền của trẻ em, xây dựng hệ thống liên kết giữa gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội ở địa phương, đa dạng hóa các kênh tiếp nhận, xử lý thông tin, kịp thời hỗ trợ trẻ em về mọi mặt,  bổ sung thêm các tiết học ngoại khóa dạy kỹ năng sống  trong chương trình giáo dục,trang bị những kiến thức cơ bản để trẻ  nhận biết và tự bảo vệ bản thân trước nguy cơ bị bạo hành.

 

 

 


 

 


 

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer