Những ngày vừa qua, câu chuyện về tăng giá cả hàng hóa mùa dịch lại một lần nữa gây xôn xao dư luận. Cụ thể, vụ việc xảy ra tại hệ thống cửa hàng của Công ty CP Thương mại Bách Hóa Xanh. Theo báo VOV đưa tin, thời điểm kiểm tra cửa hàng ở TP Sóc Trăng, Buôn Ma Thuột, Đội quản lý thị trường phát hiện có nhiều mặt hàng không niêm yết giá; một số sản phẩm thiết yếu như cháo tươi thịt thăn, cháo yến vị thịt bằm…có giá bán cao hơn so với giá niêm yết.

Điều đáng nói là sự việc này lại xảy ra ngay giữa tâm dịch, thời điểm mà cả nước đang phải gồng mình chống chọi với Covid 19. Nhìn nhận trong tương quan giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, việc doanh nghiệp tự ý tăng giá bán đã vô tình làm lu mờ hình ảnh của doanh nghiệp đó đối với người tiêu dùng, vậy dưới góc độ pháp lý, hành vi này được đánh giá như thế nào?

Ảnh minh họa: Internet

Trong bài viết này, Luật Sao Việt sẽ cùng bạn đọc làm rõ trách nhiệm pháp lý của Doanh nghiệp khi tự ý tăng giá bán của hàng hóa trong mùa dịch.

Căn cứ pháp lý: + Nghị định 109/2013/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 49/2016/NĐ-CP

                            + Nghị định 98/2020/NĐ-CP

                            + Bộ luật Hình sự 2015

Tùy theo tính chất, mức độ, doanh nghiệp tự ý tăng giá bán hàng hóa/ không niêm yết giá có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu TNHS về tội Đầu cơ theo Điều 196 BLHS 2015. Dưới đây là hình thức và mức xử phạt cụ thể đối với từng hành vi vi phạm.

Thứ nhất, trách nhiệm hành chính:

Phạt tiền từ 500.000 đồng - 03 triệu đồng:

- Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật;

- Niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng:

- Bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá không thuộc Danh mục bình ổn giá; hàng hóa, dịch vụ không thuộc Danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện

- Có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng nhằm bán lại thu lợi bất chính với các loại hàng hóa:

+ Thuộc danh mục bình ổn giá hoặc danh mục nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giá

+ Khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác.

Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng:

- Hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, dịch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý

- Hành vi bán cao hơn giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện.

Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm còn phải thực hiện một số biện pháp khắc phục hậu quả như : Buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết, nếu không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp vào ngân sách nhà nước, thậm chí có thể bị tước giấy phép đăng kí kinh doanh/ đình chỉ hoạt động kinh doanh.

Thứ hai, trách nhiệm hình sự

Trường hợp xét thấy có dấu hiệu tội phạm, cá nhân tổ chức có hành vi tăng giá bán hàng hóa còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đầu cơ theo quy định tại Điều 196 BLHS 2015 như sau:

“1. Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng

……….

d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm”

Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer