Từ ngày 01/7/2025, hệ thống Tòa án nhân dân sẽ chính thức được tổ chức lại theo mô hình ba cấp thay vì bốn cấp như trước đây, căn cứ theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân do Quốc hội thông qua. Đây là một bước cải cách quan trọng trong việc tinh gọn bộ máy và phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp sắp tới. Trong đó, điểm nổi bật nhất là việc thành lập Tòa án nhân dân khu vực thay thế cho Tòa án cấp quận, huyện, đồng thời kết thúc hoạt động của Tòa án nhân dân cấp cao để chuyển sang mô hình Tòa phúc thẩm thuộc Tòa án nhân dân tối cao. Những thay đổi này không chỉ làm thay đổi cấu trúc tổ chức mà còn tác động sâu rộng đến thẩm quyền và quy trình tố tụng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người dân khi tham gia các hoạt động tố tụng tại Tòa án. Bài viết dưới đây của Luật Sao Việt sẽ làm rõ hệ thống tổ chức, chức năng và thẩm quyền của từng cấp Tòa án theo mô hình mới.

Ảnh minh họa (nguồn:internet)
1. Hệ thống của Tòa án nhân dân theo mô hình mới từ 1/7
1.1 Thành lập Tòa án nhân dân khu vực thay Tòa án nhân dân cấp quận, huyện
Theo luật mới được thông qua, tổ chức của tòa án nhân dân sẽ chuyển từ 4 cấp còn 3 cấp. Cụ thể, tại Điều 4 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức tòa án nhân dân quy định tổ chức của Tòa án nhân dân bao gồm: Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là tòa án nhân dân cấp tỉnh); Tòa án nhân dân khu vực; Tòa án chuyên biệt tại Trung tâm tài chính quốc tế (gọi chung là tòa án chuyên biệt); Tòa án quân sự trung ương, tòa án quân sự quân khu và tương đương, tòa án quân sự khu vực (gọi chung là tòa án quân sự). Theo đó, từ 1/7 sẽ không tổ chức tòa án cấp quận, huyện mà thay vào đó là TAND khu vực.
Về cơ cấu tổ chức của TAND khu vực, theo Điều 60 của Luật sửa đổi, bổ sung quy định: các tòa chuyên trách gồm tòa hình sự, tòa dân sự, tòa kinh tế, tòa hành chính, tòa gia đình và người chưa thành niên; tòa phá sản, tòa sở hữu trí tuệ tại một số TAND khu vực. Căn cứ quy định trên và thực tiễn xét xử của mỗi TAND khu vực, Chánh án TAND tối cao sẽ quyết định tổ chức các tòa chuyên trách. Trường hợp cấp thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập tòa chuyên trách theo đề nghị của TAND tối cao.
Việc thành lập Tòa án nhân dân (TAND) khu vực là một trong những nội dung cải cách đáng chú ý nhất trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND, có hiệu lực từ ngày 01/7/2025. Đây là một thay đổi nhằm khắc phục tình trạng phân tán, thiếu đồng đều về năng lực xét xử tại nhiều Tòa án cấp huyện, đồng thời phù hợp với thực tiễn tổ chức chính quyền địa phương hiện nay đang được định hướng theo mô hình hai cấp.
1.2 Kết thúc hoạt động của TAND cấp cao, thay vào đó sẽ là Tòa phúc thẩm TAND tối cao
Một điểm đổi mới quan trọng khác trong mô hình tổ chức Tòa án nhân dân từ ngày 01/7/2025 là việc kết thúc hoạt động của Tòa án nhân dân cấp cao và thay thế bằng Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao. Theo quy định mới, các tòa phúc thẩm này sẽ là đơn vị trực thuộc TAND tối cao. Về mặt tổ chức, Tòa phúc thẩm TAND tối cao sẽ chia phạm vi thẩm quyền theo địa lý hành chính, gồm: Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội, gồm 18 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng, gồm 7 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh gồm 9 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Việc phân vùng thẩm quyền này tạo thuận lợi cho công tác xét xử phúc thẩm, giảm thời gian, chi phí cho người tham gia tố tụng và tạo điều kiện để các thẩm phán phúc thẩm tập trung chuyên môn theo từng khu vực nhất định. Đồng thời, việc trực thuộc TAND tối cao sẽ giúp tăng cường sự giám sát, quản lý và thống nhất trong hoạt động xét xử trên phạm vi toàn quốc.
Như vậy, mô hình mới của Tòa án nhân dân sẽ gồm 3 cấp tòa án: TAND tối cao, TAND cấp tỉnh và TAND khu vực. So với luật hiện hành thì không còn quy định TAND cấp cao, quy định TAND khu vực thay cho TAND cấp huyện hiện nay.
2. Chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân theo mô hình mới
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014, chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân theo mô hình mới được quy định như sau:
Tòa án nhân dân khu vực
|
TAND khu vực tại 34 tỉnh, TP trực thuộc trung ương, sẽ tiếp nhận nhiệm vụ, quyền hạn của TAND cấp quận, huyện trước đây. Theo đó, TAND khu vực sẽ thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
1. Sơ thẩm vụ án, vụ việc theo quy định của luật.
2. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các điểm b, c, d, đ và g khoản 2 Điều 3 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024.
3. Kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân khu vực, Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã có hiệu lực pháp luật theo quy định của luật.
4. Thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử; đề xuất án lệ.
5. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
|
Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là tòa án nhân dân cấp tỉnh)
|
TAND cấp tỉnh sẽ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn sau:
1. Sơ thẩm vụ án hình sự theo quy định của luật.
2. Phúc thẩm vụ án, vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân khu vực chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật.
3. Giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân khu vực đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của luật.
4. Kiểm tra bản án, quyết định của Tòa án nhân dân khu vực đã có hiệu lực pháp luật.
5. Kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao đã có hiệu lực pháp luật theo quy định của luật.
6. Thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử; đề xuất án lệ.
7. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các điểm b, c, d, đ và g khoản 2 Điều 3 của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024.
8. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
|
Tòa án nhân dân tối cao
|
- Tòa phúc thẩm TAND tối cao sẽ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn sau:
1. Phúc thẩm vụ án hình sự mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật.
2. Kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã có hiệu lực pháp luật theo quy định của luật.
3. Thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử; đề xuất án lệ.
4. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 2 Điều 3 của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024.
5. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
- TAND tối cao sẽ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn sau:
Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của các Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của luật;
2. Giám đốc việc xét xử của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án khác, trừ trường hợp do luật định;
3. Phúc thẩm vụ án hình sự mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật;
4. Tổng kết thực tiễn xét xử của các Tòa án, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử;
5. Phát triển án lệ;
6. Đào tạo nguồn nhân lực; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, công chức khác, viên chức của Tòa án; bồi dưỡng nghiệp vụ cho Hội thẩm, Hòa giải viên và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật;
7. Quản lý các Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự về tổ chức theo quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 và các luật khác có liên quan, bảo đảm độc lập giữa các Tòa án theo thẩm quyền xét xử;
8. Đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trình Quốc hội dự án luật, nghị quyết; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án pháp lệnh, nghị quyết;
9. Thanh tra, kiểm tra nghiệp vụ đối với các Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án để bảo đảm tuân thủ pháp luật, kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong hoạt động của Tòa án;
10. Hợp tác quốc tế;
11. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
|
3. Trách nhiệm chuyển tiếp
Để đảm bảo việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Tòa án nhân dân được hiệu quả, tại Điều 3 Nghị quyết số 225/2025/QH15 đã có quy định chuyển tiếp thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, các luật tố tụng và luật khác có liên quan đối với Tòa án nhân dân. Theo đó, kể từ ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân số 81/2025/QH15, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự số 99/2025/QH15, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án số 85/2025/QH15 có hiệu lực thi hành (ngày 01 tháng 7 năm 2025):
Tòa án nhân dân khu vực
|
Có thẩm quyền theo lãnh thổ tiếp nhận nhiệm vụ:
- Giải quyết, xét xử vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác mà Tòa án nhân dân cấp huyện đang giải quyết theo thủ tục sơ thẩm.
- Giải quyết, xét xử những vụ việc mà bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện bị hủy để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.
- Kế thừa quyền, trách nhiệm của các Tòa án nhân dân cấp huyện theo quy định của pháp luật.
|
Tòa án nhân dân cấp tỉnh
|
Thực hiện nhiệm vụ:
- Giải quyết đơn, văn bản đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện đã có hiệu lực pháp luật; những vụ việc mà bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị hủy để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm.
- Giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện.
Đối với các vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh đang giải quyết trước ngày 01 tháng 7 năm 2025 nhưng chưa giải quyết xong thì xử lý như sau:
- Trường hợp Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu nhưng chưa thụ lý thì chuyển cho Tòa án nhân dân khu vực có thẩm quyền theo lãnh thổ giải quyết, trừ trường hợp Tòa án đã tiến hành phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án và có yêu cầu công nhận kết quả hòa giải, đối thoại thành thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh tiếp tục xem xét, ra quyết định;
- Trường hợp Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm trước ngày 01 tháng 7 năm 2025 nhưng chưa giải quyết xong thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh tiếp tục giải quyết.
Các Tòa án nhân dân cấp tỉnh sau sắp xếp kế thừa quyền, trách nhiệm của các Tòa án nhân dân cấp tỉnh được sắp xếp theo quy định của pháp luật.
|
Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao
|
Có thẩm quyền theo lãnh thổ tiếp nhận nhiệm vụ sau đây:
- Giải quyết, xét xử theo thủ tục phúc thẩm vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự mà Tòa án nhân dân cấp cao đang giải quyết; những vụ việc mà bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp cao bị hủy để giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.
- Phúc thẩm vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự đã được Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm mà có kháng cáo, kháng nghị.
- Giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản; đơn đề nghị, kháng nghị quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp cao.
- Giải quyết các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp cao.
|
Tòa án nhân dân tối cao
|
Tiếp nhận nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã có hiệu lực pháp luật thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp cao.
|
Nếu còn bất kỳ vướng mắc pháp lý nào liên quan, hãy liên hệ với Luật sư và Chuyên viên pháp lý của chúng tôi để được tư vấn, gỡ vướng kịp thời và cung cấp các dịch vụ pháp lý hiệu quả.
Tham khảo thêm:
Tòa án nhân dân khu vực: Chức năng, nhiệm vụ và Danh sách 355 TAND khu vực tại 34 tỉnh, thành phố
Danh sách địa chỉ trụ sở chính của 12 Tòa án nhân dân khu vực tại thành phố Hà Nội
Danh sách địa chỉ trụ sở chính của 19 Tòa án nhân dân khu vực tại thành phố Hồ Chí Minh
Liên hệ ngay để được Luật sư, Chuyên viên pháp lý hỗ trợ kịp thời:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com