Câu hỏi: Chào Luật sư Sao Việt, tôi là công chức đang công tác tại một Cục thuộc Bộ. Gần đây, tôi bị xử lý kỷ luật với hình thức buộc thôi việc vì lý do bị cho là vi phạm đạo đức công vụ. Tôi cho rằng quyết định này chưa khách quan, có dấu hiệu trái pháp luật, nên muốn làm đơn khởi kiện. Tuy nhiên, tôi lại phân vân không biết nên khởi kiện theo thủ tục hành chính hay thủ tục dân sự về tranh chấp lao động? Có người nói đây là ‘sa thải’, có người lại bảo là ‘buộc thôi việc’ và mỗi cách gọi lại dẫn tới một hướng xử lý khác nhau. Nhờ luật sư giải đáp giúp tôi nên xử lý trường hợp này như thế nào?
Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Dựa trên những thông tin bạn cung cấp, chúng tôi đưa ra định hướng tư vấn cụ thể được trình bày trong bài viết dưới đây.
Ảnh minh họa (nguồn:Internet)
Trong quá trình làm việc, việc bị xử lý kỷ luật dưới hình thức buộc thôi việc là tình huống có thể xảy ra với bất kỳ ai. Tuy nhiên, khi cá nhân cho rằng quyết định kỷ luật buộc thôi việc không đúng quy định và có mong muốn khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, một trong những vấn đề pháp lý đầu tiên cần làm rõ là: vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo thủ tục tố tụng hành chính hay tố tụng dân sự trong lĩnh vực lao động? Đây là điểm phân định quan trọng nhưng thường bị nhầm lẫn, nhất là khi nhiều người chưa phân biệt được rạch ròi giữa hình thức “buộc thôi việc” và “sa thải”. Việc xác định chính xác loại vụ án không chỉ ảnh hưởng đến khả năng Tòa án thụ lý đơn kiện, mà còn quyết định toàn bộ trình tự, thủ tục, và hướng bảo vệ quyền lợi của người bị xử lý kỷ luật.
1. Nhầm lẫn thường gặp giữa quyết định kỷ luật buộc thôi việc và sa thải
Trong thực tế, một trong những nhầm lẫn thường gặp liên quan đến quyết định kỷ luật buộc thôi việc, đó là việc đánh đồng giữa hai hình thức xử lý kỷ luật là buộc thôi việc và sa thải mà không có sự phân biệt, dẫn đến hệ quả tất yếu là xác định sai loại tranh chấp và thủ tục tố tụng tương ứng. Dù buộc thôi việc hay sa thải đều là hình thức kỷ luật cao nhất dẫn đến chấm dứt quan hệ công tác hoặc lao động, song theo quy định của pháp luật, hình thức xử lý kỷ luật “buộc thôi việc” được áp dụng đối với công chức (điểm e khoản 1 Điều 79 Luật Cán bộ, công chức năm 2008) và viên chức (điểm d khoản 1 Điều 52 Luật Viên chức năm 2010). Trong khi đó, “sa thải” là hình thức xử lý kỷ luật được áp dụng đối với người lao động trong quan hệ lao động theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019 hiện hành. Do đó, cần có sự phân biệt và sử dụng chính xác hai thuật ngữ này trong từng trường hợp tương ứng, để đảm bảo việc khởi kiện được chính xác và hiệu quả.
2. Quyết định kỷ luật buộc thôi việc là đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính hay lao động?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Luật Tố tụng Hành chính năm 2015, trường hợp khiếu kiện đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Theo đó, quyết định kỷ luật buộc thôi việc trong trường hợp này sẽ là đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính và được giải quyết theo trình tự, thủ tục của Luật Tố tụng Hành chính.
Trong khi đó, tại điểm a Khoản 1 Điều 32 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định, tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải là tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Như vậy, cần lưu ý rằng vụ án lao động sẽ không giải quyết việc khiếu kiện quyết định kỷ luật sa thải (hay nhầm lẫn với buộc thôi việc), mà sẽ giải quyết tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động, trong đó bao gồm cả tranh chấp về việc xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải. Vì vậy, loại tranh chấp này sẽ thuộc vụ án dân sự (về lao động) và được giải quyết theo trình tự, thủ tục của Bộ luật tố tụng dân sự.
Từ những quy định trên, có thể thấy rằng, để tránh nhầm lẫn khi phân biệt quan hệ tranh chấp là đối tượng giải quyết của vụ án hành chính hay vụ án lao động trong trường hợp này, cần lưu ý những vấn đề sau: Thứ nhất, xác định chính xác hình thức xử lý kỷ luật được áp dụng là gì - buộc thôi việc hay sa thải; Thứ hai, xác định chính xác chủ thể bị xử lý kỷ luật là ai - công chức, viên chức (theo Luật Cán bộ, công chức, viên chức), hay người lao động thông thường (theo Bộ luật lao động). Khi đó:
- Đối với công chức, chỉ trong trường hợp công chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống mà khiếu kiện, thì vụ án này sẽ được giải quyết theo thủ tục tố tụng hành chính. Do đó, đối với công chức khác không thuộc đối tượng trên và viên chức, nếu bị xử lý kỷ luật và có đơn khởi kiện đối với quyết định buộc thôi việc thì vụ án này lại thuộc vụ án dân sự và được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
- Đối với người lao động thông thường (không phải là công chức hoặc viên chức), hình thức xử lý kỷ luật cao nhất là sa thải. Tranh chấp phát sinh từ việc người sử dụng lao động xử lý kỷ luật người lao động bằng hình thức sa thải trong trường hợp này, sẽ thuộc vụ án dân sự về lao động và được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Từ đó, có thể khẳng định: dù cùng bản chất là hành vi “cho thôi việc", nhưng phải dựa vào tùy theo tính chất pháp lý của hình thức xử lý và chủ thể bị xử lý mà vụ án có thể là hành chính hoặc lao động. Sự khác biệt này có ảnh hưởng rất lớn đến hướng đi pháp lý của người khởi kiện. Việc xác định đúng loại vụ án - hành chính hay lao động - khi xử lý các tranh chấp liên quan đến quyết định buộc thôi việc là một bước then chốt và bắt buộc để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện. Nếu xác định sai, hồ sơ khởi kiện có thể bị trả lại, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp.
Trong bối cảnh pháp luật ngày càng chặt chẽ và phức tạp, việc tìm đến một đơn vị tư vấn pháp lý chuyên nghiệp là một giải pháp tối ưu. Với đội ngũ luật sư nhiều năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực pháp lý, từ dân sự, hình sự, hành chính hay kinh doanh-thương mại, Công ty luật TNHH Sao Việt cam kết luôn tìm cách tháo gỡ và hỗ trợ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bạn một cách tối ưu nhất. Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và cung cấp dịch vụ pháp lý kịp thời.
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Tp. Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com