Hiện tại, em có số vốn là 50 triệu đồng, nên em muốn kinh doanh buôn bán nhỏ.
Sản phẩm dự định kinh doanh là bánh mì thịt, nhưng em có làm tên thương hiệu của riêng em, có làm logo (trên bao nylon có in logo và tên thương hiệu bánh mì của em). Em định thuê thêm vài sinh viên phụ việc parttime. Và nguyên liệu làm bánh mì em đều mua tại siêu thị, các công ty khác có giấy đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có hoá đơn mua hàng.
Vậy em có cần đăng ký giấy phép kinh doanh hay không?
Em có cần xin giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm hay không?
Em có cần đóng những loại thuế nào? Các giấy tờ em cần có là gì nếu cơ quan chức năng kiểm tra?
Rất mong nhận được sự phản hồi của Quý Luật sư!
Phòng Doanh nghiệp - Công ty Luật TNHH Sao Việt trả lời câu hỏi của bạn như sau:
1. Trường hợp của bạn phải đăng ký giấy phép kinh doanh theo quy định.
Như bạn có nêu, bạn dự định mở một cửa hàng bánh mỳ, có thương hiệu, logo riêng, có thuê lao động thì có thể thấy hoạt động kinh doanh của bạn có tính độc lập, thường xuyên, có địa điểm cố định, do vậy, khi mở cửa hàng bạn phải tiến hàng đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Bạn nên đăng ký kinh doanh dưới hình thức nào?
Theo những thông tin bạn cung cấp, quy mô kinh doanh nhỏ lẻ, số vốn ban đầu không quá lớn (khoảng 50 triệu), nếu số lao động bạn thuê không quá 10 người, thì bạn chỉ cần đăng ký kinh doanh Hộ kinh doanh, nếu số lao động bạn sử dụng lớn hơn 10 người thì bạn cần phải đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Trình tự, hồ sơ thủ tục đăng ký bạn có thể tham khảo các quy định hướng dẫn tại Điều 71 Nghị định 78/2015/NĐ-CP ngày 14/09/2015 về Đăng ký doanh nghiệp.
2. Có cần xin giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm hay không?
Cửa hàng bán bánh mì của thuộc cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được quy định tại khoản 5 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm 2010. Căn cứ Điều 12 Nghị định 38/2012 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm. Theo đó thì việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) được thực hiện với từng cơ sở sản xuất kinh doanh hoặc từng nhà máy sản xuất độc lập tại 1 địa điểm (sau đây gọi là cơ sở) trừ một số trường hợp như sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, bán hàng rong hoặc kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn không yêu cầu điều kiện về bảo quản.
Như vậy cơ sở của bạn thuộc trường hợp cần xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.
3. Cần đóng thuế gì? Các giấy tờ liên quan cần có nếu cơ quan chức năng kiểm tra?
Hộ kinh doanh phải nộp những loại thuế nào?
Theo quy định hiện hành, Hộ kinh doanh phải kê khai và nộp thuế môn bài, thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân.
Thuế môn bài
Hộ kinh doanh mới thành lập phải đăng ký thuế môn bài tại tháng bắt đầu hoạt động kinh doanh. Mức thuế môn bài đối với Hộ kinh doanh cá thể được quy định tại Thông tư 96/2002/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 75/2002/NĐ-CP của Chính phủ về việc điều chỉnh mức thuế môn bài như sau:
Hộ kinh doanh thành lập trong thời gian sáu tháng đầu năm thì nộp mức thuế môn bài cả năm, nếu thành lập trong thời gian sáu tháng cuối năm thì nộp 50% mức thuế môn bài của cả năm.
Hộ kinh doanh có hoạt động kinh doanh nhưng không kê khai đăng ký thuế thì phải nộp mức thuế môn bài cho cả năm không phân biệt thời điểm phát hiện là của 06 (sáu) tháng đầu năm hay 06 (sáu) tháng cuối năm.
Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân
Việc thực hiện kê khai thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) được hướng dẫn tại Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15/06/2015 như sau:
- Hộ kinh doanh cá thể có mức thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên thuộc đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng và thuế TNCN.
- Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu bao gồm tỷ lệ thuế GTGT và tỷ lệ thuế TNCN áp dụng đối với từng loại hình lĩnh vực ngành nghề như sau:
+ Phân phối, cung ứng hàng hóa: tỉ lệ thuế GTGT là 1%; tỉ lệ thuế TNCN là 0,5%.
+ Hoạt động kinh doanh khác: tỉ lệ thuế GTGT là 2%; tỉ lệ thuế TNCN là 1%.
Các giấy tờ em cần có là gì nếu cơ quan chức năng (cơ quan thuế) xuống kiểm tra?
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh
- Bản sao có chứng thực chứng minh nhân dân của bản thân chủ hộ kinh doanh;
- Danh sách người lao động (nếu có);
- Bản sao CMND của người lao động;
- Giấy tờ chứng minh về địa chỉ hợp pháp: Hợp đồng thuê nhà hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà.
- Hóa đơn: đối với hàng hóa mua của cơ sở kinh doanh có xuất hóa đơn thì bạn phải xuất trình hóa đơn, đối với hàng hóa khi mua mà người bán không có chức năng lập hóa đơn thì lập bảng kê hàng hóa, dịch vụ mua vào.
- Một số giấy tờ được quy định tại Quyết định số 131/2002/QĐ-BTC về việc sửa đổi bổ sung chế độ kế toán hộ kinh doanh.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm, nếu còn có điều gì thắc mắc, mời bạn vui lòng gọi điện trực tiếp đến Tổng đài tư vấn miễn phí 19006243 (Phím 1) của Công ty Luật TNHH Sao Việt để được giải đáp nhanh chóng và chính xác nhất.