Trước khi có ý định thành lập doanh nghiệp, hoặc tham gia vào hội đồng thành viên, hội đồng quản trị của một doanh nghiệp nào đó, thành viên/cổ đông sáng lập phải xác định xem mình sẽ góp vốn bằng loại tài sản nào để thanh toán số vốn điều lệ đã đăng ký mua của doanh nghiệp. Hồ sơ thành lập doanh nghiệp có thể hiện nội dung thành viên/cổ đông sáng lập của công ty sẽ góp vốn vào doanh nghiệp bằng loại tài sản gì.
Theo Luật doanh nghiệp 2014 thì các loại tài sản có thể được dùng góp vốn vào doanh nghiệp gồm :
1. Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi hoặc vàng
Là loại tài sản góp vốn được nhiều thành viên/cổ đông sáng lập chọn để góp vốn vào doanh nghiệp nhất bởi chính sự tiện lợi của loại tài sản này. Việc đăng ký góp vốn bằng đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi hay vàng phải được thể hiện rõ ràng trong sổ sách kế toán.
2. Giá trị quyền sử dụng đất
Giá trị quyền sử dụng đất là loại tài sản được ghi nhận trong Bộ luật dân sự và cũng là loại tài sản được pháp luật ghi nhận khi được phép dùng để góp vốn vào tài sản doanh nghiệp.
Góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất chính là việc thành viên/cổ đông sáng lập sử dụng giá trị quyền sử dụng đất mà thành viên/cổ đông đang dùng để góp vốn vào tài sản của doanh nghiệp. Sau khi góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất thì thành viên/cổ đông sáng lập đấy không còn là chủ sử dụng đối với loại tài sản này. Giá trị quyền sử dụng đất thuộc về doanh nghiệp nơi mà thành viên/cổ đông đó đã đăng ký góp vốn vào.
Đối với loại tài sản này trước khi tiến hành góp vốn, các thành viên/cổ đông sáng lập phải tiến hành định giá hoặc thông qua tổ chức định giá chuyên nghiệp quy giá trị thành đồng Việt Nam. Sau công đoạn trên, nếu giá trị quyền sử bằng với số vốn điều lệ mà thành viên/cổ đông đó đã đăng ký mua thì các bên hoàn thành nghĩa vụ của mình. Nếu giá trị quyền sử dụng đất sau khi định giá nhỏ hơn so với số vốn điều lệ mà thành viên/cổ đông đã đăng ký mua thì thành viên/cổ đông đó phải góp bổ sung vốn cho phần thiếu hụt để đảm bảo đủ số vốn đã đăng ký mua. Trong trường hợp giá trị quyền sử dụng đất được định giá lớn hơn so với vốn điều lệ mà thành viên/cổ đông đăng ký mua thì doanh nghiệp phải trả lại số tiền bằng phần chênh so với số vốn mà thành viên/cổ đông đã đăng ký mua.
3. Giá trị quyền sở hữu trí tuệ
Cũng như giá trị quyền sử dụng đất thì giá trị quyền sở hữu trí tuệ cũng được ghi nhận là một loại tài sản được dùng để góp vốn vào doanh nghiệp.
Điều kiện để quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) được dùng để góp vốn:
- Bên góp vốn là chủ sở hữu của các đối tượng của quyền SHTT;
- Các đối tượng của quyền SHTT được góp vốn là những tài sản không bị tranh chấp, cầm cố, thế chấp hay bảo lãnh;
Trước khi góp vốn các thành viên/cổ đông phải thực hiện thủ tục định giá giống thủ tục góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất.
4. Công nghệ, bí quyết kỹ thuật
Công nghệ hoặc bí quyết kỹ thuật cũng được ghi nhận là một loại tài sản được sử dụng để góp vốn vào doanh nghiệp.
Đây thuộc loại tài sản phải tiến hành định giá để xác định được giá trị. Việc định giá có thể thực hiện bởi các thành viên/cổ đông sáng lập thống nhất hoặc do được một tổ chức định giá chuyên nghiệp thực hiện.
5. Một số tài sản khác có thể định giá được bằng đồng Việt Nam
Các loại tài sản khác có thể định giá bằng tiền thì đều có thể trở dùng làm tài sản góp vốn vào doanh nghiệp.
* Lưu ý:
- Đối với những tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hay giá trị quyền sử dụng đất, khi góp vốn vào doanh nghiệp thành viên/cổ đông sáng lập phải tiến hành chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp. Việc chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp này không mất lệ phí trước bạ
- Đối với những tài sản không đăng ký quyền sở hữu/quyền sử dụng thì việc góp vốn vào doanh nghiệp phải được giao nhận bằng văn bản.