Thành viên hợp tác xã có quyền chuyển nhượng vốn góp cho chủ thể khác không? Hãy cùng Công ty luật TNHH Sao Việt tìm hiểu về vấn đề này.

Theo quy định tại Điều 14, Luật hợp tác xã năm 2012, thành viên hợp tác xã có các quyền sau đây:

1. Được hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hợp đồng dịch vụ.

2. Được phân phối thu nhập theo quy định của Luật này và điều lệ.

3. Được hưởng các phúc lợi của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

4. Được tham dự hoặc bầu đại biểu tham dự đại hội thành viên, hợp tác xã thành viên.

5. Được biểu quyết các nội dung thuộc quyền của đại hội thành viên theo quy định tại Điều 32 của Luật này.

6. Ứng cử, đề cử thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

7. Kiến nghị, yêu cầu hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc), ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên giải trình về hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; yêu cầu hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên triệu tập đại hội thành viên bất thường theo quy định của Luật này và điều lệ.

8. Được cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ nghiệp vụ phục vụ hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

9. Ra khỏi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của điều lệ.

10. Được trả lại vốn góp khi ra khỏi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật này và điều lệ.

11. Được chia giá trị tài sản được chia còn lại của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật này và điều lệ.

12. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật.

13. Quyền khác theo quy định của điều lệ.

Như vậy, so với Luật hợp tác xã năm 2003, Luật hợp tác xã năm 2012 đã bỏ đi quyền được chuyển nhượng vốn góp và các quyền lợi, nghĩa vụ của mình cho chủ thể khác. Vậy, với quy định mở tại Khoản 13, Điều 14 Luật hợp tác xã năm 2012: “ 13. Quyền khác theo quy định của điều lệ” được hiểu như thế nào? Liệu có được hiểu điều lệ hợp tác xã có thể quy định quyền chuyển nhượng vốn góp của thành viên hợp tác xã hay không?

Khoản 1, Điều 13, Luật hợp tác xã năm 2012 quy định điều kiện trở thành thành viên, hợp tác xã thành viên thì để trở thành thành viên hợp tác xã, cá nhân phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

+ Cá nhân là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

+ Có nhu cầu hợp tác với các thành viên và nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã;

+ Có đơn tự nguyện gia nhập và tán thành điều lệ của hợp tác xã;

+ Góp vốn theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 của Luật hợp tác xãĐiều lệ hợp tác xã;

+ Điều kiện khác theo quy định của điều lệ hợp tác xã.

Như vậy, để trở thành thành viên hợp tác xã, cá nhân phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên, do đó, một cá nhân không thể trở thành thành viên hợp tác thông qua con đường chuyển nhượng, quy định mở tại Khoản 13, Điều 14 Luật hợp tác xã năm 2012 không thể được hiểu điều lệ hợp tác xã có thể quy định quyền chuyển nhượng vốn góp của thành viên hợp tác xã.

Điểm mới này của quy định pháp luật là hợp lý, bởi bản chất của hợp tác xã là tổ chức đối nhân, do các thành viên tự nguyện hợp tác nhằm tương trợ lẫn nhau, đáp ứng nhu cầu chung về sản phẩm, dịch vụ cho chính mình. Mục đích của hợp tác xã không phải tối đa hóa lợi nhuận mà là tối đa hóa lợi ích của xã viên. Vì vậy mà việc thu nhận thành viên mới cũng được kiểm soát chặt chẽ hơn.

Khi một thành viên không còn có nhu cầu là thành viên của hợp tác xã nữa sẽ được rút vốn, nếu có chủ thể muốn gia nhập hợp tác xã phải làm đơn xin gia nhập hợp tác xã và sẽ được xem xét.

Trên đây là giải đáp của Chúng tôi về vấn đề trên, mọi thắc mắc cần tư vấn hỗ trợ xin liên lệ với Chúng tôi qua tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 để được giải đáp. Các luật sư Công ty luật TNHH Sao Việt với bề dày kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ tư vấn các vấn đề pháp lý giúp bạn.

Trân trọng ./.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer