Hỏi: Tôi là công chức làm việc tại Xã. Vậy tôi có được thành lập công ty không? Tôi xin cảm ơn.
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Sao Việt. Với câu hỏi của bạn, Chúng tôi xin trả lời như sau:
Bạn là công chức nhà nước do đó bạn không được thành lập công ty.
Lý do như sau:
- Luật doanh nghiệp quy định tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Pháp luật Việt Nam, trừ một số trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 17 Luật doanh nghiệp 2020 như: Cán bộ, công chức, viên chức không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về cán bộ công chức, viên chức.
- Theo quy định tại Điều 20 Luật cán bộ công chức 2008 thì:“Cán bộ, công chức không được làm những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và những việc khác theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.”
- Cũng theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 Luật phòng chống tham nhũng 2018 (có hiệu lực từ 01/07/2019) thì người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan tổ chức, đơn vị không được làm những việc sau đây:
+ Thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác;
+ Tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết;
+ Thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần,công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ
...
Như vậy, công chức không được thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý điều hành doanh nghiệp. Do đó, bạn không được thành lập công ty.
Tuy nhiên, Bạn có thể góp vốn vào một số công ty và không tham gia quản quản lý điều hành doanh nghiệp. Cụ thể như sau:
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 17 Luật doanh nghiệp 2020 quy định cán bộ, công chức không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức. Theo quy định tại Khoản 4 Điều 20 Luật phòng chống tham nhũng 2018 quy định: “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.” Do đó, nếu bạn là Người đứng đầu hoặc cấp phó người đứng đầu thì bạn không được tham gia góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà bạn trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.
Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 Luật phòng chống tham nhũng 2018 quy định Cán bộ, công chức, viên chức không được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp. Như vậy, cán bộ, công chức, viên chức có thể tham gia góp vốn mà không giữ các vị trí quản lý doanh nghiệp ở các doanh nghiệp , cụ thể:
- Đối với công ty cổ phần, cán bộ, công chức, viên chức chỉ được tham gia với tư cách là cổ đông góp vốn mà không được tham gia với tư cách là người trong hội đồng quản trị hay ban kiểm soát của doanh nghiệp.
- Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn thì cán bộ, công chức, viên chức không thể tham gia góp vốn ở loại hình doanh nghệp này vì loại hình doanh nghiệp này khi tham gia đồng nghĩa với việc có tư cách thành viên mà có tư cách thành viên là có vai trò quản lý trong đó.
- Còn đối với công ty hợp danh thì cán bộ, công chức, viên chức chỉ có thể tham gia với tư cách là thành viên hợp vốn không được tham gia với tư cách hợp danh. Chỉ với tư cách hợp vốn thì họ mới không có khả năng quản lý doanh nghiệp.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Mọi vướng mắc bạn vui lòng liên hệ với chúng tôi qua tổng đài 1900 6243 để được tư vấn trực tiếp.