Gia đình tôi có một mảnh đất trong Đà Nẵng và đang có dự định thiết kế một khách sạn 3 tầng view biển. Tôi muốn hỏi những điều kiện cần đáp ứng để kinh doanh khách sạn và những loại giấy phép để khách sạn được đưa vào hoạt động?
Ảnh minh họa, nguồn: Internet.
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
1. Điều kiện để kinh doanh khách sạn phục vụ khách du lịch
Theo quy định tại Điều 49 Luật Du lịch năm 2017, Điều 22 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 13/12/2017 của Chính phủ thì điều kiện để kinh doanh khách sạn phục vụ khách du lịch bao gồm:
- Có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;
- Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;
Trong đó, người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu như sau:
+ Đối với người Việt Nam không được thuộc các trường hợp: đã bị khởi tố hình sự, có tiền án chưa được xóa án tích, đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù, bị cấm kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện an ninh, trật tự,…
+ Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài và người nước ngoài, không thuộc trường hợp chưa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép cư trú.
- Đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch.
+ Vị trí của khách sạn không gần khu vệ sinh công cộng, các cơ sở sản xuất độc hại, các bệnh viện trường học và phải đảm bảo khoảng cách ít nhất là 100m và không được liền kề khu vực cần bảo vệ quốc phòng, an ninh
+ Có tối thiểu 10 buồng ngủ, mỗi phòng tối thiểu rộng 12m2 và 9m2 tùy vào Phòng đôi hay Phòng đơn; có quầy lễ tân, phòng vệ sinh chung.
+ Có nơi để xe cho khách đối với khách sạn nghỉ dưỡng và khách sạn bên đường.
+ Có bếp, phòng ăn và dịch vụ phục vụ ăn uống đối với khách sạn nghỉ dưỡng, khách sạn nổi, khách sạn bên đường.
+ Có giường, đệm, chăn, gối, khăn mặt, khăn tắm; thay bọc đệm, bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới.
+ Có nhân viên trực 24 giờ mỗi ngày.
- Điều kiện về nhân sự: Trình độ chuyên môn, ngoại ngữ của người quản lý và nhân viên phục vụ phải đáp ứng tiêu chuẩn xếp hạng tương ứng mỗi loại, hạng.
2. Các loại giấy phép cần có và thời gian thực hiện
2.1. Giấy chứng nhận an ninh trật tự
*Hồ sơ cần chuẩn bị: Căn cứ Điều 19 và Điều 20 Nghị định 96/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ
- Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh (Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này).
- Bản sao hợp lệ một trong các loại văn bản sau đây:
+ Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
+ Bản sao Biên bản kiểm tra về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy
- Bản khai lý lịch (Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này) và Phiếu lý lịch tư pháp hoặc Bản khai nhân sự (Mẫu số 02b tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này) của người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh.
* Cơ quan cấp: Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
*Thời gian thực hiện: Không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ
2.3. Giấy phép cam kết bảo vệ môi trường
*Hồ sơ cần chuẩn bị: Căn cứ Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020
- Văn bản đề nghị cấp giấy phép môi trường;
- Báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường;
- Tài liệu pháp lý và kỹ thuật khác của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp.
* Cơ quan cấp: Ủy ban nhân dân tỉnh nơi đặt trụ sở kinh doanh
* Thời gian thực hiện: Không quá 30 ngày làm việc
2.4. Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm
*Hồ sơ cần chuẩn bị: Căn cứ khoản 1 Điều 36 Luật an toàn thực phẩm năm 2010
- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
- Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
- Giấy xác nhận đủ sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp;
- Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của Bộ trưởng Bộ quản lý ngành.
*Cơ quan cấp: Ban quản lý an toàn thực phẩm – Sở Y tế
*Thời gian thực hiện: Trong 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
*Thời hạn của giấy chứng nhận là 3 năm.
2.5. Đăng ký xếp hạng sao cho khách sạn
Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch được tự nguyện đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
*Hồ sơ cần chuẩn bị: Căn cứ Khoản 4 Điều 50 Luật du lịch 2017
- Đơn đề nghị công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch (Mẫu 07 Thông tư 06/2017/TT- BVHTTDL ngày 15/12/2017)
- Bản tự đánh giá chất lượng của cơ sở lưu trú du lịch theo quy định trong tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch;
- Danh sách người quản lý và nhân viên trong cơ sở lưu trú du lịch;
- Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ và giấy chứng nhận thời gian làm việc trong lĩnh vực du lịch của người quản lý, trưởng bộ phận trong cơ sở lưu trú du lịch.
*Thẩm quyền xem xét: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
*Thời gian thực hiện: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
*Phí thẩm định: 2.000.000 VNĐ
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục có gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com