Câu hỏi: Kính chào Công ty Luật TNHH Sao Việt: Tôi được biết ở Việt Nam có một số đơn vị là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng có thể chuyển thành công ty cổ phần. Tuy nhiên, tôi còn khá nhiều thắc mắc về điều kiện cũng như quy trình thực hiện, mong giải đáp giúp tôi những vấn đề này để tôi có thể hoàn tất thủ tục chuyển đổi thành Công ty Cổ phần? Tôi xin cảm ơn?

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã quan tâm và gửi câu hỏi về Công ty Luật TNHH Sao Việt, đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

1. Cơ sở pháp lý

- Luật Viên chức số: 58/2010/QH12 được Quốc hội ban hành ngày 15 tháng 11 năm 2010;

- Luật Cán bộ, Công chức số: 22/2008/QH12 được Quốc hội ban hành ngày 13 tháng 11 năm 2018;

- Nghị định số: 150/2020/NĐ-CP về chuyển Đơn vị sự nghiệp công lập thành Công ty Cổ phần do Chính phủ ban hành ngày 25 tháng 12 năm 2020.

2. Khái niệm Đơn vị sự nghiệp công lập, Công ty Cổ phần và Đơn vị sự nghiệp công lập được chuyển thành Công ty Cổ phần

- Đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước.

- Công ty Cổ phần là loại hình doanh nghiệp, trong đó có vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần; cổ đông là cá nhân hoặc tổ chức sẽ sở hữu cổ phần, tối thiểu phải có 03 cổ đông và không hạn chế số lượng tối đa. Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp; lợi nhuận mà cổ đông nhận được từ việc sở hữu cổ phần là cổ tức; công ty cổ phần có thể huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu; công ty cổ phần có đầy đủ các yếu tố để được coi là có tư cách pháp nhân sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Theo đó, tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 150/2020/NĐ-CP quy định các Đơn vị sự nghiệp công lập được chuyển thành Công ty Cổ phần, bao gồm:

- Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác của UBND cấp tỉnh;

- Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

- Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh;

- Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh;

- Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Như vậy, có thể hiểu rằng: Đơn vị sự nghiệp công lập được chuyển đổi thành Công ty Cổ phần là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các đối tượng nêu trên, nếu đơn vị đáp ứng đủ điều kiện có thể thực hiện các bước để chuyển đổi thành công ty cổ phần, được tổ chức và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

3. Điều kiện và hình thức chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần

Về điều kiện, theo quy định hiện hành, các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần khi bảo đảm đủ các điều kiện, cụ thể như sau:

- Thứ nhất, các đơn vị tự đảm bảo được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên trong năm gần nhất với thời điểm thực hiện chuyển đổi hoặc có khả năng tự bảo đảm được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên và đầu tư sau khi đã thực hiện chuyển đổi;

- Thứ hai, đơn vị chuyển đổi phải còn vốn Nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính và xác định lại giá trị đơn vị sự nghiệp công lập;

- Thứ ba, các đơn vị chuyển đổi phải thuộc danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ. Danh mục này không bao gồm các ngành, các lĩnh vực mà pháp luật chuyên ngành quy định không thực hiện chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần;

- Thứ tư, các đơn vị thực hiện chuyển đổi phải có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Về hình thức chuyển đổi, có 3 hình thức chuyển đổi, bao gồm: Giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại đơn vị sự nghiệp công lập, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ; bán một phần vốn nhà nước hiện có và kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

4. Quy trình chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần

Bước 1: Đơn vị chuyển đổi lên kế hoạch xây dựng phương án chuyển đổi, bao gồm:

- Thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc, dựa trên danh mục các đơn vị sự nghiệp công lập đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; quyết định việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập, quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và kế hoạch, lộ trình triển khai công tác chuyển đổi của cơ quan có thẩm quyền;

- Ban Chỉ đạo chỉ đạo Tổ giúp việc phối hợp cùng với đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi chuẩn bị hồ sơ, tài liệu liên quan bao gồm:

+ Các hồ sơ pháp lý về thành lập đơn vị sự nghiệp công lập;

+ Các hồ sơ pháp lý về tài sản, nguồn vốn, công nợ của đơn vị sự nghiệp công lập;

+ Báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thuế của đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi đến thời điểm xác định giá trị đơn vị;

+ Lập dự toán chi phí chuyển đổi theo chế độ quy định;

+ Phương án sử dụng đất của đơn vị sự nghiệp công lập đang quản lý phù hợp với quy định của pháp luật đất đai, pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trong từng thời kỳ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

+ Lập danh sách và phương án sử dụng lao động đang quản lý;

+ Lựa chọn phương pháp, hình thức xác định giá trị đơn vị, lựa chọn thời điểm xác định giá trị đơn vị phù hợp với điều kiện của đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản hướng dẫn có liên quan đến chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

- Sau khi đã chuẩn bị hồ sơ, tài liệu liên quan đơn vị trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự toán chi phí chuyển đổi, quyết định lựa chọn tư vấn chuyển đổi theo chế độ quy định;

- Tổ chức kiểm kê, xử lý những vấn đề về tài chính và tổ chức xác định giá trị đơn vị sự nghiệp công lập;

- Quyết định và công bố giá trị đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi;

- Hoàn tất Phương án chuyển đổi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, phương án chuyển đổi phải bao gồm các nội dung cơ bản sau:

+ Thực trạng của đơn vị sự nghiệp công lập tại thời điểm xác định giá trị đơn vị;

+ Kết quả xác định giá trị đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi và những vấn đề cần tiếp tục xử lý;

+ Hình thức chuyển đổi và vốn điều lệ theo yêu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty cổ phần;

+ Cơ cấu vốn điều lệ, giá khởi điểm và phương thức phát hành cổ phiếu theo quy định;

+ Dự thảo Điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty cổ phần theo các quy định Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp luật hiện hành;

+ Phương án sắp xếp lại lao động đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

+ Phương án hoạt động sản xuất kinh doanh trong 03-05 năm tiếp theo (bao gồm phương án quản lý, khai thác các tài sản công được giao cho doanh nghiệp quản lý không tính vào thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp);

+ Phương án sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo đó, Ban Chỉ đạo chỉ đạo Tổ giúp việc cùng với đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi phối hợp với tổ chức tư vấn tổ chức công khai Phương án chuyển đổi và gửi tới từng bộ phận trong đơn vị để nghiên cứu trước khi tổ chức Hội nghị người lao động. Cùng với đó là thẩm định phương án chuyển đổi báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Bước 2: Tổ chức thực hiện phương án chuyển đổi

- Ban Chỉ đạo chỉ đạo đơn vị sự nghiệp công lập phối hợp với các tổ chức tư vấn trung gian tổ chức bán cổ phần theo phương án chuyển đổi đã được duyệt và quy định tại Nghị định này;

- Ban Chỉ đạo chỉ đạo đơn vị sự nghiệp công lập bán cổ phần ưu đãi cho người lao động và tổ chức công đoàn tại đơn vị (nếu có) theo phương án đã duyệt;

- Căn cứ vào kết quả tổng hợp bán cổ phần cho các đối tượng theo quy định trong phương án chuyển đổi, Ban Chỉ đạo chỉ đạo đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi nộp thu từ chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định;

- Ban Chỉ đạo báo cáo bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh quyết định cử người làm đại diện phần vốn tại các công ty cổ phần có vốn nhà nước tiếp tục tham gia trong công ty cổ phần và chịu trách nhiệm thực hiện quyền và nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước theo quy định của pháp luật.

Lưu ý: Trường hợp đơn vị không bán hết cổ phần cho các đối tượng theo đúng phương án chuyển đổi được duyệt, Ban Chỉ đạo sẽ báo cáo cơ quan quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa ra quyết định điều chỉnh quy mô, cơ cấu cổ phần của đơn vị.

Bước 3: Hoàn tất việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần

- Đơn vị tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất và tiến hành đăng ký doanh nghiệp: Theo đó, đại hội sẽ thông qua Điều lệ tổ chức và hoạt động, phương án sản xuất kinh doanh, bầu Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát và bộ máy điều hành công ty cổ phần;

- Tổ chức quyết toán, bàn giao giữa đơn vị sự nghiệp công lập và công ty cổ phần:

+ Trong thời gian 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu, Ban Chỉ đạo chỉ đạo Tổ giúp việc và doanh nghiệp lập báo cáo tài chính tại thời điểm công ty cổ phần được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu, thực hiện quyết toán thuế, kiểm toán báo cáo tài chính, quyết toán chi phí cổ phần hóa, báo cáo bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh;

+ Căn cứ kết quả xác định lại giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp, Ban Chỉ đạo chỉ đạo Tổ giúp việc và doanh nghiệp tổ chức bàn giao giữa đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi và công ty cổ phần; ra mắt công ty cổ phần và thực hiện bố cáo trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.

Như vậy, sau khi chuyển thành công ty cổ phần, đơn vị sẽ hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các quy định của pháp luật hiện hành; tiếp tục thực hiện việc cung cấp các loại dịch vụ công cho xã hội; được tự quyết định thu giá dịch vụ trên cơ sở khung giá tính đủ các chi phí hợp lý, đúng pháp luật do cấp có thẩm quyền ban hành.

Ngoài ra, sau khi thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần, doanh nghiệp có trách nhiệm sắp xếp, sử dụng tối đa số lao động tại thời điểm quyết định chuyển đổi và phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết chế độ nghỉ việc, thôi việc cho người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động và các quyền lợi khác theo quy định hiện hành; kế thừa mọi trách nhiệm đối với người lao động từ đơn vị sự nghiệp công lập chuyển sang; có quyền tuyển chọn, bố trí sử dụng lao động...

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 
 
 
Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer