Câu hỏi: Trong quá trình hoạt động kinh doanh, vì nhiều lí do mà doanh nghiệp có thể sẽ phải thực hiện việc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. Khi đó, doanh nghiệp cũng sẽ đồng thời phải thực hiện việc điều chỉnh lại các giấy tờ pháp lý khác của công ty sao cho phù hợp. Bài viết này của Luật Sao Việt sẽ giúp các bạn hiểu thêm về trường hợp đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp cũng như thủ tục pháp lý kèm theo.
Trả lời:
Ảnh minh hoạ, nguồn: Internet.
Căn cứ quy định về cấp đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành như sau:
“Điều 35. Cấp đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành
1. Doanh nghiệp đề nghị cấp đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trong các trường hợp sau đây:
a) Thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
b) Thay đổi phạm vi kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.”
Theo quy định trên, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành được phép đề nghị cấp đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trong trường hợp có thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Dẫn chiếu theo quy định tại Điều 28 Luật Doanh nghiệp 2020 thì Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
+ Tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp;
+ Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;
+ Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; đối với thành viên hợp danh của công ty hợp danh; đối với chủ doanh nghiệp của doanh nghiệp tư nhân. Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở chính của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn;
+ Vốn điều lệ đối với công ty, vốn đầu tư đối với doanh nghiệp tư nhân.
Bên cạnh đó, Điều 37 Luật doanh nghiệp 2020 cũng quy định tên tiếng Việt của doanh nghiệp phải được cấu thành bởi hai thành tố đó là: Loại hình doanh nghiệp + Tên riêng.
Như vậy, khi doanh nghiệp thay đổi loại hình doanh nghiệp sẽ dẫn tới việc phải đổi tên doanh nghiệp và sẽ phải thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cùng với đó là phải đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Lưu ý: Tên doanh nghiệp có thể sẽ không bị thay đổi trong trường hợp doanh nghiệp chuyển đổi loại hình từ công ty TNHH 1 thành viên sang loại hình công ty TNHH 2 thành viên trở lên và ngược lại.
Trình tự, thủ tục đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành được quy định như sau:
- Bước 1: Nộp hồ sơ
Doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy phép. Hồ sơ đề nghị cấp đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành bao gồm:
+ Đơn đề nghị cấp đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định;
+ Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp;
+ Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong trường hợp thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành phù hợp với phạm vi kinh doanh trong trường hợp thay đổi phạm vi kinh doanh.
- Bước 2: Nhận kết quả
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép có trách nhiệm cấp đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành cho doanh nghiệp; trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Không làm thủ tục đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành có bị phạt không?
Căn cứ theo điểm a khoản 12 Điều 7 Nghị định 45/2019/NĐ-CP về vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ lữ hành cụ thể như sau:
“Điều 7. Vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ lữ hành
.....
12. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không làm thủ tục đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định;
b) Hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành không đúng phạm vi kinh doanh dịch vụ lữ hành ghi trong giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.
.....”
Như vậy, doanh nghiệp không làm thủ tục đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
===================================================================================================
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Tp. Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com