Công ty tôi là công ty cổ phần thành lập được 1 năm, chuyên kinh doanh mặt hàng thực phẩm sạch. Nay để mở rộng kinh doanh chúng tôi dự định tiếp nhận thêm cổ đông và tăng vốn điều lệ. Cổ đông dự kiến là bạn của tôi, là giảng viên (viên chức) của một trường đại học công lập tại Hà Nội, nên tôi băn khoăn không biết có hạn chế gì không? Công ty có được tiếp nhận thêm vốn của người này không? Mong Luật Sao Việt giải đáp. Trân trọng!
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Sao Việt, theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Luật doanh nghiệp 2020 hạn chế một số đối tượng thành lập và quản lý doanh nghiệp, trong đó có Cán bộ, công chức, viên chức (điểm b khoản 2 điều 17 Luật doanh nghiệp 2020). Do cổ đông dự kiến của công ty bạn là giảng viên trường đại học công lập (viên chức), vì vậy người đó sẽ không có quyền thành lập hay quản lý doanh nghiệp.
Tuy nhiên, người đó vẫn có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh trừ các đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức. Cụ thể, khoản 3 điều 17 Luật doanh nghiệp 2020 quy định:
3. Tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật này, trừ trường hợp sau đây:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
b) Đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng.
Theo Khoản 3 Điều 14 Luật Viên chức 2010 về Quyền của viên chức về hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài thời gian quy định thì viên chức được góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.
Bên cạnh đó, Điều 20 Luật phòng chống tham nhũng 2018 về Quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn quy định như sau:
4. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.
Căn cứ các quy định nêu trên có thể thấy, do công ty bạn là công ty cổ phần,vì vậy, viên chức là giảng viên (viên chức) của trường đại học công lập có thể tham gia với tư cách là cổ đông góp vốn, tuy nhiên người đó không được tham gia vào hoạt động điều hành, quản lý doanh nghiệp; Cụ thể, viên chức đó không được là Thành viên Hội đồng quản trị, không được giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc hoặc là Người giữ chức danh quản lý khác tham gia quản lý, điều hành công ty.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com