Câu hỏi:
Tôi có một thắc mắc xin được luật sư tư vấn như sau: Tôi là người có quốc tịch Hàn Quốc đang làm giám đốc của một Công ty TNHH hai thành viên trở lên (sau đây gọi là Công ty A). Đồng thời, tỷ lệ vốn góp của tôi tại công ty này là 60%. Hiện nay, Công ty A và tôi cùng nhau góp vốn để thành lập một doanh nghiệp Việt Nam khác với loại hình Công ty TNHH hai thành viên trở lên (Sau đây gọi là Công ty B) được không? Nếu có, Công ty A và tôi cần làm những thủ tục gì trước khi hoạt động kinh doanh? Tôi xin chân thành cảm ơn!
(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Trả lời:
Với thắc mắc của bạn, Luật Sao Việt xin được tư vấn như sau:
Công ty A và cá nhân bạn hoàn toàn có thể góp vốn thành lập một Doanh nghiệp Việt Nam khác nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 18 Luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13 và Điều 22 Luật đầu tư số 67/2014/QH13.
Khi Công ty A và bạn góp vốn thành lập một tổ chức kinh tế thì thuộc trường hợp quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 23 Luật đầu tư. Căn cứ quy định tại Điều 36 Luật đầu tư, Công ty A và bạn cần thực hiện những thủ tục sau trước khi hoạt động kinh doanh:
1. Quyết định chủ trương đầu tư: Đối với dự án đầu tư thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại các Điều 30, 31 và 32 của Luật này thì Công ty B phải nộp hồ sơ đề nghị thực hiện dự án đầu tư tại cơ quan có thẩm quyền.
2. Cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:
Sau khi có Quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản quyết định chủ trương đầu tư.
Đối với dự án đầu tư không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại các Điều 30, 31, 32 Luật đầu tư, Công ty B thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trình tự như sau:
a) Nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư.
b) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ, cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; trường hợp từ chối sẽ thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do.
3. Thành lập tổ chức kinh tế: Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định nêu trên, nhà đầu tư thực hiện thủ tục thành lập tổ chức kinh tế để triển khai dự án đầu tư và các hoạt động kinh doanh. Thủ tục thành lập tổ chức kinh tế thực hiện theo quy định tại Luật doanh nghiệp 2014.
Lưu ý: Do hiện tại bạn đang là Giám đốc của Công ty A nên trong trường hợp đầu tư thành lập một tổ chức kinh tế khác, bạn cần thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho công ty A về việc bạn góp vốn thành lập công ty B. Văn bản thông báo bao gồm nội dung sau: Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của công ty B mà bạn có sở hữu phần vốn góp; tỷ lệ và thời điểm sở hữu phần vốn góp đó.
Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc E-mail: congtyluatsaoviet@gmail.com.