Ngày 05/5/2023, Bộ Y tế ban hành Thông tư 09/2023/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 14/2013/TT-BYT ngày 06/5/2013.
Theo đó, lao động nữ khi khám sức khỏe định kỳ được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục quy định tại Phụ lục 3b, gồm:
(i) Khám phụ khoa:
- Khám vùng bụng dưới và vùng bẹn.
- Khám bộ phận sinh dục ngoài.
- Khám âm đạo bằng mỏ vịt kết hợp quan sát cổ tử cung bằng mắt thường.
- Khám âm đạo phối hợp nắn bụng (khám bằng hai tay).
- Khám trực tràng phối hợp nắn bụng (khám bằng hai tay).
Lưu ý:
+ Việc khám âm đạo bằng mỏ vịt kết hợp quan sát cổ tử cung bằng mắt thường và khám âm đạo phối hợp nắn bụng chỉ thực hiện nếu tiếp cận được bằng đường âm đạo và phải có sự đồng ý của lao động nữ sau khi được tiếp nhận tư vấn từ nhân viên y tế.
+ Việc khám trực tràng phối hợp nắn bụng chỉ thực hiện nếu không tiếp cận được bằng đường âm đạo hoặc bệnh cảnh cụ thể đòi hỏi phải đánh giá thêm bằng khám trực tràng và có sự đồng ý của lao động nữ sau khi được nhân viên y tế tư vấn.
(ii) Sàng lọc ung thư cổ tử cung: Thực hiện sàng lọc, phát hiện sớm tổn thương cổ tử cung bằng ít nhất một trong các kỹ thuật sau:
- Nghiệm pháp quan sát cổ tử cung với dung dịch Acid Acetic (VIA test).
- Nghiệm pháp quan sát cổ tử cung với dung dịch Lugol (VILI test).
- Xét nghiệm tế bào cổ tử cung.
- Xét nghiệm HPV.
Lưu ý: Việc khám sàng lọc ung thư cổ tử cung chỉ thực hiện nếu tiếp cận được bằng đường âm đạo và có sự đồng ý của lao động nữ sau khi được nhân viên y tế tư vấn; việc khám sàng lọc thực hiện theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.
(iii) Sàng lọc ung thư vú: Thực hiện sàng lọc, phát hiện sớm tổn thương vú bằng ít nhất một trong các kỹ thuật sau:
- Khám lâm sàng vú.
- Siêu âm tuyến vú hai bên.
- Chụp Xquang tuyến vú.
(iv) Siêu âm tử cung-phần phụ (chỉ thực hiện khi có chỉ định của bác sỹ khám)
Xem nội dung chi tiết tại Thông tư 09/2023/TT-BYT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/6/2023.